Mỗi giọt nước đều tận dụng để phát điện!
Từ thượng nguồn sông Thu Bồn chảy qua địa phận 2 huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, mỗi giọt nước đều đã được tận dụng hoặc đưa vào tầm ngắm khai thác triệt để với mục tiêu biến thành điện năng.
Lớn nhất là công trình thủy điện Sông Tranh 2, có tổng công suất 190MW đưa vào phát điện cuối năm 2010. Đứng từ xa đã nhìn thấy con đập cao cả trăm mét chắn lừng lững dòng sông với “túi nước” khổng lồ bị chặn dâng cao ở phía thượng nguồn. Hai huyện này còn “đèo bồng” một loạt TĐ vừa và nhỏ như TĐ Tà Vi, Nước Biêu, Đăk Di 1, Đăk Di 2, Đăk Di 4, Nước Bươu, Trà Linh 2, Trà Linh 3, Nước Xa…
Còn nếu ngược thượng nguồn sông Vu Gia đến địa bàn huyện Đông Giang, tình hình “nóng” về đầu tư thủy điện ở đây cũng không thua kém. Trên đoạn sông chưa đầy 10km, vô số hạng mục công trình của hai công trình TĐ A Vương (210MW) và TĐ Za Hung (45MW) như: tầng bậc ta-luy, ống nhận nước, nhà máy, đập bê-tông xám ngắt núi rừng. Cứ hễ bắt đầu vào mùa mưa, mực nước hồ chứa hai TĐ A Vương và Za Hung đã hung dữ, cuồn cuộn chảy.
Không riêng huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Đông Giang mà hầu như mọi con sông trên địa bàn Quảng Nam đều được quy hoạch làm thủy điện. Làn sóng đầu tư thủy điện ở đây đã bùng lên, thành cơn sốt thực sự trong những năm qua. Theo khảo sát, đến nay toàn tỉnh Quảng Nam có đến 43 DATĐ đã được phê duyệt quy hoạch với điện lượng gần 6,3 tỷ kWh/năm.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng nhanh chóng phê duyệt quy hoạch 42 DATĐ vừa và nhỏ. Đối với các DATĐ thuộc quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ, hiện có 7 công trình đã phát điện, 5 công trình đang khởi công xây dựng, 11 dự án đã thẩm định thiết kế cơ sở và dự kiến khởi công trong thời gian tới, 9 dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu khả thi, lập dự án đầu tư. Nhiều nhất là các huyện Nam Trà My 13 DATĐ, Nam Giang 11 dự án, rồi đến Đông Giang, Tây Giang, Bắc Trà My, Phước Sơn, Hiệp Đức, Đại Lộc.
Lợi nhuận “xóa nhòa” môi sinh
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Trung chia sẻ, sở dĩ người người, nhà nhà đầu tư vào TĐ chính là vì ngành kinh doanh này rất “ngon ăn” mà lại ít rủi ro.
Theo đó, trong bối cảnh nguồn năng lượng đang thiếu hụt nghiêm trọng hiện nay, điện đang trở thành mặt hàng độc quyền bán chạy, có thể tạo ra siêu lợi nhuận cho chủ đầu tư. Với mức vốn đầu tư vào TĐ khoảng từ 20-25 tỷ đồng/MW, chỉ trong vòng 8-9 năm, chủ đầu tư sẽ thu hồi toàn bộ nguồn vốn bỏ ra, sau đó là mặc nhiên ngồi hưởng lợi nhuận ròng rất lớn trong hàng chục năm tiếp theo.
Với những tài liệu mà PV có được, đơn cử đầu tiên như TĐ A Vương công suất 210MW, nguồn vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng. Nhưng theo tính toán của lãnh đạo Công ty CPTĐ A Vương, chỉ trong vòng 9 năm, đơn vị sẽ thu hồi đủ vốn đầu tư.
