Nghiên cứu cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp

(PLVN) - Sáng 23/11, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam” (EU JULE) do Liên minh Châu Âu (EU) và UNDP hỗ trợ.
Toàn cảnh Hội thảo.

Đồng chủ trì Hội thảo là ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, ông Giorgio Aliberti – Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và bà Ramla Khalidi – Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Hải – Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết, ở Việt Nam, công tác kiểm tra, giám sát là chức năng, nhiệm vụ thường xuyên, thiết yếu của công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Việc tăng cường vai trò của công tác giám sát, góp phần đáp ứng ngày một tốt hơn, hiệu quả hơn nhiệm vụ xây dựng một nền tư pháp hiện đại, công bằng, liêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân.

Đồng chủ trì Hội thảo

“Trong thời gian tới, Đảng sẽ ban hành Nghị quyết Trung ương 6 về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới. Trong đó có những nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, ông Nguyễn Thanh Hải nói.

Theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Hội thảo có ý nghĩa lý luận và thực tiễn, qua đó giúp góp phần cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chủ trương quan trọng của Đảng được nêu trong Nghị quyết. Đồng thời giúp Ban Nội chính Trung ương – cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương và các cơ quan liên quan có thêm nhiều thông tin phục vụ cho công tác tham mưu, hoạch định chính sách và hướng dẫn thực hiện cụ thể các vấn đề liên quan đến định hướng xây dựng một nền tư pháp liêm chính trong tổng thể yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải.

Phát biểu khai mạc, ông Giorgio Aliberti – Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam và bà Ramla Khalidi – Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam nói, trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả cải cách tư pháp đáng ghi nhận. Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và áp dụng các bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp…

Theo Báo cáo tại Hội thảo, hoạt động “Nghiên cứu về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp – Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” tập trung tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp đối với các chức danh tư pháp. Và trên cơ sở đó, đề xuất các khuyến nghị về hoàn thiện chính sách và khung pháp luật hiện hành về cơ chế giám sát nhằm đảm bảo tuân thủ liêm chính tư pháp đối với các chức danh tư pháp.

Ông Giorgio Aliberti – Đại sứ Phái đoàn Liên minh Châu Âu.

Báo cáo đã đưa ra một số khuyến nghị cụ thể, trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015, hoàn thiện cơ chế giám sát của cơ quan dân cử theo hướng tăng cường giám sát việc chấp hành pháp luật của các chức danh tư pháp; giám sát công tác chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp; giám sát các cơ quan trong việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát; bổ sung các quy định phá luật để xác lập các điều kiện, tiêu chí, yêu cầu phạm vi giám sát đối với các vụ án cụ thể để đảm bảo tính khả thi, chặt chẽ, phù hợp của hoạt động xét xử.

Bà Ramla Khalidi – Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam.

Nghiên cứu hoàn thiện cơ bản thể chế pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư năm 2012 nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động luật sư, quy định chặt chẽ tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề luật sư, phạm vi hành nghề luật sư, tăng cường trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong hành nghề, đặc biệt là việc tuân thủ pháp luật, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp…

Cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam theo hướng tăng cường năng lực giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận tổ quốc đối với các hoạt động tố tụng, các hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc và hoàn thiện cơ chế phối hợp đồng bộ giữa Mặt trận tổ quốc với các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát các chức danh tư pháp, góp phần bảo đảm tính liêm chính trong hoạt động tư pháp…

Đọc thêm