Nguy cơ 'xóa sổ' các phòng pháp chế

(PLO) - Các Thông tư liên tịch về cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh giữa các Bộ chuyên ngành và Bộ Nội vụ lại không có quy định về Phòng Pháp chế, dẫn đến nguy cơ phải xóa bỏ các Phòng Pháp chế hiện có. 
Ảnh minh họa từ internet.

Giải tán vì không có quy định?

Mặc dù Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh được tổ chức Phòng Pháp chế (cụ thể là được thành lập ở 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh) nhưng theo ông Huỳnh Thanh, Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang thì từ năm 2008 trên địa bàn mỗi sở, ngành đã bố trí một cán bộ làm công tác pháp chế. Tỉnh đã lập 8 Phòng Pháp chế hoạt động ổn định và phát huy vai trò tích cực đối với hoạt động của các sở, ngành cũng như giúp rất nhiều trong công tác tư pháp.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Thanh hiện nay trong thông tư hướng dẫn lại không có quy định về Phòng Pháp chế nên các Phòng đã lập giải tán hết, biên chế chuyển sang làm nhiệm vụ khác dẫn đến rất nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Thanh đề nghị cần sửa đổi Nghị định 55/CP theo hướng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh phải có Phòng Pháp chế.

Tại TP HCM, từ năm 2014 trở lại đây, một số sở, ngành cũng đã quyết định giải thể Phòng Pháp chế, đội ngũ cán bộ pháp chế sẽ chuyển sang các Phòng nghiệp vụ khác. Một số địa phương cũng đã và đang có xu thế giải tán Phòng Pháp chế theo các Đề án về kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức sở, ngành. Việc này gây xáo trộn trong cơ cấu tổ chức và ảnh hưởng tới việc xử lý công việc tại các cơ quan chuyên môn ở địa phương. 

Vấn đề này, Bộ Tư pháp thừa nhận: đến nay, Bộ Nội vụ đã ban hành hoặc liên tịch với các bộ, ban hành 14 Thông tư, Thông tư liên tịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Sở thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, trong đó không quy định  Phòng Pháp chế trong cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Điều này đã gây ra khó khăn, lúng túng cho các địa phương trong việc củng cố, kiện toàn tổ chức các Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

UBND cấp tỉnh phải bố trí hợp lý cán bộ làm pháp chế

Trước tình hình nêu trên, Bộ Tư pháp cũng đã có các văn bản gửi các địa phương hướng dẫn về việc áp dụng pháp luật đối với việc thành lập Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, bộ, ngành và một số địa phương nghiên cứu, đề ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; báo cáo kịp thời Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tại nhiều phiên họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, đề ra nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác pháp chế, triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. 

Ngày 17/7/2015, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5592/VPCP-TCCV thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tổ chức và hoạt động của Phòng Pháp chế tại cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Theo đó, UBND cấp tỉnh phải bố trí hợp lý biên chế công chức làm công tác pháp chế tại các sở trong tổng biên chế được giao, bảo đảm số lượng và chất lượng, phù hợp với yêu cầu công tác của từng sở và địa phương. 

Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, vẫn còn nhiều địa phương chưa thành lập, hoặc thành lập được các Phòng Pháp chế rồi giải thể, lý do là do các Thông tư, Thông tư liên tịch của Bộ Nội vụ và giữa Bộ Nội vụ với các bộ không quy định có Phòng Pháp chế trong cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. 

Bộ Tư pháp đang tổng hợp tình hình thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đọc thêm