Quá khứ là “bóng đêm”
Theo người dân địa phương, ngôi làng ra đời khoảng năm 1985. Làng được thành lập theo chủ trương của thành phố để những con người đã một thời lầm lỡ, đa số là những đối tượng mại dâm, ma túy… có nơi làm lại cuộc đời. Họ được đưa về giáo dưỡng tại Trung tâm Giáo dục – Dạy nghề 05- 06 trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP. Đà Nẵng. Khi ra trại, họ không muốn về quê vì mặc cảm tội lỗi, không muốn xuống đồng bằng vì sợ “ngựa quen đường cũ”, nguyện ở lại để những người cùng hoàn cảnh có thể nương tựa vào nhau mà sống.
Đã hơn 30 năm trôi qua, họ đã rũ bỏ quá khứ, tạo lập một cuộc sống mới bằng chính đôi tay của mình. Mỗi khi nhắc lại quá khứ, bà Hà Thị Thu Thủy (SN 1955) không khỏi bùi ngùi: “Tui quê ở Sông Bé cũ, cha mẹ mất sớm, để lại hai chị em bơ vơ khi mới 13 tuổi. Hai chị em đưa nhau về Sài Gòn kiếm việc làm nuôi bản thân. Khi ấy tuổi còn nhỏ, xin việc không ai nhận vì chẳng có người lớn hay giấy tờ cá nhân mang theo. May mắn hai chị em được một người tốt bụng xin cho làm phụ rửa chén ở quán cơm”.
Trong một lần xin phép bà đi dạo phố, đứa em trai bỗng mất tích. Thương em, bà xin nghỉ việc ở quán cơm đi tìm khắp nơi. “Tui đi tìm nó suốt 2 năm trời ở Sài Gòn mà không có thông tin gì. Phần vì thương em, muốn tiếp tục tìm em, tui không về lại quán cơm mà sống cuộc đời phiêu bạt từ đó”.
Bà Thủy đến Đà Nẵng với hy vọng tìm được em trai, nhưng cuộc tìm kiếm dường như đi vào bế tắc. Trong lần lâm vào cảnh túng thiếu, bà chấp nhận vào động mại dâm. Với những đồng tiền từ nghề “bán thân nuôi miệng”, bà lao vào những cuộc ăn chơi rồi dính vào nghiện ngập lúc nào không biết. Sau hơn hai năm trác táng, năm 1979 bà được đưa vào trại. Năm 1983 bà được thả ra, đi làm công nhân một thời gian nhưng lại “ngựa quen đường cũ”, bà bị bắt rồi đưa vào Trung tâm phục hồi nhân phẩm. Năm 1990 bà về xóm này sinh sống cho đến nay.
Phía bên kia là nhà bà Trần Thị Minh Nguyệt (SN 1957, quê ở Chu Lai, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), có một tuổi thơ bất hạnh không kém. Lau những giọt mồ hôi trên trán, bà kể: “Tui mồ côi mẹ từ nhỏ, lên 5 tuổi thì cha bỏ đi biệt xứ. Tui về sống với bà ngoại gần hết tuổi thơ. Bà mất, bỏ lại tui bơ vơ không nơi nương tựa”. Lớn lên một chút, bà lang thang ra thành phố kiếm việc làm nuôi bản thân. Tuy thế, bằng cấp không có, thu nhập rất bấp bênh, cuộc sống khổ sở.
Sau này, vì có gương mặt xinh đẹp, hiền lành, bà bị nhiều “má mì” dụ dỗ. Trong lần không kìm chế được trước “ma lực” đồng tiền, bà đã dấn thân vào con đường “buôn hoa bán phấn”. Cứ thế bà trượt dài, trở nên ăn chơi khét tiếng ở Đà Nẵng lúc bấy giờ.
