Nhiệm vụ giải ngân

(PLVN) - Giải ngân đầu tư công là quá trình chuyển giao và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công từ nguồn tài chính đã được phê duyệt sang các dự án và công trình cụ thể. Giải ngân đầu tư công có vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội (các dự án công trình như cầu đường, nhà máy điện, trường học, bệnh viện… tạo ra việc làm, tăng sản xuất và cải thiện hạ tầng, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội); tạo ra động lực cho đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án hạ tầng và cơ sở vật chất công cộng…
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Còn hơn 3 tháng nữa là hết năm 2023, nhưng Bộ GTVT còn hơn 45.000 tỷ đồng phải giải ngân. Đúng là chưa năm nào, nhiệm vụ “tiêu tiền” đặt ra nặng nề như năm 2023.

Riêng tháng 9/2023, kế hoạch các ban quản lý dự án đăng ký khoảng hơn 7.400 tỷ đồng. Ngoài việc hoàn thành kế hoạch giải ngân từng tháng, còn phải có giải pháp đẩy mạnh “tiêu tiền” để bù phần bị chậm trong 8 tháng đầu năm (khoảng 3.000 tỷ đồng).

Để thực hiện mục tiêu giải ngân 100% kế hoạch vốn đăng ký và quyết tâm phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao, tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Bộ GTVT là đã giao là phải giải ngân, phải tìm mọi giải pháp, có phương án điều hòa vốn hợp lý trong nội bộ các dự án của từng đơn vị.

Trong nhiều nguyên nhân phải đôn đốc, có nguyên nhân chủ quan: Công tác tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát đôn đốc thực hiện; chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án; công tác chuẩn bị đầu tư còn sơ sài, chất lượng chưa tốt, công tác giải phóng mặt bằng còn chậm trễ nên gặp vướng mắc trong triển khai; phân bổ vốn còn dàn trải, thiếu tập trung; một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu còn yếu kém về năng lực; kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa nghiêm; công tác kiểm tra, giám sát chưa tốt; chấp hành kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm…

Còn một vấn đề nữa, là quy định pháp luật điều chỉnh toàn bộ hoạt động dự án đầu tư công (từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, hoàn thành, quyết toán bàn giao đưa vào sử dụng) ở 7 lĩnh vực (đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách và công sản, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công) bị đánh giá còn một số điểm bất cập, chồng chéo, chưa phù hợp thực tiễn… Mỗi khâu chậm sẽ ảnh hưởng đến các khâu sau và toàn dự án.

Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là yêu cầu vừa mang tính cấp bách, vừa có ý nghĩa chiến lược, cũng là nhiệm vụ trọng tâm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn. Hơn 3 tháng cuối năm khối lượng công việc nhiều, yêu cầu tiến độ và chất lượng cao. Yêu cầu này không chỉ đặt ra với riêng ngành GTVT.

Ngay từ tháng 3/2023, tại Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 23/3/2023, Thủ tướng đã yêu cầu đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong mọi mặt hoạt động đầu tư công. Đầu tư công đang dẫn dắt và kích hoạt đầu tư. Do vậy, hiệu quả giải ngân 3 tháng cuối năm; và rà soát quy định để thúc đẩy đầu tư công; không chỉ có ý nghĩa trước mắt, mà còn nhiều năm sau.

Đọc thêm