Người đàn ông nặng lòng với văn hóa cồng chiêng dân tộc Thổ

(PLO) - Mang trong mình dòng máu người con dân tộc Thổ, ông Hoàng Văn Thái trú tại xã Nghĩa Mai, Nghĩa Đàn (Nghệ An) không để văn hóa người Thổ bị “ngủ quên” trong thời điểm những luồng văn hóa hiện đại len lỏi từng bản làng. Đích thân ông “xuất ngoại” mua cồng chiêng, sẵn sàng truyền “lửa” cho lớp trẻ.
Ông  Hoàng Văn Thái say sưa với điệu cồng chiêng của đồng bào Thổ.
Ông Hoàng Văn Thái say sưa với điệu cồng chiêng của đồng bào Thổ.
“Xuất ngoại” mua cồng chiêng
Trong một lần ghé thăm xã Nghĩa Mai, chúng tôi có dịp được nghe những làn điệu, những câu hát đối trong lúc chơi cồng chiêng của bà con đồng bào người dân tộc Thổ. Những câu hát mộc mạc như: “Cám ơn anh chị trong nhà/ Đem chiêng ra đánh thật là vui say”; hay câu hát giữa chàng trai và cô gái: “Em về răng được mà về/ Bức thư chưa gửi, lời thề chưa trao”… Mỗi câu hát mang theo cả tâm tình người hát nên càng lắng nghe càng thấy thú vị. Để tiếng cồng được gìn giữ và phát huy như bây giờ có sự đóng góp thầm lặng của ông Hoàng Văn Thái.
Sau 13 năm tham gia chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, ông Hoàng Văn Thái phục viên về quê hương và công tác tại UBND huyện Nghĩa Đàn. Trải qua nhiều vị trí công tác, ông được nghỉ hưu theo chế độ, nhưng có một thứ chưa bao giờ ngưng nghỉ trong ông đó là sự trăn trở về văn hóa cồng chiêng người Thổ. Sinh ra tại xã Nghĩa Mai, vốn là nơi sinh sống của 73% đồng bào Thanh, Thái, Thổ, bản thân ông Thái là người dân tộc Thổ nên những bản sắc văn hóa người Thổ in sâu đậm trong con người ông. 
Ông kể, thời xa xưa cồng chiêng là bản sắc riêng của người Thổ, người Thanh, người Thái cũng có cồng chiêng nhưng mỗi dân tộc thì làn điệu và cách chơi khác nhau. Trong những ngày lễ, ngày vui, đám cưới, lễ cơm mới, lễ mừng nhà mới… cồng chiêng là một thứ không thể thiếu được. Tuy nhiên, dần dần cồng chiêng cũng cũ và hư hỏng dần, người dân cũng bận rộn lao động, làm ăn nên một thời gian rơi vào lãng quên.
Dân làng nhảy múa theo tiếng cồng.
Dân làng nhảy múa theo tiếng cồng. 
Năm 2001, trong một lần lục lại thấy một bộ cồng chiêng của người cha quá cố để trong tủ đã lâu, mang ra xem ông Thái lặng người khi thấy  một số chiếc đã hỏng. Ông hồi tưởng  lại những năm tháng còn thanh niên, những đêm cồng chiêng trai gái say sưa hát hò, nhảy múa với chum rượu cần và điệu lam vông sáng đêm. Ông quyết định đi tìm một bộ cồng chiêng để “thức lại” văn hóa cồng chiêng cho người dân trong xã. 
Dành dụm được ít tiền, ông bàn với vợ lên các huyện Quỳ Châu, Quế Phong để chọn mua cồng nhưng không có bộ nào ưng ý. Nghe một người bạn làm ăn bên Lào “mách nước” bên đó có bán cồng chiêng tốt, thế rồi trong một ngày nghỉ, ông khăn gói “xuất ngoại” sang Lào chọn được bộ cồng ưng ý với 4 chiếc mang về. Ngay trong đêm khi đưa được cồng về nhà, ông gọi thêm những người bạn mang cồng ra chơi, cùng với tiếng trống, tiếng kèn làm một vùng quê sống dậy. Không ai rủ ai, như một tiếng gọi, họ ùn ùn kéo nhau về nhà ông để nhảy múa, hát hò… 
Ông Thái cười hóm hỉnh bảo: “Trước đây, tui đến tán bà nhà tui (vợ ông bây giờ) cũng là nhờ biết hát đối đáp và chơi cồng chiêng trong những đêm hội, đêm trăng rằm…”. 
