Ngành dệt may kỳ vọng phát triển đột phá khi vào TPP

(PLO) - Đó là nhận định của ông Thái Tuấn Chí - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn.
Ông Thái Tuấn Chí trả lời phóng viên sau buổi đối thoại Thủ tướng với Doanh nghiệp

Bên lề buổi đối thoại của Thủ tướng chính phủ và các Bộ, ngành với Doanh nghiệp diễn ra ngày 29/4, phóng viên báo PLVN đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Thái Tuấn Chí - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thái Tuấn. Ông Chí cho biết Doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới sẽ nhiều cơ hội để phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế.

PV: Ông nghĩ gì về hội nghị đối thoại Thủ tướng với Doanh nghiệp chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - Động lực phát triển kinh tế của đất nước được tổ chức ngày hôm nay?

Ông Thái Tuấn Chí: Thật sự tôi và cộng đồng Doanh nghiệp rất bất ngờ về buổi hội nghị có sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ và các ban ngành lập pháp, hành pháp có mặt rất đầy đủ. Hơn nữa, sự chỉ đạo của Thủ tướng và các bộ, ngành rất là xuyên suốt.

Đầu tiên là việc bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp, không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Một điều nữa cực kì quan trọng đó là xác định Doanh nghiệp nhân doanh đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế. Tôi nghĩ rằng qua buổi hôm nay, chắc chắn rằng động lực của ngành kinh tế sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ. Doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài sẽ mạnh dạn đầu tư để phát triển hơn.

Liên quan đến vấn đề hội nhập kinh tế TPP, hiện nay Chính phủ đã đưa ra thông điệp trong thời gian sắp tới sẽ hỗ trợ các vấn đề liên quan đến đầu tư để hội nhập. Theo tôi nghĩ ngành tốt nhất để phát triển khi tham gia TPP là ngành công nghiệp dệt may. Ngành dệt may hiện nay cần tập trung vào khâu thiết kế, phân phối và thương hiệu. Với thông điệp của Chính phủ, trong thời gian không xa sẽ có sự đầu tư vào các trường đào tạo, dạy nghề. Đầu tư vào chính sách hỗ trợ để các doanh nghiệp tập trung xây dựng vào 3 khâu nói trên. Và không chỉ nguồn nội lực trong nước mà FDI sẽ đầu tư mạnh mẽ.

PV: Là một tập đoàn lớn trong lĩnh vực dệt may, sau hội nghị này ông có kỳ vọng vào một sự phát triển đột phá trong ngành kinh doanh của mình?

Ông Thái Tuấn Chí: Với việc Việt Nam tham gia vào TPP nhiều chuyên gia cũng như cá nhân tôi khẳng định ngành dệt may chắc chắn là ngành hưởng lợi nhiều nhất. GDP Việt Nam sẽ tăng thêm 35,7 tỷ USD vào năm 2025 (dự báo của giáo sư Peter A.Petri - Đại học Brandeis - Hoa Kỳ). Và kim nghạch xuất khẩu ngành dệt may tăng gấp đôi so với hiện nay nghĩa là vào năm 2020 sẽ đạt 50 tỷ USD.

Năm 2016 được dự báo là sẽ có sự tăng trưởng mạnh về xuất khẩu và sự gia tăng mạnh về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội không nhỏ cho Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế nhằm đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng, thu hút đầu tư mới và tăng trưởng toàn diện nhất là những ngành như điện tử, nông nghiệp, sinh học, dược phẩm, dệt may thời trang, tài chính, ngân hàng...

Nhìn chung khi TPP được ký kết thì thị trường lớn nhất của mặt hàng dệt may là thị trường Mỹ. Và để xuất khẩu vào thị trường Mỹ thì Doanh nghiệp phải thay đổi nhiều nhất, phải đầu tư máy móc thiết bị, đầu tư khoa học công nghệ và đầu tư cả về con người. Để làm được điều này cần sự hỗ trợ về chính sách của Chính phủ. Và rất vui mừng là trong hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp đã đưa ra vấn đề này, đó là sự mong chờ rất lớn từ phía các doanh nghiệp.

Với việc đảm bảo hỗ trợ về khoa học công nghệ và sự quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ thì tôi tin rằng doanh nghiệp Việt Nam sẽ tận dụng được cơ hội này. Và để gia nhập vào thị trường TPP có nhiều yếu tố về mặt rào cản kỹ thuật tôi nghĩ Doanh nghiệp Việt Nam nên xây dựng một bộ máy để nghiên cứu về vấn đề thâm nhập vào thị trường này nhằm đáp ứng hàng loạt tiêu chí đã đề ra. Song song đó Chính phủ cũng nên lập ra bộ, ban nào đó để hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

PV: Được biết, khi tham gia TPP nhiều mặt hàng sẽ được giảm thuế suất xuống 0% trong đó có mặt hàng dệt may. Tuy nhiên để nhận được sự ưu đãi này ngành dệt may phải tuân thủ những tiêu chí, những rào cản kỹ thuận đề ra từ TPP như phải đáp ứng các khâu nguyên liệu, khâu sản xuất từ đầu đến cuối, điều đó có gây khó khăn cho sự phát triển không thưa ông?

Ông Thái Tuấn Chí: Hiện nay, trong ngành dệt may, vấn đề đầu tư sản phẩm từ khâu đầu đến khâu cuối chúng ta không ngại. Vì nhận thấy đây là cơ hội rất lớn nên hiện nay nhiều doanh nghiệp FDI đã đầu tư sản xuất. Trong đó sản xuất nguyên liệu sợi, vải cũng được chú trọng, điều này sẽ làm thay đổi việc chúng ta phải nhập khẩu vải tới 50% như hiện nay. Như vậy trong thời gian sắp tới từ đầu vào cho đến đầu ra không còn là vấn đề lớn.Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng lợi thế và cơ hội như thế nào để phát triển mới là điều quan trọng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm