Những câu hỏi lớn trong công cuộc tái cấu trúc kinh tế

"Với cải cách luôn có người được lợi nhưng cũng có nhóm thiệt hại. Làm sao chúng ta tạo được sự đồng thuận?. Làm sao có thể vượt qua?. Điều này đòi hỏi cả bộ máy và tất cả chúng ta đều phải vào cuộc", TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) trao đổi liên quan đến công cuộc tái cấu trúc (TCT) kinh tế hiện nay.

Gọi quá trình cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam 20 năm qua là một quá trình đầy mâu thuẫn, trăn trở và đau đớn, song TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM) tỏ ra tin tưởng vào công cuộc tái cấu trúc (TCT) hiện nay và kỳ vọng, từ nay đến năm 2015 sẽ có những kết quả đáng kể. PLVN đã có cuộc trao đổi với ông trước thềm năm mới- một năm khởi đầu cho công cuộc TCT đầy quyết liệt…

- Thưa ông, trước đây chúng ta gọi là “cải cách”, “sắp xếp”, “đổi mới”…, còn bây giờ là “tái cấu trúc”?

- Có thể nói về bản chất TCT một cách hết sức ngắn gọn. Đó là có những cải cách mạnh mẽ, quyết liệt để làm sao nguồn lực của đất nước, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư được phân bổ hiệu quả. Hay nói cách khác, phải làm sao tạo ra được một hệ thống động lực (incentives) mới, gắn bó một cách sâu sắc với hội nhập và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường (KTTT), và cùng với nó là xem xét toàn bộ những thách thức…

Cải cách của Việt Nam là một quá trình. Rõ nhất là đi từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang KTTT và hiện Việt Nam vẫn được xem là một nước có nền kinh tế chuyển đổi. Chuyển đổi vì đến nay nhiều yếu tố nền tảng của nền KTTT mình đã có nhưng chưa đầy đủ, chưa vận hành một cách trơn tru. Có nghĩa cái TCT lần này là cái tiếp tục của quá trình cải cách, đổi mới 25 năm qua của Việt Nam, nói rộng ra là hơn 30 năm, từ cuối những năm 70, bắt đầu bằng những manh nha như “phá rào”, khoán…Thế thì có cái gì mới ở đây?. Có 3 điểm, có thể coi là mới cũng được, có thể coi là sự chuyển tiếp mạnh mẽ cũng được.

Đầu tiên, đó là cách thức tăng trưởng của bản thân Việt Nam  trong 25- 30 năm qua. Cơ bản là đánh thức tiềm năng để nó bật dậy. Ví dụ nhờ KTTT, nhờ mở cửa hội nhập, trong đó có cái mà người ta hay nói là lợi thế so sánh tĩnh, được phát huy như lao động giá giẻ, tài nguyên thiên nhiên… Nếu giờ lại tiếp tục con đường đó, rõ ràng là chưa đủ, hiệu quả không cao, thiếu bền vững. Bên cạnh đó, mô hình của mình cũng có những cái mâu thuẫn, có những trăn trở về cách thức xử lý đối với khu vực kinh tế nhà nước… Cho nên bản chất của nó là thay đổi mô hình tăng trưởng.

Thứ hai, phải nhìn tư duy mới về phát triển. Trên thế giới cũng có những thay đổi rất căn bản, trong đó thế giới có những cái định hình được, nhưng có những cái vẫn đang tìm kiếm, tranh cãi để tìm ra hướng đi hợp lý… Chẳng hạn, đó là khi bàn về tăng trưởng bền vững, tăng trưởng toàn diện, tăng trưởng sáng tạo, tăng trưởng cân bằng. Những điểm này, Việt Nam ta cũng đã và đang bàn thảo, triển khai, nhưng ta cũng không có quá nhiều kinh nghiệm. Nhìn vào chiến lược phát triển 10 năm tới, Việt Nam không chỉ muốn tăng trưởng có hiệu quả mà tăng trưởng đó còn gắn với hài hòa xã hội, môi trường…

Mục đích đã thấy rõ nhưng xử lý nó không đơn giản vì có nhiều khía cạnh, lợi ích có thể mâu thuẫn nhau. Không chỉ mô hình mà tư duy về tăng trưởng, tư duy về phát triển cũng phải mới bởi không lẽ gì thế giới thay đổi mà mình không thay đổi?.

Thứ ba, cụ thể sát sườn hơn. Câu hỏi đặt ra là tại sao TCT chúng ta lại nhằm vào 3 lĩnh vực: Đầu tư, tập trung vào đầu tư công; DN đặc biệt là DNNN, trong đó tập trung vào DNNN lớn, tập đoàn kinh tê; thị trường tài chính, trong đó trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại?. Bởi 3 lĩnh vực này là 3 lĩnh vực rất then chốt trong cải cách để đảm bảo rằng nguồn lực, mà đặc biệt là nguồn vốn được phân bổ hiệu quả.

