Những giai thoại khó tin về vị Hoàng đế theo đuổi giấc mộng trường sinh (Tiếp theo)

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 246 trước Công nguyên, Tần Thủy Hoàng bắt đầu tiến hành xây dựng nơi an nghỉ dành cho mình. Quá trình xây lăng tẩm kéo dài gần nửa thế kỷ...
Tần Thuỷ Hoàng - Vị Hoàng đế cả đời theo đuổi giấc mộng trường sinh bất lão, thọ cùng trời đất (ảnh minh hoạ).
Tần Thuỷ Hoàng - Vị Hoàng đế cả đời theo đuổi giấc mộng trường sinh bất lão, thọ cùng trời đất (ảnh minh hoạ).

Trải qua hơn 38 năm ròng rã, lăng mộ của ông mới hoàn thiện và được xem như một lăng tẩm đế vương có quy mô lớn nhất, kết cấu kỳ lạ nhất đồng thời cũng sở hữu nội hàm phong phú nhất trong lịch sử Trung Hoa.

Cho tới ngày nay, nơi đây vẫn là một địa danh chưa được hậu thế khám phá toàn bộ vì nhiều lý do khác nhau. Bởi vậy mà xung quanh nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng vẫn tồn tại nhiều nghi án chưa có lời giải đáp.

Vị Hoàng đế cả đời theo đuổi “sự bất tử”

Câu chuyện Tần Thủy Hoàng khi còn tại vị đã luôn cố gắng tìm thuốc trường sinh không còn xa lạ với nhiều người. Có rất nhiều lý do để ông có niềm tin mãnh liệt vào sự tồn tại của thuốc trường sinh. Do vậy mà ông đã đầu tư rất nhiều nhân lực, vật lực để đi tìm thuốc trường sinh. Tần Thuỷ Hoàng đã yêu cầu các ngự y, thầy phù thuỷ và các quan lại của mình phải dốc sức tìm kiếm một thứ thuốc giúp ông thọ cùng trời đất, sống mãi với giang sơn của mình. Nhiều danh y, phương sĩ, thầy phù thuỷ không thể tìm ra phương thuốc trường sinh cho ông đã bị xử tội chết.

Thậm chí, Tần Thủy Hoàng vì muốn thử thách những bậc hiền tài, ông triệu tập 460 người vào kinh thành. Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh đào sẵn một cái hố lớn và ném họ vào đó chôn sống. Ông cho rằng nếu họ quả thực có thể “trường sinh” sẽ tự thoát thân được.

Trong “Sử Ký - Thủy Hoàng bản kỷ” có ghi lại rằng, Tần Thủy Hoàng sai một quan thần tên Từ Phúc cùng với 100 đồng nam, 100 đồng nữ đi tìm thuốc trường sinh dưới biển. Nhưng vì không tìm được thuốc và sợ sẽ bị chém đầu cho nên họ đã không quay trở lại mà đi thuyền lưu lạc đến Nhật Bản.

Từ Phúc không quay trở lại nhưng Tần Thủy Hoàng vẫn kiên định hy vọng sẽ tìm được thuốc trường sinh. Vào 4 năm sau, tức năm 215 TCN, Tần Thủy Hoàng đã tìm được Lư Sinh, một đạo sĩ người nước Yên. Lần này, Tần Thủy Hoàng phái Lư Sinh xuống biển để tìm kiếm thuốc trường sinh. Khác với Từ Phúc xuống biển tìm thuốc trường sinh thì Lư Sinh lại xuống biển để tìm hai vị thần, một người là “Cao Thệ” và một người là “Tiễn Môn”.

Tuy nhiên, cũng có truyền thuyết nói, Từ Phúc giúp Tần Thủy Hoàng tìm thuốc trường sinh và phái người mang về cho Tần Thuỷ Hoàng. Nhiều người cho rằng thứ thuốc đó là “Thái Tuế” (tên khoa học là “Nhục linh chi”), kích thước cỡ bằng hạt đào, có vị ngọt đậm. Nghe nói ăn vào đảm bảo ngàn năm bất tử thậm chí chỉ ngửi cũng có thể tăng tuổi thọ lên 3 năm 3 tháng.

