Nhiều thành tựu nổi bật của Bộ Xây dựng trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sáng nay 30/12, Bộ Xây dựng tổ chức họp báo, thông tin kết quả công tác năm 2022 và nhiệm vụ năm 2023. Năm 2022, Bộ Xây dựng đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại buổi họp báo
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh phát biểu tại buổi họp báo

Theo ông Nguyễn Văn Sinh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng, năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2026.

Năm qua, Bộ Xây dựng đã đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể, theo thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh, Bộ Xây dựng đã lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); được Chính phủ thông qua chính sách, báo cáo và được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đã trình và lấy ý kiến Thành viên Chính phủ. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã và đang tích cực soạn thảo, tổ chức hội thảo, lấy ý kiến đối với các dự thảo Luật này để hoàn thiện dự thảo theo đúng kế hoạch đề ra. Ngoài ra, Bộ đã hoàn thành báo cáo rà soát, đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về quản lý và phát triển đô thị; cấp, thoát nước; không gian ngầm.

Trong năm 2022, Bộ Xây dựng đã tích cực phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam. Ngày 18/5/2022, Thường trực Ban Bí thư đã triệu tập Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, thể hiện sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam.

Đồng thời, Bộ Xây dựng đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 148/NQ-CP ngày 11/11/2022 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW .

Bộ Xây dựng cũng đã triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, Bộ đã ban hành văn bản đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu, chương trình - kế hoạch phát triển nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội; tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ; nhu cầu vay vốn ưu đãi của chủ đầu tư các dự án này để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thành lập Tổ công tác liên ngành gồm đại diện Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với các địa phương trong Quý I/2022 để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ nhằm kịp thời thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng đã đề xuất, trình Chính phủ Đề án“Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Quang cảnh buổi họp báo

Quang cảnh buổi họp báo

Một thành tựu nổi bật khác của Bộ Xây dựng trong năm qua là thực hiện các giải pháp ngăn chặn nguy cơ "bong bóng" bất động sản trong những tháng đầu năm 2022 và sự suy giảm của thị trường bất động sản trong những tháng cuối năm 2022.

Theo đó, Bộ Xây dựng đã có nhiều báo cáo gửi Thường trực Ủy ban kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đánh giá toàn diện thị trường bất động sản năm 2021 và 3 tháng đầu năm 2022; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Liên quan đến tình trạng tăng giá đột biến của các loại vật liệu xây dựng và những khó khăn, vướng mắc trong các hoạt động đầu tư xây dựng, Bộ Xây dựng đã chủ động, kịp thời thành lập các tổ công tác, các đoàn làm việc với nhiều Bộ ngành, địa phương; tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn, tăng cường hướng dẫn các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng nhằm hỗ trợ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Theo Bộ Xây dựng, năm qua, một số kết quả cụ thể đã đạt được trong năm qua như: Tăng trưởng của ngành Xây dựng ước đạt 8%-8,5%; Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc ước đạt 41,7%, tăng 1,2% so với năm 2021. Diện tích bình quân nhà ở toàn quốc đạt khoảng 25,5 m2 sàn/người, tăng 0,5 m2 sàn/người so với năm 2021...

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng trong năm 2023 là xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật; trong đó trọng tâm là các dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Quản lý và phát triển đô thị; Luật Cấp, thoát nước; Chương trình xây dựng văn bản pháp luật của Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

Đọc thêm