Ngày tận thế của “Huyết vương” băng đảng Latin Kings (Kỳ cuối)

(PLVN) - Sau thời gian tung hoành trên đất New York (Mỹ) với các cuộc thanh trừng rúng động xã hội, cuối cùng “Huyết vương” Felipe cũng không tránh được lưới pháp luật. Vào thời điểm bị đưa ra xét xử, Huyết vương khi đó mới 33 tuổi đã bị kết án 18 tội với bản án chung thân cộng thêm 45 năm tù. 
Hình xăm vương miện trên cơ thể là đặc điểm nhận diện của băng đảng Huyết vương
Hình xăm vương miện trên cơ thể là đặc điểm nhận diện của băng đảng Huyết vương

Sau khi chống lệnh Huyết vương Felipe, người được mệnh danh là Kiếm vương trong băng Latin Kings đã quay sang hợp tác với cơ quan hành pháp và khai ra Huyết vương Felipe, cũng như cung cấp các bằng chứng là những bức thư có chứa “mật lệnh” được mã hóa trong đó của Felipe. Từ sự hợp tác này của Kiếm vương, cảnh sát đã lần lại tất cả các bản sao những bức thư mà Huyết vương Felipe đã gửi từ nhà tù ra ngoài trong các năm trước đó.

Sau khi được “dịch” lại, các mật ngữ, ám hiệu đã được giải mã hoàn toàn, và từ đây chứng cứ về tội ác của Huyết vương đã được phơi bày qua những bức thư đó. Danh sách của những người từng vào thăm Huyết vương trong tù cũng được rà soát, trong vòng chưa đầy 1 tháng sau, các chứng cứ đã trở nên rõ ràng, những mảnh ghép đã dần hoàn thiện cả bức tranh tội ác của Huyết vương. 

Những “vị vua” trong băng Latin Kings lần lượt bị bắt, phải kể đến những cái tên như: Lệ vương (King Teadrop), Kiếm vương (King Blade), Sát nhân vương (King Assasin) Francisco Soto... Một lần nữa, Huyết vương dù đang ngồi tù nhưng một lần nữa bị bắt vào ngày 21/6/1994 vì các tội danh liên quan đến giết người có tổ chức và âm mưu giết người.

Ngay tại phiên tòa, hàng chục đàn em của Huyết vương trong băng Latin Kings mặc quần áo màu vàng và đen (màu biểu trưng của băng nhóm) ngồi chật kín khán phòng. Khi Huyết vương được áp giải vào, tất cả thành viên băng Latin Kings đứng dậy, tay giơ dấu hiệu và cùng hô to “Amor de Rey”, một lời chào vào chúc phúc gửi tới vị thủ lĩnh đang bị còng tay đứng trong bục dành cho phạm nhân. Còn phía bên ngoài tòa án, hàng ngàn đàn em của Huyết vương cũng liên tục hô to “Amor de Rey” như thể thị uy với những người đang “cầm cân nảy mực” phía bên trong.

Vào thời điểm bị đưa ra xét xử, Huyết vương khi đó mới 33 tuổi đã bị kết án 18 tội. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, các điều tra viên vẫn tiếp tục mở rộng vụ án và bắt giữ thêm nhiều đối tượng tay chân, đàn em của Huyết vương. Tổng số 28 đàn em của Huyết vương đã bị bắt giữ và điều tra. Tuy nhiên bọn chúng đều tỏ ra cứng đầu và bất hợp tác, không chịu cung khai chống lại thủ lĩnh của mình.

Tuy nhiên, trong một lần tiến hành truy quét, cảnh sát đã bắt giữ được Alex Figueroa cùng với một khẩu súng. Tiến hành giám định đạn đạo của khẩu súng thu giữ được, cảnh sát phát hiện đó chính là khẩu súng “nặng nghiệp”, đã được sử dụng trong 3 vụ giết người tại New York. Trước chứng cứ không thể chối cãi, cuối cùng Alex đã chấp nhận khai ra tất cả để được hưởng khoan hồng.

