Người vợ “yếu thế” cố níu kéo ông chồng quyết đòi ly hôn

(PLO) -Giọng chị nhè nhẹ, buồn tênh, nụ cười gượng gạo. Chị nói người khác lâm vào hoàn cảnh như chị, còn có nhà mẹ để trở về nương náu. Nhưng chị thì… Mẹ chị già rồi. Bà đang sống ở nhà người anh trai. Chị cũng không thể dắt con về đó bám víu. Chị nói mình không muốn bản thân trở thành gánh nặng của người thân. Đó là lý do chị níu kéo cuộc hôn nhân này. Là muốn cho con có một mái nhà nương náu, cũng là để cho chị có một chỗ che nắng che mưa. 
Hình minh họa

Buổi chiều, nắng vẫn còn rất đậm, khiến không khí oi nồng bức bối, mà phòng xử án tại TAND tỉnh Thừa Thiên Huế lại lạnh tanh. Khán phòng mênh mông chỉ có hai con người ngồi lọt thỏm hai góc, bâng quơ nhìn về hai phía. Nắng chiều nhàn nhạt hắt lên hành lang, soi bóng đứa nhỏ đang tung tăng chơi đùa một mình.

Chốc chốc, đứa bé ấy lại chạy vù đến bên cánh cửa, áp gương mặt sát vào tấm kính, vô tư nhoẻn miệng cười với hai người ngồi bên trong. Em không biết họ đến đây làm gì. Nhưng em vui. Lâu lắm rồi mới thấy ba và mẹ ở chung một chỗ.

Níu kéo

Người phụ nữ âu yếm nhìn con, nụ cười có phần gượng gạo. Có ai đến tòa mà cười tươi cho được. Nhất là đến tòa để “khai tử” cuộc hôn nhân, khi mà bản thân vẫn còn yêu thương chồng, vẫn còn muốn níu giữ hạnh phúc.  

Bảy năm trước anh chị kết hôn sau một thời gian dài tìm hiểu, yêu đương. Vậy mà, chỉ mới hai năm sau ngày cưới, vợ chồng đã thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Năm 2014 anh đứng đơn xin ly hôn. Sau nhiều lần hòa giải, tòa quyết định đình chỉ vụ án để anh chị có thời gian chữa lành những vết thương trong lòng, hàn gắn cuộc hôn nhân đang bên bờ vực thẳm.

Nhưng thời gian trôi đi, mà “tổ ấm” chỉ ngày càng thêm lạnh. Năm 2016, anh lần nữa gửi đơn ly hôn. Lần này tòa chấp nhận đơn khởi kiện của anh, xử cho vợ chồng anh được ly hôn. Đứa con chung của hai người do chị nuôi dưỡng. Anh có trách nhiệm trợ cấp mỗi tháng 1 triệu để chị nuôi con.

Chị kháng cáo. Yêu cầu tòa bác đơn ly hôn của anh. Chị bảo mình vẫn còn rất yêu thương chồng. Mâu thuẫn giữa hai người, chỉ là những tranh chấp nhỏ nhặt trong cuộc sống mà bất cứ cặp vợ chồng nào cũng gặp phải. Có mâu thuẫn thì giải quyết. Có khúc mắc thì tháo gỡ. Đâu thể “cơm không lành canh không ngọt” là kéo nhau ra tòa ly hôn.

Chưa kể đứa con chung của hai người chỉ mới 6 tuổi. Đứa bé ấy còn quá nhỏ, cần có cả ba lẫn mẹ bên cạnh để yêu thương, để phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Chị không muốn những sai lầm, ích kỷ của người lớn làm tổn thương con trẻ. Chị như người đi trong bóng đêm mịt mù, loạng choạng níu giữ mái nhà cho con. Níu giữ cho con một  người cha, dù đôi khi chỉ là trên danh nghĩa.

Tòa hỏi bị đơn:“Giờ chị đang ở đâu? Sao anh và chị đều ghi cùng một địa chỉ?”. Chị cho biết, mình vẫn đang ở nhà của bố mẹ anh. Còn anh đi làm ăn xa, sống ở bên ngoài. Anh ít khi về nhà thăm con. Giọng chị nhỏ nhẹ, cứ một tiếng anh, hai tiếng anh. Còn kêu tên anh rất thân thiết. “Nếu tòa bác đơn ly hôn. Tôi vô cùng cám ơn”, chị khẩn thiết nhìn HĐXX.

Tòa lại hỏi anh: “Chị cho rằng quá trình đi làm ăn, anh không về nhà. Con còn nhỏ, cần có cả cha và mẹ. Ý kiến anh thế nào?”. Anh bảo vợ chồng sống với nhau không hợp. Cưới nhau năm 2010, nhưng năm 2012 đã bắt đầu sống ly thân. Dù vậy năm nào nhà có kỵ giỗ, anh cũng về mấy lần. Hàng tháng cũng đều đặn về thăm con.

“Mâu thuẫn giữa chúng tôi quá trầm trọng. Trong cuộc sống chung cô ấy từng xúc phạm nhiều thứ, nên không thể hòa hợp lại được. Giờ tôi không còn tình cảm với cô ấy. Chỉ xin được ly hôn. Cô ấy còn trẻ, ly hôn còn có một đứa con bên cạnh. Tôi ly hôn con cũng không được nuôi. Sau khi ly hôn, tôi cho cô ấy ở trong nhà từ 6 – 8 tháng để tìm chỗ ở mới”.

