Nhà ở xã hội đang..ế ẩm?

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết,cơ chế chính sách về nhà ở xã hội đã rất rõ ràng. Tuy nhiên, việc triển khai lại ách tắc bởi chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm, còn Doanh nghiệp phụ thuộc vào địa phương nên không dám... kêu.

Bên lề Hội thảo về chính sách và giải pháp cho việc phát triển nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam (ảnh) đã chia sẻ cùng  báo giới những trăn trở khi đưa chính sách dân sinh này trở thành hiện thực.

"Ở Đà Nẵng hiện chính quyền địa phương can thiệp sâu quá"

Trên thực tế, có những dự án nhà ở xã hội (NOXH) đủ điều kiện bán ra rồi nhưng vẫn chưa bán được, trong khi nhu cầu đối với loại nhà này vẫn rất cao. Do đâu mà hiện tượng này có thể tồn tại, thưa ông?

Hướng dẫn của Bộ Xây dựng rất cụ thể và nếu các DN cứ chiếu đó áp dụng thì có thể bán được ngay. Thiết kế của Bộ Xây dựng trong khi làm chính sách là muốn dành quyền chủ động cho DN, tuy nhiên, hiện nay có tình trạng là một số chính quyền địa phương vẫn muốn can thiệp vào vấn đề này. 

Cụ thể, địa phương sẽ thẩm định những vấn đề gì và như thế nào, thưa ông?

Địa phương chỉ thẩm định hai việc: Một là, giá thành DN đưa ra có bao gồm các yếu tố mà nhà nước đã quy định không. Ví dụ, nhà nước không thu tiền đất thì  phải thẩm định xem DN có đưa tiền giá đất vào giá thành căn hộ không? Nhà nước cho vay lãi suất thấp thì  phải thẩm định xem DN có đưa lãi suất vào giá thành sản phẩm để bán không? Thứ hai, địa phương cũng phải thẩm định lợi nhuận của DN có quá 10% hay không. Chỉ có hai yếu tố này thôi thì việc thẩm định rất nhanh.

Còn đối tượng được mua nhà là do DN quyết định. Cụ thể là những người ở  diện tích dưới 5m2, những người có thu nhập thấp thì DN cứ thế lên danh sách để bán. Còn sở Xây dựng địa phương không có quyền thẩm định những vấn đề này, mà chỉ làm công tác hậu kiểm. Tức là, DN bán mà không cần phải xin phép Sở Xây dựng, còn khi bán xong rồi thì sở có quyền kiểm tra.

Nhưng theo quy định mà Bộ Xây dựng nêu, trong thang điểm 100  thì có 10 điểm dành cho địa phương được quyền định đoạt, tự điều chỉnh. Các địa phương cần phải làm gì để tính được 10 điểm đó?

Trong thang điểm 100  Bộ Xây dựng đã quy định đến 90 điểm rồi, còn 10 điểm dành cho các địa phương, vì mỗi địa phương có 1 đặc thù khác nhau. Ví dụ như những địa phương có nhiều các thành phần như gia đình liệt sĩ, bộ đội, gia đình khó khăn.... hay những đối tượng cụ thể khác như  người bị chất độc da cam, thanh niên xung phong, tàn tật... địa phương thấy cần ưu tiên mà trong quy định của Trung ương chưa tính đến hết. 

Ở Đà Nẵng hiện chính quyền địa phương can thiệp sâu quá nên chưa cho bán hoặc chưa ban hành những quy định mà đáng nhẽ trách nhiệm của địa phương phải ban hành để tạo điều kiện cho DN có thể bán được ngay, khiến cho dự án xây xong rồi, giờ đến khâu bán thì bị tắc. Hay như NOXH của TP Hà Nội hiện đã xây được 800-900 căn ở Việt Hưng nhưng vẫn chưa bán xong. Điều này chứng tỏ địa phương chưa làm hết trách nhiệm.

Hiện nay,  cơ chế chính sách về NOXH đã rất rõ ràng, tuy nhiên, như nói ở trên, chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm, còn DN lại bị phụ thuộc vào địa phương nên không dám kêu. Vừa rồi Bộ Xây dựng có giao cho Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS gửi văn bản cho UBND TP Đà Nẵng về vấn đề này.

Về phía Bộ, cũng chưa có quy định nào bắt buộc về thời gian nhằm thúc đẩy tiến độ bán hàng. Thực tế, hiện  còn vướng mỗi chuyện thẩm định lợi nhuận 10% , còn quy định cụ thể về mức thu nhập của người dân đã nói rất rõ và sẽ không chờ hướng dẫn của địa phương nữa.

 Xin cám ơn ông!

Bách Nguyễn (ghi)

Đọc thêm