Sau khi được các pháp sư tinh luyện, nó trở thành “thuốc trường sinh bất lão”. Thế nhưng thuốc trường sinh này chỉ có một viên, Tần Thủy Hoàng mặc dù rất muốn trường sinh nhưng lại sợ đó là thuốc độc, rồi cứ do dự cho đến lúc chết. Sau khi qua đời, viên thuốc đó vẫn ở trong tay ông và được chôn cất cùng thi thể trong lăng mộ.

Tương truyền, 900 năm sau, khi 60 tuổi và đang là hoàng đế của nhà Võ Chu bấy giờ, Võ Tắc Thiên cũng có nhiều điểm tương đồng với Tần Thủy Hoàng. Bà cũng là người có tài trí mưu lược kiệt xuất, làm việc gì cũng không từ thủ đoạn và đặc biệt là bà cũng có ước muốn được trường sinh bất lão. Sau khi lên ngôi, bà đã nghe được từ đạo sĩ Viên Thiên Cương rằng Tần Thủy Hoàng đã tìm được thuốc trường sinh. Lấy lý do rằng không có đủ nhân lực, vật lực mà tìm, sau đó, bà đã phái những kẻ trộm mộ đến lăng mộ của Tần Thủy Hoàng để tìm.

Quả nhiên vài tháng sau, họ đã tìm thấy và nói với Võ Tắc Thiên rằng lăng mộ của Tần Thủy Hoàng nằm ở núi Ly Sơn. Bọn họ mang những mảnh tượng nhỏ bằng gốm từ lăng mộ Tần Thủy Hoàng về và hỏi Võ Tắc Thiên về việc khai quật lăng mộ đó. Cầm trên tay những mảnh vỡ của tượng gốm, Võ Tắc Thiên ra lệnh rằng hôm sau sẽ tiến hành khai quật. Sau khi trở về hoàng cung, Võ Tắc Thiên vẫn cứ ôm những mảnh vỡ không chịu buông rồi ngủ thiếp đi.

Tần Thuỷ Hoàng ra lệnh đúc 12 bức tượng đồng để gánh đại hoạ, giúp thiên hạ thái bình (ảnh minh hoạ).

Tần Thuỷ Hoàng ra lệnh đúc 12 bức tượng đồng để gánh đại hoạ, giúp thiên hạ thái bình (ảnh minh hoạ).

Trong giấc mơ, bà đã dẫn theo quân vào lăng Tần Thủy Hoàng. Lăng mộ của Tần Thủy Hoàng lộng lẫy, quan tài của ông nằm giữa dòng sông thủy ngân. Võ Tắc Thiên bước đến và nhìn thấy thi thể của Tần Thủy Hoàng trong quan tài, hai tay đan chéo nhau nắm giữ chặt vạt áo. Bên trong bộ quần áo đó có một hộp ngọc tinh xảo đựng viên thuốc trường sinh. Sau đó, bà đã lấy viên thuốc đó để uống và được trường sinh bất lão.

Nhưng không lâu sau, nhà Lý tạo phản, bà bị cầm tù và bị dày vò khổ sở. Võ Tắc Thiên còn thấy được sự sụp đổ của nhà Đường và bản thân phải lưu đày. Bà còn bị những người muốn được trường sinh bất lão bắt lại, tra tấn ngày đêm, bị lấy máu, thử nghiệm thuốc, dù có muốn tự sát cũng không được.

Tỉnh dậy sau giấc mơ, Võ Tắc Thiên nhìn những mảnh vỡ của những bức tượng nhỏ bằng gốm trong tay. Cuối cùng bà cũng hiểu vì sao Tần Thủy Hoàng không uống viên thuốc này. Sau đó, bà không nhắc lại việc khai quật lăng mộ của Tần Thủy Hoàng nữa. Hơn nữa, trước khi chết, bà đã trả lại ngôi vị cho nhà họ Lý.

Đúc 12 bức tượng đồng để “gánh đại họa”

Là người tin vào giấc mộng “bất tử” và cũng tin tưởng vào thần linh, tương truyền, khi Tần Thuỷ Hoàng mới lên ngôi, một trong những việc đầu tiên là ra lệnh tịch thu vũ khí trong thiên hạ và đúc “thập nhị đồng nhân” (12 người đàn ông bằng đồng) để trấn giữ ở Hàm Dương, Thiểm Tây. 12 người đàn ông bằng đồng này đứng trước sảnh cung A Phòng ở Hàm Dương, kinh đô của nhà Tần. Theo mô tả, những người này mặc trang phục ngoại lai. Mỗi bức tượng đều rất to và nặng, ngày đêm canh giữ cung điện của vua Tần.

