Người dân Thủ đô đang phải "ngoi ngóp thở" hằng ngày

(PLO) - Hà Nội là một trong hai thành phố “nghèo” không khí sạch nhất và từng ngày, bầu không khí mà hàng triệu người hít thở vẫn đang bị ô nhiễm quá giới hạn cho phép nhiều lần.
Ảnh minh họa
Nhiều chuyên gia lo ngại, nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì chẳng bao lâu nữa, chúng ta không thể kiểm soát nổi bệnh tật hoành hành.
Ngoi ngóp thở trong nồng độ bụi vượt quá 4 lần tiêu chuẩn 
Vào giờ cao điểm, nồng độ bụi ở Hà Nội đã vượt quá 4 lần tiêu chuẩn cho phép. Với CO2 cao hơn 2,5 lần, còn khí xăng từ 10 đến 2000 lần. Đó là con số mà GS Vũ Hoan – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội đưa ra. 
“Thủ phạm” được xác định đầu độc không khí kinh hoàng nhất là các phương tiện giao thông, lên đến 70%. Vào những ngày nắng oi, người dân không chỉ phải chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết mà còn phải “nếm mùi” ngột ngạt, khó chịu từ chính phương tiện giao thông của mình và người khác phả ra. 
“Thủ phạm” thứ hai là những công trình xây dựng với tốc độ… rùa, không được che chắn kỹ; những con phố, vỉa hè bị “đào lên rồi bỏ đó”; những chiếc xe tải cồng kềnh chở phế thải xây dựng, đất đá quá trọng tải làm rơi vãi ra đường đều làm những con phố sạch sẽ trở nên bụi mù mịt. 
Một “thủ phạm” đáng gờm khác, các nhà máy ở các khu công nghiệp quanh Hà Nội, với những kỹ thuật còn lạc hậu, không kiểm soát được khói bụi, các chất thải rắn xử lý được ít nhưng thải ra nhiều đã và đang làm tăng thêm các khí SO2, NO2, CO… cho thành phố. 
Các hoạt động sản xuất nông nghiệp, các làng nghề, ý thức người dân trong sinh hoạt đun nấu cũng góp phần làm không khí ô nhiễm. 
Tắc đường và bụi bặm là nỗi ám ảnh kinh niên với người dân Thủ đô. Nhiều năm qua, các tuyến đường, khu vực như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Xiển, Trần Duy Hưng, Minh Khai, Nguyễn Trãi, các khu vực Ngã Tư Vọng, Nhổn, Ba La… vẫn được “phong” là nơi khói bụi nặng nhất, ngột ngạt bậc nhất, hành dân nhiều nhất. Qua những đoạn đường này, hầu như ai cũng phải đeo kính, bịt khẩu trang kín mít. 
Phải xác định đây là vấn đề ở cấp độ quốc gia 
Nói về nồng độ bụi trong không khí ở các đô thị Việt Nam, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, theo số liệu quan trắc hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nồng độ bụi trong không khí trung bình ở các khu đô thị cao hơn trị số quy chuẩn cho phép từ 1,5 đến 3 lần. 
Ở một số nơi bị ô nhiễm bụi rất trầm trọng, cao hơn trị số quy chuẩn cho phép 5 đến 7 lần.
Ô nhiễm nói chung và ô nhiễm không khí nói riêng đã được đặt ra ở nhiều cuộc hội thảo, nhưng xem ra Hà Nội vẫn đang rất khó khăn và lúng túng trong việc xử lý “căn bệnh” trầm kha này. Rất nhiều diễn đàn cho rằng, với tốc độ đô thị hóa như hiện nay, Hà Nội như một công trường đang xây dựng dở dang và là một trong những thành phố ô nhiễm không khí trầm trọng nhất Đông Nam Á. 
Trong khi đó, pháp luật bảo vệ môi trường và các quy định bảo vệ môi trường không khí lại quá chung chung, khó thực hiện. Việc phân công trách nhiệm, kiểm soát ô nhiễm không khí giữa các ngành vẫn chưa rõ ràng, thiếu kế hoạch quản lý chất lượng không khí của cả Trung ương và địa phương. 
Theo bà Loren Roin (Viện Nghiên cứu môi trường và rủi ro công nghiệp, Pháp), Việt Nam cần kiểm soát ô nhiễm không khí theo từng vùng và phải xác định đây là vấn đề cần xử lý ở cấp độ quốc gia. Cụ thể hơn là nên đưa ra lộ trình phân tích các thông số về mức độ ô nhiễm từ quá khứ, hiện tại để có đánh giá tương đối chính xác về mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân rồi đưa ra một kịch bản dài cho tương lai.
Đây là một gợi ý để các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp mạnh để hạn chế ô nhiễm không khí và những rủi ro có thể mắc phải sau này. 
Nhưng trước hết, mỗi người dân cần ý thức được tầm quan trọng của môi trường không khí để cùng làm cho bầu không khí sạch, cứu mình trước bằng những việc làm cụ thể, hiệu quả.

Đọc thêm