DNNN hiện nay còn chiếm một tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế, trên dưới 25% GDP; đầu tư công những năm qua chiếm tỷ trọng trung bình trên dưới 40% tổng đầu tư xã hội và cũng được đánh giá là thiếu hiệu quả; khu vực tài chính ngân hàng, chủ yếu vẫn dựa vào ngân hàng, lại nhiều rủi ro, trong khi đây chính là khu vực để chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư.

Làm sao cho nó lành mạnh, luân chuyên nguồn vốn có hiệu quả?. Để thực hiện được thì đây phải là một cuộc cải cách mạnh mẽ, quyết liệt; nó không chỉ động chạm đến các nguồn vốn mà thực sự nó động chạm đến nhiều vấn đề thuộc về ý thức hệ, tư duy phát triển. Ví dụ vấn đề nhìn nhận vai trò của DNNN và đầu tư nhà nước. Rõ ràng nó không phải chỉ là sắp xếp, thay đổi lại các đơn vị cần xử lý, mà thực sự nó cần thay đổi cách thức nhìn nhận, tư duy về phân bổ nguồn lực và vai trò của nhà nước. Và hơn nữa, bởi nó đang đi cùng cái đang tìm kiếm, trăn trở của thời đại nên đây là vấn đề rất lớn.

Dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty Khoáng sản Lào Cai. Ảnh: MH
Dây chuyền sản xuất bao bì của Công ty Khoáng sản Lào Cai. Ảnh: MH

- Chúng ta đã có quá trình cải cách 25-30 năm, và lần này nữa như ông vừa nói, đó là vấn đề rất lớn. Vậy theo ông, thời gian cho công cuộc TCT lần này là bao lâu?

- … Bởi thế chúng ta đang làm các đề án rất cụ thể. Quốc hội giao rồi, Thủ tướng Chính phủ sẽ phải báo cáo trước Quốc hội trong kỳ họp tới. Hiện các Đề án đó đang giao cho các Bộ ngành làm và có sự phối hợp chặt chẽ. Một vài biện pháp cải tổ hệ thông ngân hàng đã được triển khai; Thủ tướng cũng đã có Chỉ thị 1792 bước đầu thay đổi căn bản cách thức lập và thực thi dự án đầu tư từ ngân sách và trái phiếu chính phủ…

Tuy nhiên, cần thấy rằng đây là quá trình rất phức tạp, cho nên chúng ra không thể thay đổi mọi thứ qua một đêm được, mà phải có quá trình, có lộ trình. Phải làm rất quyết liệt, nhưng cũng phải rất bình tĩnh vì nó động chạm đến những vấn đề thuộc ý thức hệ, đến vấn đề tư duy phát triển, đến những vấn đề chính trị xã hội; nó động chạm đến DN và con người cụ thể. 

Điều mong muốn là chúng ta có thể thực hiện TCT tương đối tốt từ nay đến năm 2015. Không ít biện pháp kỹ thuật phải bàn thảo, song cái quan trọng nhất là quyết tâm và ý chí chính trị. Không có gì hoàn hảo cả và khó có thể đòi hỏi 100%. Chúng ta làm, cố gắng làm các đề án một cách tốt nhất, có phản biện; chúng ta thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, song biết lắng nghe thị trường, lắng nghe phản ứng xã hội để điều chỉnh nếu cần thiết.

- Theo ông, đâu là thuận lợi, khó khăn của công cuộc TCT lần này?

- Thuận lợi nhất là chưa bao giờ Việt Nam có sự đồng thuận ở các điểm cơ bản của công cuộc TCT mạnh mẽ như lần này, đó là những định hướng cơ bản, những lĩnh vực cơ bản mà mình nhắm vào. Sự đồng thuận này thể hiện không chỉ trong các nhà nghiên cứu kinh tế trong, ngoài nước mà nó còn có trong các nhà hoạch định chính sách. Thuận lợi thứ hai là chính chúng ta nhận thấy là chúng ta phải thay đổi, phải đẩy cải cách này lên một bước mới quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn… Ai cũng nhận ra điều đó.

Còn cái khó nhất, như tôi đã nói, không phải các vấn đề kỹ thuật. Đây là vấn đề rất lớn, nó động chạm đến vấn đề ý thức hệ, vấn đề tư duy.  Làm đến đâu, có thực sự là cuộc cải cách mạnh mẽ với những bước đột phá hay chỉ là những cái tạm gọi là cải cách nhưng nó chậm chạp, thiếu lực như những năm qua? Cái khó thứ hai, đó là liệu chúng ta có đủ bản lĩnh, ý chí xử lý lợi ích các nhóm xã hội khác nhau. Với cải cách luôn có người được lợi nhưng cũng có nhóm thiệt hại. Làm sao chúng ta tạo được sự đồng thuận?. Làm sao có thể vượt qua?. Điều này đòi hỏi cả bộ máy và tất cả chúng ta đều phải vào cuộc.

- Xin cám ơn ông!

Thanh Lan (thực hiện)

Đọc thêm