Khốn khổ vì khoản tiền vay để đào giếng nước
Sự việc vừa xảy ra tại ấp 1A, xã Long Hòa, huyện Cần Đước, tỉnh Long An
Ngồi bần thần trước hiên nhà trên phần đất 1.900 m2 đã bị cầm cố, ông Nguyễn Văn Nhỏ (SN 1976) chỉ tay về hướng giếng nước, phía trên là một bể lớn dùng để lọc nước bơm từ giếng lên, thở dài chia sẻ:
“Bao nhiêu năm sống khổ sở vì không có nước sạch dùng, tôi đắn đo mãi mới quyết định vay mượn tiền đào giếng, xây bộ lọc nước hết mấy chục triệu. Bà con khu này cũng may có bộ lọc nước nhà tôi mà được dùng ké. Ngờ đâu lãi mẹ đẻ lãi con khiến gia đình tôi khốn đốn”.
Ngân hàng khủng khoảng, dân “bấu víu” vào “tín dụng đen”
Vào giữa năm 2014, vì muốn có tiền đào giếng, đầu tư chút vốn làm ăn nên ông Nhỏ đã vay 130 triệu của một ngân hàng trên địa bàn. Chưa được bao lâu, ngân hàng này rơi vào tình trạng khủng hoảng, đứng trước nguy cơ giải thể. Ngân hàng đòi lại số tiền cho vay trước đó, ráo riết gửi văn bản, cho nhân viên tới nhà con nợ yêu cầu trả tiền.
Ông Nhỏ chạy vạy khắp nơi, hỏi mượn tất cả người thân, bạn bè nhưng số tiền vay được chỉ như “muối bỏ bể”, trong khi số nợ lên tới 130 triệu. Nhiều đêm mất ngủ trằn trọc suy nghĩ vẫn không tìm ra được cách giải quyết, cuối cùng ông đánh liều đi vay lãi.
“Ban đầu tôi nghĩ đơn giản vay nóng giải quyết khó khăn trước mắt, rồi treo bảng bán đất sẽ lấy tiền trả luôn. Nhưng không ngờ…”, người đàn ông rớt nước mắt, bỏ lửng câu nói.
Chiêu trò “bán nợ” giữa những đối tượng cho vay lãi
Ông Nhỏ tìm đến một người cùng xã vay nóng số tiền 130 triệu đi trả ngân hàng. Theo hợp đồng viết tay giữa hai người, thời hạn cho vay trong vòng sáu tháng, lãi suất 5%/tháng, điều kiện thế chấp là hai sổ đỏ diện tích đất gia đình ông Nhỏ. Để làm hợp đồng công chứng, ông Nhỏ phải trả cho người cho vay 10%.
Mới đến tháng thứ ba, người cho vay đã “lật kèo”, tự ý “bán” số nợ, của ông cho người khác: “Người cho vay ban đầu nêu lý do chuyển nhượng số nợ cho người khác vì kẹt tiền. Vì thay đổi chủ nợ, tôi lại phải làm hợp đồng công chứng lại, tức là lại mất thêm 10% tiền “dịch vụ” nữa. Lúc này do tôi cần tiền nên vay thêm 100 triệu. Vì vậy chỉ trong vòng bảy tháng, từ tháng 5 - 12/2014 số nợ của tôi đã lên tới 550 triệu”.
Với số nợ 550 triệu, đồng nghĩa với việc mỗi tháng ông Nhỏ phải trả 27,5 triệu. Đây là một số tiền rất lớn với gia đình nông dân như vợ chồng ông, không có cách nào xoay xở được. Không còn sự lựa chọn nào khác, ông Nhỏ lại tiếp tục vay 100 triệu của người khác để trả lãi. Để vay được số tiền này ông phải thế chấp 2.800 m2 của mẹ đẻ.
Một lần nữa, người cho ông vay số tiền 100 triệu lại bán số nợ của ông cho người đã từng “mua nợ” của ông. Một lần nữa ông lại phải chịu phí “dịch vụ” 10%, cho sự “bán nợ” vô lý giữa những kẻ “hút máu”.
