Người mua tài sản đấu giá “khóc dở, mếu dở”

(PLO) - Hiện nay, có nhiều trường hợp người mua trúng đấu giá tài sản đã nộp đủ tiền mua tài sản và đã nhận tài sản nhưng vẫn chưa làm được thủ tục hợp thức hóa quyền sở hữu, sử dụng theo quy định. Đây là vấn đề xuất phát từ khó khăn trong việc trích tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính cho chủ cũ khi xử lý tài sản bảo đảm để thi hành án dân sự (THADS) cho tổ chức tín dụng.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Đã nhận tài sản song chưa được sang tên 

Những vụ việc thi hành án xử lý tài sản bảo đảm theo bản án để thi hành án cho các ngân hàng nói trên lại không phải trường hợp xử lý tài sản theo Điều 90 Luật THADS (tài sản bảo đảm không được tuyên trong bản án và người được thi hành án có thể là tổ chức tín dụng hoặc cá nhân, tổ chức khác). Sở dĩ có tình trạng này là do ngân hàng cho rằng Nghị quyết 42/2017/QH14 không quy định về thứ tự ưu tiên đối với việc nộp thuế khi xử lý tài sản bảo đảm nên ngân hàng không đồng ý việc trích nguồn tiền từ bán tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu để nộp thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế còn nợ khác của chủ tài sản cũ. 

Hơn nữa, Công văn số 3022/TCTHADS-NV1 của Tổng cục THADS về triển khai Nghị quyết 42 cũng hướng dẫn cơ quan THADS khi thực hiện việc thanh toán khoản tiền thu được từ xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thì ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho tổ chức tín dụng sau khi trừ chi phí cưỡng chế theo quy định của pháp luật về THADS. Đối với các nghĩa vụ khác của người phải thi hành án chỉ được thực hiện thanh toán trong trường hợp khoản tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế…

Vì vậy, các cơ quan thi hành án không trích tiền bán tài sản để thu án phí, nộp thuế thu nhập cá nhân và các khoản thuế còn nợ khác của chủ tài sản cũ, dẫn đến người mua được tài sản bán đấu giá không thể hoàn tất thủ tục hợp thức hóa chủ quyền đối với tài sản mua trúng đấu giá. Bởi thế, đã có nhiều vụ việc bán đấu giá thành, đã giao được tài sản nhưng người mua trúng đấu giá lại “khóc dở, mếu dở” do không làm được thủ tục sang tên, từ đó phát sinh khiếu nại gay gắt. 

Cần sự chung tay của các bộ, ngành chức năng

Nhiều ý kiến phân tích, phạm vi và đối tượng điều chỉnh trực tiếp của Nghị quyết 42 là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu khi các tổ chức này trực tiếp đứng ra xử lý các khoản nợ xấu. Còn đối với việc THADS liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm cho khoản nợ xấu của các tổ chức tín dụng thì cần phân biệt rõ hai trường hợp.

Cụ thể, thứ nhất, nếu việc thi hành án liên quan đến kê biên, xử lý tài sản đang cầm cố, thế chấp theo Điều 90 Luật THADS thì phải áp dụng đúng quy định tại Điều 11 của Nghị quyết 42 về điều kiện kê biên để tổ chức thi hành. Thứ hai, nếu vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng mà tài sản bảo đảm là tài sản thế chấp, bảo lãnh để thực hiện cho nghĩa vụ đã được tuyên rõ trong bản án, quyết định của Tòa án thì phải áp dụng đúng trình tự, thủ tục, thứ tự ưu tiên thanh toán theo quy định của Luật THADS để tiếp tục tổ chức thi hành.

Đại diện Cục THADS TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng nếu áp dụng Nghị quyết 42 cho tất cả các tài sản bảo đảm đã được Tòa án giải quyết và tuyên rõ trong bản án là rất khiên cưỡng và không có cơ sở. Đồng thời, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người mua trúng đấu giá, gây bức xúc và dẫn đến khiếu nại, tố cáo kéo dài mà không thể giải quyết dứt điểm được. Vì theo quy định của Nghị quyết 42 và pháp luật về thuế thì trường hợp xử lý nợ xấu không phải là trường hợp được miễn, giảm thuế. Nghiêm trọng hơn, Cục THADS TP Hồ Chí Minh cảnh báo, có thể sẽ có nhiều người mua trúng đấu giá khởi kiện hủy hợp đồng mua tài sản đấu giá và hậu quả là cơ quan THADS phải bồi thường thiệt hại. Trên cơ sở đó, Cục đề xuất Tổng cục cần hướng dẫn rõ ràng hơn về việc áp dụng Nghị quyết 42 trong việc thi hành án các vụ việc liên quan đến tổ chức tín dụng để các cơ quan THADS địa phương có cơ sở tổ chức thi hành án.

Đối với quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Nghị quyết 42, Tổng cục THADS sẽ đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hướng dẫn xử lý về các khoản thuế liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm cũng như các khoản thuế (liên quan đến tài sản bảo đảm) mà người phải thi hành án đang nợ để tránh ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người mua trúng đấu giá. Về phần mình, Tổng cục sẽ kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung khoản 3 Điều 47 Luật THADS theo hướng: “… sau khi trừ chi phí cưỡng chế, nghĩa vụ tài chính liên quan đến tài sản của chủ cũ, án phí của bản án, quyết định đó và khoản tiền quy định tại khoản 5 Điều 115 của Luật này” để giải quyết khó khăn trong quá trình thi hành án liên quan đến nghĩa vụ tài chính.

Đọc thêm