Người "vác tù và hàng tổng" ở thôn Lai Sơn

Ở thôn Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, người dân nào cũng tỏ lòng tin yêu, gọi ông Nguyễn Phương Chăm với tên thân mật: ông Chăm "vác tù và hàng tổng"...

Ở thôn Lai Sơn, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, người dân nào cũng tỏ lòng tin yêu, gọi ông Nguyễn Phương Chăm với tên thân mật: ông Chăm "vác tù và hàng tổng"...

Với những đóng góp của trưởng thôn, tổ trưởng tổ hòa giải Nguyễn Phương Chăm, tổ dân phố Lai Sơn nhiều năm liên tục được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa cấp tỉnh", các hủ tục được bài trừ, trong thôn không có tệ nạn ma túy, không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng.      
Luôn lắng nghe ý kiến người dân là thói quen của Tổ trưởng Tổ hòa giải Nguyễn Phương Chăm
Tổ trưởng Tổ hòa giải Nguyễn Phương Chăm luôn lắng nghe ý kiến người dân.
Sáng mãi tinh thần người lính Cụ Hồ
Ông Nguyễn Phương Chăm sinh năm 1952, tuổi thanh niên, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của đất nước, ông lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người lính đối với Tổ quốc. Sau 24 năm trong quân ngũ, năm 2001 ông nghỉ hưu và trở về quê hương, hăng hái tham gia ngay công tác xã hội ở địa phương. Cũng trong năm 2001, ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, kiêm tổ trưởng tổ hòa giải.
Ông tâm sự: "Ban đầu khi được nhân dân bầu, tôi chưa hình dung được công việc nên còn băn khoăn vì cái gì cũng mới, nhưng nhờ sự quyết tâm của bản thân, sự ủng hộ của chính quyền phường, cộng với sự tín nhiệm của bà con tôi đã nhận chức "vác tù và hàng tổng" vì tấm lòng với quê hương, với bà con xóm làng".
Với cương vị là trưởng thôn, Bí thư chi bộ kiêm tổ trưởng tổ hòa giải, tổ trưởng tổ an ninh, từ sáng tới khuya với ông là cả một chuỗi công việc dày đặc. Từ việc nắm bắt tình hình đời sống làm ăn của dân đến việc họp hành, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp trên để phổ biến đến nhân dân, phản ánh, đề xuất kiến nghị, tham gia giải quyết các công việc trong thôn. Từ việc tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, hòa thuận, đến việc nắm bắt điều kiện hoàn cảnh cuộc sống của mỗi gia đình, những mâu thuẫn xích mích nhỏ trong cộng đồng nhân cư.
Riêng trong công tác hòa giải, trong 10 năm qua, ông Chăm đã cùng các hòa giải viên giải quyết hàng trăm vụ tranh chấp, mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong nội bộ nhân dân.
Với kinh nghiệm sống và uy tín của mình, ông đã tham gia hòa giải thành rất nhiều vụ việc mâu thuẫn trong thôn về hôn nhân gia đình, đất đai … Nhiều cặp vợ chồng "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" đã được ông cùng tổ hòa giải tham gia hàn gắn hạnh phúc gia đình, như vợ chồng anh T chị H.
Khi phố về làng, tấc đất, tấc vàng, thế là mâu thuẫn vợ chồng phát sinh, bằng trách nhiệm và tình cảm xóm giềng, ông đã tích cực tham gia hòa giải nhiều vụ, việc, trong đó có nhiều vụ việc được hai bên thỏa thuận như gia đình anh S, ông N, bà C. Những trường hợp vượt quá khả năng, ông đều sớm báo cáo phường giải quyết, không để âm ỉ, không để tái mâu thuẫn tranh chấp.
Trọng lý, nặng tình mọi việc sẽ xuôi
Nói về kinh nghiệm trong hoạt động hòa giải, ông Chăm cho biết: "Tâm lý người Việt Nam luôn có tinh thần tương thân, tương ái, hay giúp đỡ người khác, tối lửa tắt đèn có nhau, những chuyện xích mích lối xóm khi được phân tích phải trái thì hai bên sẽ vui vẻ chấp nhận". Chính vì vậy, ông đã khai thác triệt để điểm này để cảm hóa đối tượng nên hiệu quả rất cao. Mặt khác, theo ông "muốn hòa giải tốt những mâu, thuẫn xích mích nhỏ phải nắm rõ quy định của pháp luật, biết kết hợp với tình cảm để có cơ sở thực tế thuyết phục các bên tranh chấp”.
Với những đóng góp của trưởng thôn, tổ trưởng tổ hòa giải Nguyễn Phương Chăm, tổ dân phố Lai Sơn nhiều năm liên tục được công nhận danh hiệu “Làng văn hóa cấp tỉnh", các hủ tục được bài trừ, trong thôn không có tệ nạn ma túy, không xảy ra các vụ việc nghiêm trọng.
Ghi nhận những thành tích đã đạt được, ông Chăm đã được Bộ Công an, UBND tỉnh, Đảng bộ thành phố Vĩnh Yên, UBND thành phố Vĩnh Yên nhiều lần tặng Bằng khen, Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong tham gia các hoạt động ở cơ sở. Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ông đã vinh dự được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Ông Nguyễn Phương Chăm xứng đáng là tấm gương tiêu biểu, điển hình trong công tác hòa giải cơ sở.
Kim Yến

Đọc thêm