Nhận diện cơ hội đầu tư 2023

(PLVN) -  Nhận định nền kinh tế năm 2023 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, song các chuyên gia đều cho rằng đây là cơ hội rất lớn cho các nhà đầu tư khi xác định được “khẩu vị” của mình.
Các chuyên gia chia sẻ tại Tọa đàm.

“Thắt dây an toàn” nhưng đừng quá chặt

Tại Tọa đàm về Cơ hội đầu tư 2023 mới đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã khái quát lại “bức tranh” nền kinh tế trong năm 2022. Theo ông, ngay từ đầu năm 2022, nền kinh tế phục hồi rất mạnh qua việc tăng trưởng kinh tế và các ngân hàng mạnh tay cho vay, nhưng đến cuối năm đã có dấu hiệu chững lại do chịu tác động rất mạnh từ các yếu tố bên ngoài và nội tại của nền kinh tế.

Điều này đã thể hiện trên thị trường tài chính như thị trường chứng khoán (TTCK) mất hơn 30% giá trị; thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và thị trường bất động sản (BĐS) đóng băng; thị trường vàng biến động rất mạnh; ngân hàng tăng lãi suất mạnh tay để thu hút vốn do huy động thấp so với tăng trưởng tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng phải nới room tín dụng nhiều lần trong năm 2022 cho các ngân hàng và đến cuối năm nâng trần tín dụng đến 15,5 và 16%. “Qua tháng đầu của năm 2023 vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi. Những vấn đề của năm 2022 vẫn sẽ là vấn đề của năm 2023” - ông Hiếu nhận định.

Theo chuyên gia, nửa đầu năm 2023, thị trường tiền tệ, TTCK, BĐS… chưa thể phục hồi. Đặc biệt thị trường TPDN sẽ đặc biệt khó khăn khi hơn 3.000 tỷ đồng TPDN đến hạn thanh toán. Thị trường vàng khi tình hình thế giới chưa kiểm soát được có khả năng sẽ đẩy giá vàng lên, tuy nhiên nhà đầu tư (NĐT) phải hết sức thận trọng bởi giá vàng trong nước chênh lệch 20 triệu đồng/lượng so với thế giới.

“Trong rủi ro có nhiều cơ hội. Đây là thời điểm các NĐT “thắt dây anh toàn”, rà soát, cơ cấu lại danh mục đầu tư của mình…” - chuyên gia đưa ra lời khuyên. Tuy nhiên, đừng có thắt chặt quá. “Quan trọng, NĐT phải xác định “khẩu vị” của mình, thời hạn đầu tư như thế nào, mức độ rủi ro chấp nhận được là bao nhiêu, lợi nhuận kỳ vọng ra sao chứ không đầu tư dàn trải” - vị chuyên gia phân tích.

Cụ thể hơn, ông ví dụ: “Tôi sẽ đầu tư vào chứng khoán có thương hiệu tốt. Đầu tư vào TPDN cần phải cân nhắc. Nhưng tôi chấp nhận đầu tư vào vàng vì “khẩu vị” của tôi là chấp nhận rủi ro để có cơ hội. Vấn đề là phải xác định được mức độ rủi ro cũng như phải đặt cho mình mức chốt lời, cắt lỗ. Phải có kỷ luật đầu tư và cơ chế kiểm soát rủi ro…”.

Cơ hội từ sự tự tin và phân tích thị trường

Đồng tình với nhận định đây là cơ hội để đầu tư, ông Quan Đức Hoàng – Chủ tịch Hội đồng thành viên A+ Fund nhìn nhận: “TTCK là thị trường của niềm tin”. Ông chia sẻ thêm, thời gian qua đã tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư và NĐT lớn, chưa một quỹ nào có cái nhìn tiêu cực về thị trường. Ai cũng lạc quan và cho rằng đây chính là thời điểm mua vào. Tuy nhiên, thị trường còn khó khăn nên cần lựa chọn kỹ.

“Các DN Việt Nam vẫn đang hoạt động khá tốt. Nhiều yếu tố hỗ trợ như Trung Quốc mở cửa trở lại, hoặc Hiệp định thương mại tự do với châu Âu mở ra cơ hội rất lớn mà chúng ta chưa phân tích sâu. Tôi cho rằng đây là cơ hội rất tốt để mua vào” - vị chuyên gia đưa ra lời khuyên.

Ông Vũ Hữu Điền, Giám đốc phụ trách Danh mục đầu tư, Dragon Capital quả quyết, 2023 là năm mà các NĐT có thể kiếm được nếu họ biết phân tích thị trường và có đủ tự tin. Bởi TTCK là thị trường mà trong thời điểm này ai cũng sợ vì quá thua lỗ.

Theo ông Điền, việc thắt chặt tăng lãi suất năm 2022 ảnh hưởng rõ ràng đến kết quả kinh doanh của phần lớn các DN niêm yết, đặc biệt là các DN sử dụng đồng tiền ảo, thông qua các báo cáo tài chính trong quý IV vừa rồi và thậm chí có thể sẽ kéo dài sang tới quý I/2023. Nhưng kết quả kinh doanh sẽ phục hồi dần dần.

“Tôi đánh giá rằng nền kinh tế sắp tới sẽ rất năng động, DN cũng sẽ tự biết cách để giải bài toán của mình, Chính phủ cũng phải biết cách gỡ khó cho DN và người dân. Môi trường lãi suất cao 14-15% cũng sẽ không kéo dài lâu, kể cả với BĐS bởi sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy tới nền kinh tế. Các nhà hoạt động chính sách cũng biết điều đó. Vậy nên ta hãy đánh giá theo cách tích cực rằng thị trường BĐS sẽ có sự trở mình, cũng như TTCK, mức lãi suất cao cũng chỉ diễn ra trong ngắn hạn” - ông Điền nhận định.

Cùng góc nhìn lạc quan, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích - Phát triển năng lực đầu tư, Công ty CP Chứng khoán VPS, trong bối cảnh hiện tại, khi lãi suất ở mức cao, dòng tiền trên TTCK khó có thể quay về thời kỳ đỉnh cao như 2020 - 2021, thì giai đoạn này và trong nửa đầu năm 2023, thị trường đang tích luỹ.

“Đây là thời điểm dành cho cổ phiếu riêng lẻ mà hiện tại các chuyên gia đã nhắc tới những cái tên như nhóm xây dựng, đầu tư công, ngân hàng… Theo tôi, dự cảm cho năm 2023 là tích cực hơn, vẫn có những cơ hội với NĐT” - ông Khánh nói.

Đọc thêm