Tiếp đó, Sát nhân vương Francisco Soto - kẻ đã thực hiện hàng chục vụ giết người bị bắt và đưa ra xét xử cùng Huyết vương Felipe sau đó đã khai ra một âm mưu động trời. Hóa ra, trong quá trình bị giam giữ, mặc dù bị giám sát gắt gao nhưng Felipe vẫn kịp đưa ra “mật lệnh” để có thể giúp mình thoát tội, đó là khử những nhân chứng, đồng thời tìm cách tống tiền, đe dọa bồi thẩm đoàn và những người tham gia xét xử hắn. Tại phiên tòa, mẹ của một thành viên băng đảng bị sát hại cho biết bà sẽ mãi mãi bị ám ảnh bởi vụ giết người.

Lola Reyes, có con trai Ismael Rios bị giết vào tháng 1/1994 khẩn thiết đề nghị Thẩm phán áp đặt một bản án dài đối với Felipe vì đã ra lệnh giết người. Người ta không thể hình dung nổi nếu “vị vua” này mà được tự do thì sự thể sẽ như thế nào. Thẩm phán John S. Martin Jr đã phải thốt lên rằng: “Tôi là người không tin vào án tử hình, nhưng nếu có án tử hình trong trường hợp này thì tôi sẽ áp dụng nó”. “Bị cáo này không quan tâm đến cuộc sống của con người và rõ ràng rất thích một vai trò thần thánh trong việc xác định ai nên sống và ai nên chết. Bị cáo này đã mất quyền tiếp xúc với con người”, Thẩm phán Martin nói khi tuyên án.

Thẩm phán đã tuyên phạt Luis Felipe tù chung thân cộng thêm 45 năm vì các cáo buộc tội ác đã gây ra, thêm vào đó, Huyết vương Felipe phải bị biệt giam, hạn chế tối đa tiếp xúc với thế giới bên ngoài, chỉ được phép viết thư cho luật sư và người thân.

Bản án này đã gây ngạc nhiên ngay cả các công tố viên liên bang và khiến Felipe bị sốc và rơi nước mắt khi nói với thẩm phán rằng anh ta đang bị kết án tử hình hàng ngày: “Ngài đang nói với tôi rằng không ai có thể viết thư cho tôi, không ai có thể gửi tiền cho tôi, không ai có thể quan tâm đến tôi nữa hay sao.

Với hình phạt đó, Felipe bị giam 23 giờ mỗi ngày trong phòng giam kiên cố, chỉ có một cửa sổ nhỏ cho phép anh ta nhìn thấy bầu trời và một khoảng sân phía ngoài. Ngay cả khi nhìn ra khoảng sân đó, Felipe vẫn không thể nhìn thấy bất kỳ tù nhân nào khác để tránh việc những “mật lệnh” của Huyết vương tiếp tục được truyền ra ngoài.

Sau khi chuyển từ Trung tâm giam giữ Metropolitan ở New York sang nhà tù có mức an ninh cao nhất ADX tại thành phố Florence (bang Colorado) ADMAX, Felipe yêu cầu được phép gửi bản vẽ và một số bài thơ của mình cho các tạp chí dành cho tù nhân. Thẩm phán Martin từ chối yêu cầu của Huyết vương. Năm 1999, Martin đã nới lỏng các hạn chế phần nào bằng cách cho phép Felipe nói chuyện với các tù nhân khác như Ted Kaczynski (Biệt danh UnaBomber - kẻ đánh bom thư giết người hàng loạt).

Sau thời của Huyết vương Luis Felipe, Latin Kings đã có thủ lĩnh mới là King Tone, người này đã có những thay đổi và điều chỉnh, hướng Latin Kings thành một tổ chức chính trị - cộng đồng đối với những người Mỹ gốc Latin. Đây dường như một bước tiến mới, giúp Latin Kings (hay Almighty Latin Kings and Queesn Nation) trở lại đúng với bản ngã ban đầu của mình, đó là một cộng đồng tương trợ giữa những người Mỹ gốc Latin để chống lại nạn phân biệt chủng tộc và những bất công trong xã hội, chứ không phải một băng đảng đường phố như người ta từng biết đến.

Đọc thêm