Nghi án “tuồn” thiết bị cũ vào Bệnh viện Thể thao

(PLO) - Gần chục tỉ đồng tiền thiết bị không quyết toán được bởi sau nhiều năm, nhà thầu không cung cấp được giấy tờ xuất xứ gốc của thiết bị, còn bệnh viện đằng đẵng đi đòi giấy…
5 năm ròng rã đi đòi nguồn gốc máy
Gói thầu “Trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Thể thao Việt Nam (TTVN) giai đoạn 2008 – 2010” có tổng kinh phí 17,369 tỉ đồng. Ngày 17/12/2008, Giám đốc Bệnh viện TTVN Lê Quý Phượng và Liên danh nhà thầu gồm Cty Cổ phần Thương mại và Thiết bị y tế Đông Nam Á và Cty TNHH Trung Kiên ký Hợp đồng và Phụ lục hợp đồng số 88/HĐ-BVTTVN về việc thực hiện “Cung cấp lắp đặt thiết bị năm 2008” thuộc dự án “Trang thiết bị y tế cho Bệnh viện TTVN giai đoạn 2008 - 2010”.
Theo hợp đồng trên, Liên danh nhà thầu phải cung cấp, lắp đặt, bàn giao 55 chủng loại thiết bị cho Bệnh viện TTVN, trong đó Cty TNHH Trung Kiên cung cấp 48 chủng loại thiết bị với giá trị  là 7,6 tỉ đồng, Cty Đông Nam Á cung cấp 7 chủng loại thiết bị với giá trị gần 9,3 tỉ đồng.
Sau đó 2 ngày, ngày 19/12/2008, Cty Trung Kiên được ứng trước 90% giá trị hợp đồng. Cty này sau đó đã hoàn thành nghiệm thu bàn giao và thanh lý hợp đồng cho đủ 48 chủng loại thiết bị. 
Ngày 29/12/2008, Cty Đông Nam Á cũng được ứng 90% giá trị hợp đồng, và sau đó bước đầu bàn giao 7 chủng loại thiết bị y tế như đã ký trong hợp đồng. Tuy nhiên cho đến nay, gói thầu do Cty Đông Nam Á cung cấp vẫn còn thiếu một số chi tiết thiết bị và giấy tờ hợp lệ, do đó Bệnh viện TTVN không thể hoàn thiện thủ tục để thanh quyết toán.
Cụ thể, máy nội soi thiếu 14 chi tiết và thiếu CO, CQ bản gốc (Giấy chứng nhận xuất xứ, chất lượng). Máy chụp cắt lớp vi tính 6 xoắn ốc thiếu phần mềm xử lý hình ảnh có bản quyền và CO, CQ bản gốc. Ghế khám chữa nha khoa, máy nén khí cho máy thở, máy tạo ô xy từ khí trời cũng đều thiếu CO, CQ bản gốc…
Từ năm 2009 đến nay, Bệnh viện TTVN đã nhiều lần mời đại diện Cty Đông Nam Á đến làm việc, nhưng Cty này thể hiện sự không hợp tác và thiếu nghiêm túc. Ngoài 33 thiết bị được nghiệm thu, 14 thiết bị vẫn chưa đủ điều kiện nghiệm thu và 5 thiết bị chưa được bàn giao.
Thiết bị y tế cũ được “tuồn” vào bệnh viện?
Sau nhiều lần Cty Đông Nam Á không đến làm việc trực tiếp, công văn qua lại giữa hai bên không giải quyết được việc thực thi nghiêm túc hợp đồng, hoặc Cty này hẹn thực thi nhưng lại lỗi hẹn, từ cuối năm 2012, Cty Đông Nam Á không xuất hiện làm việc nữa. Tháng 7/2013, sau khi phải đăng báo tìm nhà thầu, xác định “Cty Đông Nam Á lảng tránh trách nhiệm không đến và chuyển trụ sở đi đâu không rõ”, Bệnh viện TTVN phải đối mặt với việc giải quyết hậu quả của gói thầu gần chục tỉ không quyết toán nổi. 
Như trên đã nói, nhiều máy đã được chuyển về Bệnh viện TTVN từ 5 năm nay và đã được đưa vào phục vụ khám chữa bệnh, nhưng cũng bằng ấy năm, Bệnh viện vẫn mải miết đi đòi CO, CQ bản gốc. Một nhà nhập khẩu thiết bị y tế cho biết, mỗi chiếc máy nhập khẩu vào Việt Nam luôn kèm theo một hồ sơ đầy đủ. Hồ sơ này không chỉ phục vụ quá trình vận chuyển mà còn là bản thông hành của thiết bị khi đi qua các “cửa” hải quan, cơ quan chức năng chuyên ngành khác (nếu cần).
Thế nhưng, trao đổi với báo chí, lãnh đạo Bệnh viện TTVN thừa nhận trong quá trình đi đòi giấy tờ thiết bị, thậm chí bệnh viện còn nhiều lần gửi thư đến các hãng cung cấp máy ở nước ngoài để xác minh thông tin về thiết bị y tế mà nhà thầu Đông Nam Á cung cấp, nhưng câu trả lời của nhà sản xuất là không sản xuất các mã sản phẩm trên. 
Tuy nhiên, nhìn lại quy trình mua sắm thiết bị của gói thầu này có thể thấy, ngay từ đầu lãnh đạo Bệnh viện TTVN khi đó đã lập tức tạm ứng 90% giá trị hợp đồng cho nhà thầu, nhà thầu được “nắm đằng chuôi” hầu như toàn bộ số tiền bán máy. Thế nhưng, trong gần 4 năm còn “qua lại” với Bệnh viện TTVN, Cty này chỉ chuyển được 3 trong 7 máy bán cho bệnh viện. Vì sao đơn vị bán máy lại không thể cung cấp được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của máy? Đây là những nghi vấn cần được cơ quan chức năng làm rõ.
Nhà thầu chuyển đi đâu không rõ, lãnh đạo bệnh viện cũng đã thay đổi, Bệnh viện TTVN đang đứng trước nguy cơ xuất toán đối với một số hạng mục đầu tư thiết bị y tế không có hóa đơn chứng từ. Bệnh viện đang tham vấn các cơ quan chức năng để giải quyết hậu quả của sự việc này. Thiết nghĩ, cũng phải đồng thời xem xét nghiêm túc trách nhiệm của những cá nhân, tập thể có liên quan.  
Bệnh viện Thể thao Việt Nam là bệnh viện thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với quy mô 100 giường phục vụ việc khám chữa bệnh cho các vận động viên và người dân. Bệnh viện được khánh thành cách đây 7 năm, kinh phí 52 tỷ đồng, song đã xuống cấp trầm trọng. Toàn bộ nền tòa nhà, sân của bệnh viện hiện bị sụt khoảng nửa mét, nhiều đoạn tường đã bị xé, toàn bộ trần nhà bị thấm dột. Hệ thống phòng cháy chữa cháy bị hỏng hoàn toàn, hệ thống xử lý nước thải và rác thải y tế cũng không sử dụng được.

Đọc thêm