Tòa hỏi chị có phương án nào để níu kéo anh về cạnh mình hay không? Chị ngẩn ngơ mất một hồi: “Anh đi làm ăn xa nhà, quên vợ quên con. Nếu tòa bác đơn, anh đi sẽ quay về. Vợ con còn chờ đợi thì anh còn đường quay về. Tôi chỉ biết ở nhà lặng lẽ mà chờ đợi. Bởi chỉ cần mở miệng nói ra, là vợ chồng gây gổ, nên không có cách”. 

Nguồn cơn

Năm nay chị đã ngoài 40. Chị kể gần chục năm kết hôn, tiền dành dụm được bao nhiêu, chị đã dùng hết vào việc sửa nhà cửa, rồi mua xe. Nhà sửa sang là nhà của cha mẹ chồng để lại. Xe chị mua, phải trả góp từng đồng. Anh đi được thời gian, tự ý bán mất. Lúc đầu, chị kháng cáo, còn đòi lại tiền đã bỏ ra sửa nhà, đòi lại tiền đã mua xe. Nhưng tại tòa, chị quyết định rút lại những phần kháng cáo này. 

“Tôi nhà không có, chỗ ở cũng không có, nên cuộc sống của con sẽ rất khó khăn”. Chị than thở. Chị nói anh có người phụ nữ khác bên ngoài, đưa ra 4 bức ảnh chụp anh với người phụ nữ khác. “Anh đi theo cô này. Cô này từng yêu cầu tôi phải ly hôn chồng. Vì cô sống với chồng tôi ở Hà Nội, đã có một đứa con chung”.

Tòa hỏi anh: “Anh có ý kiến gì?”. Anh bảo đó là ảnh chụp từ năm 2012. Cô gái kia ở Hà Nội, là một người bạn bình thường. Trong lần cô này vào Huế chơi, anh dẫn đi tham quan. “Hiện anh còn có quan hệ với cô này không?”. “Cô ấy đi lấy chồng lâu rồi”.

Chị khẩn thiết: “Khi tôi sống với gia đình chồng, đã từng có nhiều cái sai. Tôi tha thiết xin anh bỏ qua, để tôi có cơ hội sửa cái sai của mình”. Đáp lại lời chị, anh bảo nguyện vọng của mình chỉ muốn được ly hôn.  

Giờ nghị án, chị ngồi bất động nhìn con trai chạy nhảy trên hành lang. Ánh mắt cứ cụp xuống như cố giấu đi nỗi lòng. Hỏi chị ngày trước đã làm sai điều gì mà giờ phải xin lỗi anh tại tòa? Chị cười gượng, nói ngày mình về nhà chồng, mẹ chồng đã mất từ lâu, nên làm gì có mâu thuẫn gay gắt nào. “Những khi kỵ giỗ, mình cắm bông, đơm quả không đẹp, thì chồng cằn nhằn, gắt gỏng. Mâu thuẫn cũng chỉ có vậy thôi. Giờ ra đến đây, anh nói mình sai, thì mình nhận lỗi”.  

Chị kể mình làm nghề may vá áo quần cũ. Ai có tấm áo tấm quần hư hao cần sửa, thì mang đến chỗ chị. Mặt bằng nhỏ xíu trên lầu của một ngôi chợ, ngốn hết của chị một tháng mấy trăm ngàn. Mỗi ngày lai rai vài khách, chị kiếm được vài chục đến trăm ngàn. Hai mẹ con xưa nay tằn tiện sống qua ngày.

Nhưng mai này đau ốm thì chẳng biết làm sao, vì chị chẳng tích cóp được gì. Chưa kể con ngày một lớn, chi phí cũng nhiều hơn. Một mình nuôi con, vất vả trăm đường. Giờ ly hôn, chị phải dắt con ra ngoài thuê trọ, khó khăn càng thêm chất chồng.

Giọng chị nhè nhẹ, buồn tênh, nụ cười gượng gạo. Chị nói người khác lâm vào hoàn cảnh như chị, còn có nhà mẹ để trở về nương náu. Nhưng chị thì… Mẹ chị già rồi. Bà đang sống ở nhà người anh trai. Chị cũng không thể dắt con về đó bám víu. Chị nói mình không muốn bản thân trở thành gánh nặng của người thân. Đó là lý do chị níu kéo cuộc hôn nhân này. Là muốn cho con có một mái nhà nương náu, cũng là để cho chị có một chỗ che nắng che mưa. 

Khi tòa quyết định bác đơn kháng cáo, chấp nhận cho vợ chồng ly hôn, chị ngồi lặng mất một lúc. Một người quen phải giải thích mãi: “Hai năm trước tòa đã một lần đình chỉ vụ án, chấp nhận yêu cầu của chị cho hai người không ly hôn, cho chị cơ hội để hàn gắn hạnh phúc, nhưng chị không làm được. Nên bây giờ, tòa buộc phải đồng ý để hai người ly hôn”. 

Đọc thêm