Ông hoàng không ngai
Lần sa lưới đầu tiên của Huyết vương Felipe đó là khi tên này bắn chết bạn gái của mình. Đó là vào khoảng năm 1981, Felipe chỉ bị kết án 9 năm tù giam do ngộ sát bạn gái lúc say xỉn. Huyết vương bị giam giữ tại Cơ sở Cải huấn Collins (New York). Giống như nhiều thủ lĩnh băng đảng khác, Huyết vương tiếp tục chỉ đạo các hoạt động của bọn dàn em ở bên ngoài.
Ban đầu, Huyết vương có chút khó khăn khi giao tiếp với thế giới bên ngoài. Đầu tháng 4/1993 khi còn ở Collins, Felipe đã vi phạm các quy định của nhà tù bằng cách cố gắng “thả diều” thư cho tù nhân tại một cơ sở khác. Theo đó, “kite” là tiếng lóng trong nhà tù khi các tù nhân sử dụng những phương thức liên lạc bí mật với nhau.
Trong các bức thư Felipe gửi ra bên ngoài, thời điểm đó các quản giáo tại nhà tù không thể hiểu được những ám chỉ, hàm ý bên trong đó. Tất cả các bức thư đều được cho một cá nhân, người quen của Felipe, và người này có nhiệm vụ “dịch” lại những mật lệnh ẩn chứa trong đó và chuyển thông điệp cho các thành viên khác.
Trong nhà tù, ngày càng có nhiều những người Mỹ gốc Latin phải vào đây trả án, và cũng vì thế mà thế lực và qui mô của băng Latin Kings của Felipe cũng tăng lên.
Vào năm 1989, Felipe được trả tự do sớm, nhưng lại bị bắt sau đó không lâu vì liên quan đến một vụ tiêu thụ đồ ăn cắp và tiếp tục phải quay trở lại sau song sắt. Có thể nói, gần như cả cuộc đời của Huyết vương đều ở sau song sắt, và vì thế, vị vua này điều khiển cả “vương triều” của mình thông qua ngòi bút và những lá thư gửi từ nhà tù ra ngoài.
Thanh trừng đẫm máu
Vào khoảng năm 1993, tại nhà tù Collins đã xảy ra một cuộc bạo động giữa băng đảng Latin King của Felipe với băng đảng khác. Nhà chức trách lúc bấy giờ đã phải chuyển Felipe đến nhà tù Attica, nơi có mức độ an ninh cao hơn và cũng là một cách để “bẻ gãy” nanh vuốt của ông vua không ngai này.
Nhà tù Attica vào năm 1971 đã từng xảy ra một vụ bạo động, làn đó các tù nhân nổi dậy và tấn công, chiếm cả nhà tù và bắt giữ các giám thị, cai ngục làm con tin. Sau 4 ngày đàm phán không thành, cuối cùng đã xảy ra một cuộc tấn công của lực lượng cảnh sát vào nhà tù, hậu quả là 43 người thiệt mạng, trong đó có 11 người là quản giáo và cai ngục.
Chính vì vậy, sự hiện diện của Felipe tại đây vừa là nguy cơ đối với việc quản lý các tù nhân, nhưng cũng là sự thắt chặt hơn để quản lý ông trùm này. Đến tháng 5/1993, Felipe nhận thấy “ngôi vị” của mình đang bị lung lay, đó là khi Rafael Gonzalez (biệt danh là Vua chuột - King Mousey) một vị vua khác của băng Latin Kings đang được tự do ở ngoài có ý định “tiếm ngôi” và tranh giành vị trí thủ lĩnh của Huyết vương. Đó cũng là lúc “mật lệnh thanh trừng” được Felipe chuyển thông điệp ra ngoài.
Đến ngày lễ Haloween năm đó, tại một ngôi nhà cộng đồng, khi mọi người đang tổ chức tiệc ăn mừng thì một vụ xả súng đã xảy ra, mục tiêu là Vua chuột. Những tay súng đã xông vào và đuổi bắn Vua chuột giữa sự chứng kiến của những người có mặt tại đó. Rất may, Vua chuột đã thoát chết và chạy trốn được, còn em vợ của người này thì không may mắn và thiệt mạng trong vụ xả súng.
Người nhận được “mật lệnh” của Huyết vương để tiến hành vụ thanh trừng là William Cartegena, được biết đến với biệt danh King Little Man (tạm dịch là Vua nhí). Người này sau khi thất bại trong việc khử Vua chuột đã phải trả một cái giá quá đắt khi làm hỏng việc của Huyết vương Felipe. Tiếp đó, mật lệnh T.O.S (Gặp là giết) đã được Huyết vương ban bố, mục tiêu là Vua nhí Cartegena, bất kỳ thành viên nào trong băng đảng bắt gặp Cartegena thì đều phải tiêu diệt ngay, nếu không thì chính người đó sẽ phải chết. “Vua nhí đã phản bội ta, phản bội sắc tộc, vậy nên các ngươi biết mệnh lệnh của ta là gì rồi đó. Hãy “tôn trọng” hắn một chút!”, Huyết vương Felipe đã nhắn nhủ như vậy.