Có một điều đáng nói, khi phát triển tràn lan các DATĐ, chủ đầu tư lại biết lấy những lợi ích trước mắt để làm “nhòa” hết những tác động tiêu cực đến môi trường, tài nguyên rừng bị xâm hại, tái định cư, cuộc sống dân sinh của hàng triệu người dân ở vùng hạ lưu mà chưa thể nhìn thấy ngay được. Hơn nữa, trong báo cáo bao giờ cũng rất “sạch” và nhiều hứa hẹn.
Một chuyện gia trong ngành điện năng (xin giấu tên) đã chia sẻ với PV rằng: “Tất cả chúng ta, ai cũng đều không thể phủ nhận thủy điện vừa khai thác tốt tiềm năng khu vực ở Quảng Nam, vừa góp phần cung cấp điện cho cả nước.
Vì vậy, việc chặn dòng tích nước, các công trình TĐ đã nhấn chìm dưới lòng hồ hơn 10.000ha rừng đầu nguồn, rừng già nguyên sinh của Quảng Nam; hàng chục ngàn héc-ta rừng thượng nguồn khác bị triệt hạ để mở đường công vụ, xây dựng nhà công vụ, phục vụ tái định cư dự án, đốt rừng làm nương rẫy… lúc đó lại trở thành “thứ yếu”, thứ chưa tính đến vội. Vì vậy, việc cấp phép ồ ạt cho các chủ đầu tư nhảy vào xây dựng thủy điện ở Quảng Nam cũng dễ hiểu”.
Hậu quả nhãn tiền!
Điểm lại những thiên tai mà người dân miền Trung phải gánh mỗi năm đều cho thấy TĐ “góp thêm lũ”, gây ra lũ lớn vào mùa mưa và gây khô hạn vào mùa nắng cho vùng hạ du của hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn.
Vào ngày 29/9/2009, khi đỉnh lũ vùng hạ du sông Vu Gia đạt mức báo động 3 cũng là lúc TĐ A Vương xả lũ để bảo vệ hồ. Lũ “nhân tạo” chồng lên lũ tự nhiên đã khiến mực nước lũ vượt hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 đến 1,5m, có nơi vượt đến 2m. 8 người chết, 380 người bị thương, 35.000 nhà dân bị ngập nước…
Nhắc lại vụ việc này, ông Huỳnh Vạn Thắng - chuyên gia thủy lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.Đà Nẵng vẫn cho rằng, quy trình vận hành hồ TĐ A Vương là một quy trình sai, chỉ chú trọng hai nhiệm vụ là an toàn công trình và an toàn phát điện mà hoàn toàn không đả động gì đến tham gia cắt lũ và giảm lũ cho vùng hạ du.
Thế nhưng, bỏ qua hết những chỉ trích, lãnh đạo TĐ A Vương vẫn kết luận mình “vô can”. Và cho đến hôm nay, việc xả lũ của TĐ A Vương chỉ có người dân chân lấm tay bùn, lâu lâu nhắc lại để bày tỏ lo lắng. Bởi theo họ, khi chỉ có A Vương xả lũ thôi đã gây ngập một cách kinh hoàng. Vậy đến khi 43 TĐ tại Quảng Nam đi vào hoạt động, cùng xả lũ cộng với 113 TĐ tại Gia Lai, vài chục TĐ tại Bình Định, Phú Yên… thì nguy cơ đến mức nào nữa ?
Ông Võ Thí - Trưởng phòng Quản lý điện năng (Sở Công Thương Quảng Nam) còn đưa ra một giả thuyết kinh hoàng để cảnh báo: “Nếu một rủi ro do thiên tai (mưa và lũ lớn) gây vỡ một công trình TĐ, chắc chắn sẽ gây hiệu ứng đô-mi-nô đối với các hồ chứa trên hệ thống và hậu quả không thể tính được, nhất là đối với hệ thống TĐ bậc thang ở Quảng Nam hiện nay”.