Nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Ra-đa: Không thể cố cấp phép hàng không bằng mọi giá

(PLO) - “Việc đề xuất mở thêm các hãng hàng không phải được xem xét kỹ lưỡng, bàn thảo cụ thể, thấu đáo, đảm bảo đáp ứng được các yêu cầu về quốc phòng - an ninh, chiến lược phát triển kinh doanh phù hợp với luật pháp Việt Nam chứ chưa nên vội vàng thực hiện một cách chủ quan, duy ý chí vì lợi ích nhóm”, Đại tá Trần Liên, nguyên cán bộ Ban Nghiên cứu không quân, nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Ra-đa khẳng định.

“Phải đặt yếu tố quốc phòng – an ninh lên hàng đầu”

Đại tá Trần Liên cho biết, ông theo dõi rất sát sao qua báo chí việc Bộ GTVT liên tiếp đề nghị Chính phủ cấp phép cho hai hãng hàng không mới SkyViet và Vietstar Airlines. 

“Với xu thế hội nhập và phát triển thì việc đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không của đất nước là cần thiết. Nhưng vấn đề đặt ra là, quá trình tiến hành phải công khai, minh bạch, được sự ủng hộ của nhân dân, đồng thời đảm bảo về quốc phòng – an ninh, không thể chủ quan cứ ào ào mà làm, bài học nhãn tiền ở nước ta khi nhiều địa phương đã xảy tình trạng này và để lại hậu quả đáng tiếc”, Đại tá Trần Liên nói.

Nguyên Phó Tư lệnh Binh chủng Ra-đa bày tỏ quan điểm: Đề xuất mở thêm các hãng hàng không là vấn đề lớn, phức tạp và rất nhạy cảm cần được phải đưa ra bàn bạc cụ thể nhất là có sự đóng góp ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực hàng không, các chuyên gia quân sự. Nên việc xây dựng phương án, lộ trình đòi hỏi quá trình lâu dài, không thể trong ngày một, ngày hai là xong. 

“Dư luận đặt dấu hỏi là đúng vì đề xuất một việc lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân sao không đưa ra lấy ý kiến trước công chúng, phải chăng có vấn đề gì chưa sáng tỏ, có dấu hiệu thiếu minh bạch?”, vị Đại tá trăn trở.

Đại tá Trần Liên

Đại tá Trần Liên

Vẫn theo Đại tá Trần Liên, khi xây dựng đề án hãng hàng không mới phải tính đến việc đảm bảo quốc phòng - an ninh. 

“Hiện Quân chủng Phòng không - Không quân đang thực hiện “4 biết” trong quản lý vùng trời (biết kế hoạch dự báo bay, biết bay hay chưa bay, bay đến đâu biết đến đó, biết hành động trên không), nghĩa là mỗi chuyến bay trên không phận nước ta dù đi hay đến đều phải được quản lý chặt chẽ, không được phép để sót, lọt. 

Một khi có thêm hãng hàng không mới đồng nghĩa với việc tần suất bay sẽ nhiều hơn, thậm chí có thể phải mở thêm đường bay mới, từ đó sẽ đặt ra hàng loạt vấn đề phải điều chỉnh trong việc quản lý, điều hành bay. Phải tăng cường thêm nhiều trạm ra-đa cảnh giới, bổ sung lực lượng, phương tiện ở các sở chỉ huy phòng không…

Hơn nữa tần suất bay dày trên một đường bay sẽ tiềm ẩn nguy cơ rủi ro về an toàn đường không; ảnh hưởng đến công tác huấn luyện quân sự, tìm kiếm cứu nạn của lực lượng không quân; việc nhận dạng các loại máy bay, thông báo bay, quản lý bầu trời Tổ quốc sẽ khá phức tạp, kể cả phải thay đổi phương án tác chiến đường không…”, Đại tá Liên nhấn mạnh.

Không thể cố cấp phép bằng mọi giá!

Trước phản ánh của Báo PLVN về những bất thường trong việc xin cấp phép kinh doanh hàng không cho SkyViet và Vietstar Airlines, Bộ GTVT ngày 6/4/2016 ra thông cáo báo chí về sự việc này song không đề cập đến cốt lõi của vấn đề mà vẫn “lập lờ đánh lận con đen” để xoa dịu dư luận.

Cụ thể, về việc xin cấp phép cho Vietstar Airlines, Bộ GTVT thừa nhận hãng này đang âm vốn 47,3 tỷ đồng và cho rằng nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, doanh nghiệp còn có 6 tháng để hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép và bổ sung hồ sơ, công ty đã cam kết sẽ bổ sung đủ số vốn theo quy định. Bộ GTVT chỉ cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không khi doanh nghiệp đã đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Nghị định 30.

