Những cái "bẫy" trong mua bán qua mạng (Kỳ 2)

Hiện nay, đa phần các trang điện tử mua bán chỉ làm nhiệm vụ là tạo ra “chợ”, còn trong “chợ” đó, mọi người mua gì bán gì và giao dịch ra sao thì chủ sở hữu trang điện tử không chịu trách nhiệm. Lời cảnh báo được nêu rõ ràng trong các phần nội quy trang điện tử, nhưng nhiều người mua không mấy để ý...

[links()]Để phát triển thương mại điện tử, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam đã có những bước tiến tích cực. Tuy nhiên, lực cản lớn nhất đến từ chính những chủ thể tham gia thương mại điện tử. Trong môi trường mạng, không chỉ có người bán “tiền mất tật mang”, mà có lúc người mua cũng là nạn nhân. 

Khi mua bán trên mạng, khách hàng phải tự học cách làm “khách hàng thông thái”

Hiện nay, đa phần các trang điện tử mua bán chỉ làm nhiệm vụ là tạo ra “chợ”, còn trong “chợ” đó, mọi người mua gì bán gì và giao dịch ra sao thì chủ sở hữu trang điện tử không chịu trách nhiệm. Lời cảnh báo được nêu rõ ràng trong các phần nội quy trang điện tử, nhưng nhiều người mua không mấy để ý. Thậm chí, còn nghĩ rằng họ được đảm bảo bằng uy tín của chủ sở hữu website.

Anh Nguyễn Trần Huy, 25 tuổi, đang sở hữu một gian hàng kinh doanh quần áo trên trang điện tử enbac… và tham gia kinh doanh quần áo trên mạng xã hội Facebook, chia sẻ: “Trước khi tham gia kinh doanh online, mình cũng đã phải “trả học phí” cho việc “cả tin”. Hình ảnh chào bán trên trang rất đẹp, nhưng trên thực tế, hàng hóa thực bán khác xa hàng mẫu. Nhiều khách hàng, dù thất vọng, cũng đành tặc lưỡi “tiền nào của ấy”.

Vì thế, khi tham gia kinh doanh, anh Huy nhanh chóng có được một danh sách khách hàng thân thiết do “tiền thật, hàng thật”, và khi tin tưởng, khách hàng cũng ngại dời sang gian hàng khác.

Anh Trần Huy cho hay, trên môi trường mạng, không ít người “bán thật”, nhưng cũng không ít kẻ lừa đảo. Chính những khách hàng sa “bẫy”, rồi tiếng xấu lan truyền, khiến khách hàng có nhu cầu cũng ngại giao dịch qua mạng, mà chỉ coi mạng là nơi tham khảo, rồi vẫn mua bán bằng phương pháp truyền thống.

Còn anh Minh Đức, một CEO của trang mạng điện tử có tiếng iMe…khuyến cáo, giữa trăm nghìn cạm bẫy lừa đảo trên mạng, người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức cơ bản khi mua hàng, cũng như thận trọng với những sản phẩm được rao bán để tránh mua phải hàng nhái, hàng quá đát hoặc bị lừa.

Trước đây, những người mua hàng trên mạng thường truyền tai nhau một phương pháp để tránh bị mua phải hàng rởm là nên bỏ thời gian để đọc các phản hồi trên mỗi topic rao bán hàng. Topic nào có nhiều phản hồi tích cực thì hãy để mắt. “Tuy nhiên, cách này hiện cũng chẳng còn nhiều ý nghĩa, bởi người bán đã dùng hàng chục nick khác nhau để vào khen nức nở, mỗi khi có ý kiến trái chiều là bị chủ topic huy động dập tơi bời” – anh Đức cho hay.

“Có một chiêu mà nếu khách hàng chưa nhìn tận mắt, bắt tận tay cũng không hình dung ra được” – chị Hiền, chủ một gian hàng trên enbac…, bật mí: “Người bán sẽ lấy đi 1/3 ruột trong lọ mỹ phẩm thật để trám vào một lọ hàng nhái, sau đó đóng gói bao bì lại như mới. Vậy là cứ 1 lọ mỹ phẩm thật thì họ sẽ chế được 3 lọ mỹ phẩm "vừa giả vừa thật".

Khách hàng mua sẽ phải trả số tiền bằng với hàng chính hãng. Khách hàng mang về sử dụng ban đầu thấy rất tốt. Vậy là nhiều người sẽ lên mạng để đăng những phản hồi tốt cho người bán. Khi sử dụng hết phần hàng thật, khách hàng thấy chất lượng giảm đi thì cũng ít ai thắc mắc, bởi cho rằng do mở hộp lâu ảnh hưởng đến chất lượng hay vô vàn lý do khác”.

Theo chị Hiền, việc mua bán mỹ phẩm trên mạng hiện thực sự bát nháo, hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan. Bởi phần lớn những người kinh doanh trên mạng là những người ít vốn, khách hàng không ổn định và lãi không nhiều.

Trong khi đó, giao dịch trên mạng cũng rất khó phân biệt được thật giả, phần lớn là sau khi khách hàng mua rồi mới phát hiện ra, có tìm người bán để bắt đền, lấy lại tiền cũng rất khó. Nếu bị phát hiện ra là bán hàng rởm, người bán lại có thể lập ngay một gian hàng mới, với những nickname và số điện thoại mới, rồi tiếp tục đi "săn" các nạn nhân mới.

Một số kinh nghiệm khi mua hàng trực tuyến: Phải xác định rõ nhu cầu của bạn, tránh vì ham rẻ mà không suy xét kỹ lưỡng; Cảnh giác với những sản phẩm có giá quá rẻ so với mặt bằng chung;

Yêu cầu người bán cung cấp xuất xứ của hàng hóa, thời hạn bảo hành, hạn sử dụng…, nếu người bán mập mờ bỏ qua thì hãy từ chối;

Cẩn thận với phương thức thanh toán theo kiểu chuyển khoản, gửi tiền trước rồi mới trao hàng; Gửi phản hồi cảnh báo với những người khác về các trường hợp lừa đảo mà bạn biết.

Trung – Bách

Đọc thêm