Bà được đưa vào trại năm 1982 và ra trại hai năm sau đó. Không biết đi đâu, sau bao ngày đắn đo suy nghĩ, bà quyết định ở lại xóm, làm lại cuộc đời từ con số “0” tròn trĩnh, không gia đình, không người thân, không nhà không cửa và tiền bạc cũng không. “Nhưng ở đây có những người cùng hoàn cảnh với mình, có người để nương tựa, giúp đỡ nhau, cuộc sống cũng dần ổn định” - bà kể trong nước mắt nghẹn ngào về quá khứ.
|
Những "bóng hồng" từng một thời lầm lỡ. |
Ngoài bà Thủy, bà Nguyệt - còn hàng chục phụ nữ khác với những phận đời éo le, trái ngang. Hỏi về những ngày đầu trên vùng đất mới, họ cho biết vẫn còn nhớ như in cái lần ra trại đầu tiên, đã có 20 người ở lại vùng đất đồi khô cằn này để tạo lập cuộc đời. Có những người có niềm hạnh phúc bên chồng, bên con; cũng có người phải sống trong cô quạnh, nhưng họ đều có một điểm chung: vì ngày mai, vì con cái, muốn quên đi quá khứ lỗi lầm và hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn.
“Bến đỗ” ngày về…
Xóm xưa giờ đã “thay da đổi thịt” nhiều, những căn nhà ngói đỏ, con đường bê tông chạy xuyên suốt làng. Nghĩ về những ngày trước, các chị đều nhớ: “Trước kia, vùng ni hoang vu lắm, không có người, chỉ thấy rừng với rừng”. Nhưng với sự quyết tâm làm lại cuộc đời, họ đã lên rừng kiếm gỗ, lá, cây rồi giúp nhau dựng lên những căn nhà lá ở tạm. Những ngày mùa mưa, ngôi làng giống như một ốc đảo nhỏ, bốn bề toàn nước. Đất đồi khô cằn, toàn đá sỏi không biết trồng gì, nuôi gì, ban đầu họ đành len lỏi lên rừng đốn củi, chặt cành mưu sinh.
Trong ngôi nhà tình nghĩa đã cũ, bà Thủy giờ đang sống trong cô quạnh. Thời gian ở trại, bà quen biết với người chồng sau này. Ông cũng vốn là giang hồ khét tiếng, bị cụt chân trong lần đánh lộn với các băng nhóm khác. Đám cưới của hai người diễn ra tại Trung tâm trước sự chứng kiến của các cán bộ quản giáo và các học viên. Ra trại, họ đưa nhau về làng Bàu Bàng sinh sống.
Sống với nhau 10 năm, đến năm 2002 khi ông mất vì bệnh ung thư, hai người vẫn chẳng thể có con. Có lẽ đó là di chứng của một thời ăn chơi trác táng. Giờ bà một mình còm cõi trong căn nhà quạnh hiu, vẫn một mình lên rừng đốn củi kiếm sống. Nhiều người khuyên bà về dưới phố sinh sống cho đỡ nhọc, nhưng bà quả quyết: “Tôi ở đây từ ngày hoàn lương đến giờ cũng mấy chục năm rồi. Mảnh đất này là quê hương thứ hai của của tui”.
Bên cạnh những hoàn cảnh như bà Thủy, có nhiều chị em là trụ cột gia đình, được cả làng khen bởi sự tháo vát và may mắn có những đứa con ngoan hiền, học giỏi. Ngày trước, nhiều chị bán quán ăn cho công nhân làm đường và công nhân xây Trại 05- 06 mới. Từ khi các công trình hoàn thành, ít người ăn uống, họ lại lên rừng đốn củi kiếm sống. Dù cuộc mưu sinh gian khổ, họ vẫn luôn nở nụ cười, và quan trọng nhất, không ai nghĩ đến việc quay lại đường cũ.
Ông Nguyễn Văn Sáu, trưởng thôn Lộc Mỹ nở nụ cười tươi cho biết: “Vùng đất này xưa chỉ là rừng và rừng, rồi khi các chị em là những người đầu tiên đến thì vùng đất này lại được “hồi sinh”. Chính nhờ bàn tay của chị em mà xóm Bầu Bàng không còn là nơi âm u, hoang vắng nữa. Một vùng đất mới…”