Về việc tái cơ cấu Vasco thành SkyViet Airlines, ngày 31/3/2016, ông Võ Huy Cường, Phó Cục trưởng Cục Hàng không vẫn ký Văn bản số 1166/ CHK-VTHK đề nghị Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét và thực hiện các thủ tục chấp thuận cấp giấy phép cho SkyViet, bất chấp ý kiến phản bác của các chuyên gia cũng như dư luận, bất chấp dấu hiệu “bán rẻ” tài sản nhà nước một cách thiếu minh bạch.

Cần nói thêm rằng, trước đây Bộ GTVT từng trình Chính phủ xin cấp phép cho Vietstar Airlines và làm các thủ tục cấp phép cho SkyViet nhưng đều không được do không đủ điều kiện. Nay Bộ GTVT tiếp tục trình Chính phủ và có dấu hiệu vội vã, bất chấp những dấu hiệu không minh bạch trong hồ sơ xin cấp phép của cả hai đơn vị này.

Nghiêm trọng hơn, điều tra riêng của PLVN còn cho thấy, trong thương vụ tái cơ cấu Vasco, TCty Hàng không Việt Nam có dấu hiệu làm trái Nghị định 183/NĐ-CP về Điều lệ tổ chức & hoạt động của Vietnam Airlines do Thủ tướng Chính phủ ký và phê duyệt.

PLVN sẽ thông tin chi tiết trong số báo sau.

“Anh cả hàng không Việt Nam” đứng sau hai hãng hàng không xin cấp phép?

Điều tra riêng của PLVN cho thấy Vietnam Airlines “đứng sau” cả hai hãng hàng không đang xin cấp phép. Và nếu các thương vụ này thành công, Vietnam Airlines sẽ trở thành “siêu hãng” khi cùng lúc góp vốn, điều hành tới 5 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Jetstar, K6 (liên doanh với Cambodia), SkyViet và Vietstar Airlines. 

Đặc biệt, “thương vụ” Vietstar Airlines là mô hình góp vốn lạ đời khi Quân chủng Phòng không - Không quân bỏ ra 142ha đất “vàng” ở các sân bay trọng yếu cùng thương quyền, kinh nghiệm, hạ tầng, nhân lực sửa chữa máy bay và một chiếc máy bay M-28 nhưng chỉ được định giá 25% cổ phần trong liên doanh Ngôi Sao Việt (tương đương với 100 tỷ đồng). 

Trong khi đó, hai công ty dân sự khác tham gia góp vốn có một công ty chiếm tỷ lệ vốn chi phối làm tổng giám đốc (ông Phạm Trịnh Phương), Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân được giao làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi Sao Việt (Chủ tịch HĐQT nhưng chỉ nắm 25% vốn nên không được phủ quyết). Mô hình sản xuất kinh doanh ở đây tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ thất thoát nguồn lực của Nhà nước. Thực tế qua 6 năm hoạt động, Công ty này luôn lỗ lũy kế, chưa mang lại lợi ích gì cho quốc phòng. 

Trong Báo cáo 411 ngày 9/3/2016 do ông Phạm Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines ký trình HĐQT cho biết “anh cả Hàng không Việt Nam” đã khảo sát và lên phương án tham gia góp vốn để quản lý hãng hàng không Ngôi Sao Việt. Sau khi trở thành cổ đông của VSA, VNA sẽ lựa chọn phương án dân sự hoá đất quốc phòng do Cty A41 được Bộ Quốc phòng giao quản lý, sử dụng.

Với “động thái” góp vốn vào các hãng hàng không mới và “tham vọng” dân sự hoá đất quốc phòng để chiếm ưu thế về hạ tầng hàng không, vị thể độc quyền của VNA sẽ càng được củng cố, trong khi năng lực của hãng này còn là vấn đề bỏ ngỏ. Khi đó, những yếu tố cạnh tranh mới manh nha trên thị trường hàng không vài năm qua sẽ yếu dần và thị trường có nguy cơ “méo mó” trở lại, chưa kể nếu như VNA không đủ năng lực vận hành cả 5 hãng hàng không, sẽ kéo theo những hệ quả khôn lường. Hậu quả nhãn tiền này liệu có khiến cơ quan quản lý nhà nước, Bộ GTVT cân nhắc thay vì quyết xin cấp phép cho bằng được?

Đọc thêm