Nỗi niềm trăn trở cồng chiêng
Biết ông mua được cồng chiêng tốt, nhiều người đến nhờ ông giới thiệu đưa đi mua, dù bận trăm công nghìn việc nhưng ông luôn ưu tiên cho việc đi mua cồng chiêng. Ông Thái cho biết, ông đã đi mua được cho người dân trong xã 5 bộ cồng mới, 5 bộ cho những người dân xã khác. Năm 2013 ông lại tiếp tục mua thêm một bộ cồng chiêng mới để thỏa nỗi đam mê của mình. Cứ thế, những đêm hè hoặc những ngày mùa rảnh rỗi hoặc những dịp giáp Tết Nguyên đán… ông lại gọi bạn bè đến mang cồng ra chơi. 
Bên vò rượu cần, tiếng cồng chiêng thêm hồn, thêm sắc.
Bên vò rượu cần, tiếng cồng chiêng thêm hồn, thêm sắc. 
“Ban đầu những người Kinh không hiểu lắm, nhưng giờ đây thì người Kinh và người Thái, Thổ trong xã như người một nhà, ai cũng có thể chơi được cồng chiêng và hát múa được. Vui lắm, mỗi lần mang cồng chiêng ra đánh, người chơi kín cả sân. Cồng chiêng như là cầu nối đoàn kết con người xích lại gần nhau…”, ông Thái nói. 
Cũng nhiều người, có cả người Kinh đến tìm ông dạy đánh trống, thổi kèn và chơi cồng chiêng, ông đều sẵn sàng chỉ dạy. Dưới sự hướng dẫn của ông, nhiều năm liền xã Nghĩa Mai đã đạt giải nhất, nhì, ba trong Lễ hội làng Vạc được tổ chức vào tháng 2 (âm lịch hàng năm). 
“Nhiều lần thấy lớp thanh niên trẻ bây giờ cứ mê nhảy nhót với mấy thứ nhạc trẻ Tây, Tàu cũng buồn lắm. Làm gì thì vẫn phải giữ bản sắc văn hóa riêng của cha ông mình. Thanh niên bây giờ người chơi cồng chiêng cũng ít dần so với thế hệ trước, văn hóa cồng chiêng ngày càng mai một bởi văn hóa hiện đại nhạc trẻ nhảy xập xình. Tôi luôn mong muốn có nhiều thanh niên gắn bó với cồng chiêng hơn, tôi sẵn sàng nghỉ làm để chỉ dạy cho những người đam mê cồng chiêng. Văn hóa cồng chiêng là bản sắc của người Thái, Thổ, chơi cồng chiêng thì những tệ nạn xã hội cũng bị hạn chế dần…”, ông Thái tâm sự. 
Vì muốn tiếng cồng mãi vang lên trong cuộc sống người dân hàng ngày cũng như trong những đám vui, đám cưới nhà ông luôn vận động họ nhà trai hoặc họ nhà gái tổ chức chơi cồng chiêng trong đêm để người già cũng như thanh niên không quên đi bản sắc văn hóa của mình. 
“Ở địa phương ông Thái luôn là người dẫn đầu trong các phong trào văn hóa văn nghệ về bản sắc văn hóa cồng chiêng. Những lần địa phương có tổ chức ngày hội, hè ông luôn tình nguyện đưa cồng chiêng đến để nhân dân cùng chơi và vui. Chính bản thân tôi ngày trước cũng không hiểu lắm về cồng chiêng, sau nhiều lần được ông Thái hướng dẫn thì cảm thấy rất thú vị nên cũng chơi được cùng bà con…”, ông Ngô Minh Tú, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Nghĩa Mai chia sẻ. 
Theo thống kê của ông, trong xã bây giờ có hơn 10 người biết thổi kèn, chơi cồng chiêng nên ông hết sức lo lắng cho thế hệ tương lai sau này khi lớp già chơi cồng chiêng không còn nữa. Vì những nỗi niềm, vì những trăn trở đó, ông đã không đứng yên nhìn văn hóa cồng chiêng mất đi, bằng hành động thiết thực ông luôn vận động và khuyến khích thanh niên đến với cồng chiêng. Bên vò rượu cần, tiếng trống, tiếng cồng, tiếng kèn hòa vào nhau thành một sắc màu của cuộc sống bình yên nơi miền quê nghèo xã Nghĩa Mai…

Đọc thêm