Ông Nhỏ tự trách mình đã dính vào nhóm “tín dụng đen” |
Mất 7000m2 đất vì món nợ ban đầu 130 triệu
Với cách tính như vậy, tới tháng 6/2015, gia đình ông đã “cõng” số nợ khổng lồ lên tới 830 triệu. Đã túng bấn, tâm trí ông càng hoảng loạn khi chủ nợ liên tục thúc giục nếu không trả tiền sẽ đem đất cầm cố đi bán.
“Tôi nghĩ họ móc nối với nhau, bán qua bán lại để ăn tiền dịch vụ, vì thế mới mười mấy tháng, số nợ của tôi đã lên tới gần 1 tỷ”, ông Nhỏ nói.
Số tiền phải trả quá lớn, ông bị chủ nợ yêu cầu phải sang nhượng gần 7000m2 đất. Không còn cách nào khác, ông đành nhắm mắt làm theo, sang tên đất để trừ nợ.
Để “che mắt” cơ quan chức năng vì sợ bị phát hiện hành vi cho vay nặng lãi, chủ nợ đã lập giấy viết tay nội dung cho vợ chồng ông Nhỏ thuê lại ba thửa đất trên với giá 27,5 triệu đồng/ tháng, thực chất đây là số tiền lãi hàng tháng gia đình ông Nhỏ vẫn phải trả, chờ đến khi bán được đất có tiền trả cả gốc lẫn lãi mới hết nợ.
Chủ nợ đào mồ, quăng ván ra ruộng?
Nạn nhân trình bày: “Thời gian sau đó, chủ nợ có thông báo cho tôi một lần về việc đang tìm người bán diện tích đất trên. Trong 3 thửa đất làm hợp đồng sang nhượng cho ổng thì trên thửa đất rộng 2.300 m2 cách ngôi nhà tôi đang ở khá xa có hai ngôi mộ của người thân trong nhà.
Nhưng tôi không ngờ khi tôi không còn khả năng chi trả, ông Thịnh đã tự ý thuê người bốc hai ngôi mộ trong hai ngày. Sau khi bốc mộ, nhóm thợ đào đã quăng bỏ mớ ván đóng áo quan vung vãi trên mặt ruộng, còn xương cốt trong áo quan hiện đang ở đâu thì không ai rõ”.
Vài ngày sau đó, nghe người làng thắc mắc tại sao lại dỡ mộ vứt ván vung vãi trên mặt ruộng, ông Nhỏ mới phát hiện sự việc. Nhiều người ác miệng còn nhỏ to trách móc gia đình ông Nhỏ thất đức dám đem cả mồ mả ra cho chủ nợ xâm phạm. Lúc này ông mới tá hỏa biết chuyện.
Nạn nhân tự trách mình
“Mấy ngày đó tôi thấy quá nhục nhã, sống thẫn thờ vật vờ như cái xác không hồn. Người làng ai đi ngang qua cũng hỏi, quẫn trí quá tôi nghĩ “sống thế này thà chết cho xong”, bèn cầm chai thuốc trừ sâu ra sau nhà uống.
Đúng lúc vợ tôi phát hiện ra, tri hô mọi người đưa ngay đến bệnh viện cấp cứu. Tôi được cứu sống, nhưng có lúc lại nghĩ thà chết đi có lẽ lại nhẹ nhõm hơn”, ông nói.
Ông Nhỏ nói: “Một phần cũng do tôi không hiểu biết, vay lãi cao nên mới ra cơ sự như vậy. Nhưng thà chủ nợ nói qua cho tôi một câu, gia đình tôi sẽ lo lắng việc bốc hai ngôi mộ đến nơi khác yên ổn. Ngôi nhà cả gia đình tôi đang ở hiện nay cũng nằm trong diện tích đất cầm cố, phía chủ nợ từng thỏa thuận miệng sẽ không lấy phần đất ấy. Song sau khi sự việc xảy ra, ổng gọi ý hăm dọa sẽ lấy luôn nhà, nếu thế thật thì nhà tôi chỉ còn nước ra đường mà ở”.
Được biết công an địa phương đã đến tìm hiểu nguyên nhân sự việc, điều tra nghi án xâm phạm mồ mả và cho vay nặng lãi./.