Nguồn thu ngân sách thấp nên Đắk Lắk gặp khó trong đầu tư cho công tác quản lý đất đai

(PLVN) - Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung nêu thực trạng tại buổi làm việc trực tuyến với Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW sáng 13/7.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết, “sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW, nhìn chung, công tác quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, hệ thống quản lý nhà nước về đất đai được tăng cường ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), việc phân cấp quản lý theo hướng phân cấp nhiều hơn cho các địa phương đã được cụ thể hóa về thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.

Công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ), đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ đã đạt được kết quả nhất định, công tác quản lý đất đai đã dần đi vào nề nếp và ổn định. Hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai ngày càng được kiện toàn, trình độ chuyên môn từng bước được nâng cao…”.

Cũng theo Bí thư Nguyễn Đình Trung, các văn bản pháp luật, chính sách về đất đai và thị trường bất động sản được ban hành, đã từng bước xây dựng hình thành và quản lý được thị trường bất động sản, trong đó có quyền SDĐ.

Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung báo cáo tại buổi làm việc

Cơ chế xây dựng và quản lý giá trị quyền SDĐ, giá trị bất động sản gắn liền với đất được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, môi trường kinh tế cho việc khai thác, phát huy hiệu quả sử dụng quỹ đất trong mọi lĩnh vực liên quan đến đất đai.

Quyền SDĐ đã trở thành một nguồn lực quan trọng để huy động các nguồn vốn trong xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh. Các nguồn thu về đất đai đã trở thành một nguồn thu quan trọng trong thu ngân sách của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hệ thống pháp luật về đất đai trong quá trình triển khai chỉnh sửa, bổ sung một số chỗ chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn khi thực thi. "Là tỉnh có nguồn thu ngân sách hằng năm thấp nên kinh phí đầu tư cho công tác quản lý đất đai, nhất là việc đo đạc, lập bản đồ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của Đắk Lắk gặp khó khăn, chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý" - Bí thư Đắk Lắk nêu.

Căn cứ vào các nội dung Báo cáo của Tỉnh ủy Đắk Lắk, đồng thời để đáp ứng yêu cầu xây dựng Báo cáo Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của TW, TBKTTW Trần Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo đề nghị Tỉnh ủy Đắk Lắk, các đại biểu cần tiếp tục tập trung làm rõ thêm một số nội dung, đặc biệt là những kiến nghị, đề xuất với TW như các vấn đề về thể chế hóa các chính sách pháp luật đất đai, cụ thể như đất rừng, sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp, đất của các công ty nông lâm nghiệp, ban quản lý rừng; giải pháp nâng cao đời sống, thu nhập của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, của người nông dân sản xuất nông nghiệp trên đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh…

Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, trong khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam; là tỉnh trọng điểm của vùng Tây Nguyên, nhiều dân tộc cùng chung sống. Một trong những tài nguyên được thiên nhiên ưu đãi cho Đắk Lắk đó là tài nguyên đất.

Trong những năm qua, việc quản lý và SDĐ đai của Đắk Lắk cũng đã có những thành tựu đáng kể nhưng đồng thời cũng còn có những tồn tại, hạn chế. Đắk Lắk đã có những đề xuất, kiến nghị quan trọng để góp phần xây dựng Báo cáo Tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của TW.

Đọc thêm