Khi biết tin mình đang bị truy sát, Vua nhí Cartegena đã kịp thời lẩn trốn, các thành viên của băng Latin Kings không tìm thấy tung tích của Cartegena thì quay sang nhắm vào Margie Carderon - người tình của Vua nhí. Chúng đã mang xăng đến đốt cả nhà của cô này nhưng may mắn cô ta đã thoát ra ngoài được, còn những người hàng xóm thì bị liên lụy bởi trận hỏa hoạn.
Từ lúc bản thân và người tình bị truy sát, Vua nhí Cartegena rất lo sợ và cầu cứu những người có “chóp bu” của bang Latin Kings. Cartegena cầu xin sự tha thứ và mong muốn quay lại chuộc tội và chịu sự trừng phạt, miễn sao được giữ lại mạng sống. Qua điện thoại, một vị vua trong băng Latin Kings đã nói với Cartegena là hãy yên tâm và cứ trở về, anh ta sẽ chỉ bị “ăn đòn 5 phút”, sau đó mọi sai lầm sẽ được bỏ qua.
Tin lời người này, Vua nhí Cartegena đã quay lại để chịu trừng phạt, anh ta về nhà mình, nơi những người khác trong băng Latin Kings đang đợi sẵn, trong số đó có một người với biệt danh King Teardrop (Lệ vương). Khi bước vào nhà, Cartegena tự cởi bỏ quần áo bên ngoài, quỳ xuống để chịu tội, những tưởng rằng hình phạt “ăn đòn 5 phút” sẽ được thực hiện. Nhưng rồi, bất ngờ một thành viên trong băng nhóm đã dùng dây siết cổ Vua nhí từ đằng sau đến chết.
Sau đó, chúng còn chặt thủ cấp của người này cùng với phần cánh tay có hình xăm vương miện (một trong những biểu tượng của băng Latin Kings) để “làm bằng chứng” gửi cho Huyết vương Felipe về việc hành quyết Vua nhí Cartegena. Sau đó, chúng thiêu xác nạn nhân cùng toàn bộ hiện trường vụ hành quyết. Cũng cuối năm 1993, Huyết vương Felipe đã hạ lệnh “hành quyết” Ismael Rios và Ronnie Gonzalez, những người thực thi lệnh hành quyết đã bắn hạ Rios và cố gắng giết chết Gonzalez nhưng người này đã chạy thoát.
Vào thời điểm đó, việc điều tra của lực lượng cảnh sát gặp rất nhiều khó khăn, không có một đầu mối nào cho thấy kẻ chủ mưu đứng sau vụ “hành quyết” kinh hoàng này. Tất cả những gì cảnh sát thu thập được chỉ là một cái xác không đầu, không tay bị đốt cháy, hay một thi thể bị bắn gục bên lề đường. Không nhân chứng, không lời khai nên ngoài việc kết luận đây là một vụ thanh toán giữa các băng nhóm, cảnh sát không thể đưa ra điều gì hơn.
Đến mùa xuân năm 1994, tiếp tục ba mục tiêu nữa được Huyết vương phát lệnh tiêu diệt, trong số đó có một vị vua khác của băng đảng đang bị giam tại nhà tù trên đảo Riker. Chuyện là tại nhà tù trên đảo Riker, Pedro Rosario (biệt danh là Pete Rock) đã từng nhiều lần tấn công các thành viên của băng Latin Kings cũng như các tù nhân khác. Huyết vương khi nghe tin đã ra lệnh “xử tử” đối với Pete Rock, và người thực hiện lệnh này là King Blade (tạm dịch là Kiếm vương).
Việc hành quyết Pedro Rosario - kẻ thù của Latin Kings được thực hiện một cách man rợ, nhưng thay vì giết chết mục tiêu, Kiếm vương lại dùng dao cạo râu rạch khắp người kẻ này. Chúng còn dùng dao khắc lên người Pete Rock hai chữ “L.K” - chữ cái viết tắt của băng Latin Kings như thể để dằn mặt những kẻ thù còn lại trong nhà tù.
Sau vụ đó, Pete Rock dù không mất mạng nhưng cũng bị thương trầm trọng và phải lĩnh một bài học nhớ đời. Tuy nhiên, Huyết vương Felipe không chịu buông tha mà tiếp tục ra lệnh cho Kiếm vương phải giết chết Pete Rock, nhưng Kiếm vương đã không nghe theo, và thế là lệnh trừ khử Kiếm vương được đưa ra sau đó. Nhưng lần này cũng là lần cuối Huyết vương được tỏ vẻ oai phong của mình.
(Kỳ cuối: Ngày đền tội khổ nhục trong tù)