Có một số tài liệu đã ghi lại rằng những bức tượng này thậm chí cao hơn 8 mét. Nhưng trước hết, câu hỏi lớn nhất được đặt ra là tại sao Tần Thủy Hoàng lại đúc thập nhị đồng nhân? Lý giải cho thắc mắc này, có nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó có 3 giả thuyết được ủng hộ nhiều nhất. Thứ nhất, do vua Tần tin vào thần linh.

Theo sử sách, Tần Thủy Hoàng là người có niềm tin vào thế lực siêu nhiên. Ông từng cầu bất tử, tin vào lời của các nhà giả kim, dốc hết sức lực tìm kiếm thuốc trường sinh. “Hán thư - Ngũ hành chí” có ghi: “Vua Tần từng chiêm bao có một người chân dài 5-6 thước đến báo mộng. Người này nói rằng nếu có 12 bức tượng đồng, thì chúng có thể gánh đại họa, giúp thiên hạ thái bình”. Ngay sau giấc mơ này, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh thu hồi binh khí để đúc 12 bức tượng khổng lồ.

Thứ hai, những bức tượng đồng này được đúc để bảo vệ giang sơn. Có người cho rằng sau khi thống nhất đất nước, Tần Thủy Hoàng luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để duy trì sự ổn định lâu dài và làm cho đất nước trường tồn. Để bảo đảm sự yên bình, vấn đề đầu tiên cần giải quyết là thu giữ và tiêu hủy các loại vũ khí nằm rải rác trong nhân dân.

Thứ ba, để thay thế vũ khí trong tương lai. Một số học giả cũng tin rằng việc Tần Thủy Hoàng tiêu hủy vũ khí và đúc đồ đồng là để chuẩn bị cho việc sử dụng đồ sắt trong tương lai. Khi Tần Thủy Hoàng thống nhất thiên hạ, ông đã kiên quyết loại bỏ vũ khí bằng đồng và thay thế bằng đồ sắt. Tuy nhiên, một số người đã bác bỏ vì không có căn cứ trong thực tế.

Dù có nhiều tranh cãi xoay quanh 12 bức tượng, song, thực hư về số tượng này vẫn chưa thể giải mã. Cho đến nay, chưa ai có thể tìm ra dấu vết của thập nhị đồng nhân. Một số người tin rằng sau khi nhà Tần bị diệt vong, cung A Phòng bị đốt cháy, những bức tượng này theo đó cũng bị thiêu rụi. Lập luận này bắt đầu từ thời nhà Nguyên và nhà Minh, nhưng bằng chứng lại không đủ thuyết phục.

Một số nhà sử học chỉ ra rằng 12 bức tượng này đã bị tiêu diệt trong tay của Đổng Trác và Phù Kiên. Theo đó, Đổng Trác đã phá hủy 10 trong số 12 bức tượng và đúc chúng thành tiền đồng. Sau đó ông ta ra lệnh chuyển 2 bức còn lại đến Trường An. Sau một thời gian lưu lạc khắp nơi, 2 bức tượng cuối cùng cũng bị tiêu hủy.

Một quan điểm khác lạc quan hơn cho rằng thập nhị đồng nhân được mang xuống lăng mộ cùng các bảo vật tinh xảo khác và trở thành đồ tùy táng của Tần Thủy Hoàng. Hiện tại, việc khai quật lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn chưa thể thực hiện nên tung tích của 12 bức tượng vẫn là một bí ẩn chưa được giải đáp.

Kho báu trong lăng mộ

Lăng mộ Tần Thủy Hoàng ngày nay nằm ở phía Bắc núi Ly Sơn, thuộc huyện Lâm Đồng, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Cho tới hiện tại, công trình kiến trúc này vẫn chưa được khai quật hoàn toàn. Các cuộc thám hiểm khảo cổ hiện tại mới chỉ tập trung vào các địa điểm khác của nghĩa địa rộng lớn bao quanh lăng mộ, bao gồm cả một số đường hầm binh mã.

Tuy nhiên thông qua sự trợ giúp các công nghệ hiện đại, giới khảo cổ không chỉ nắm được kết cấu cả công trình dưới lòng đất của lăng mộ mà còn phát hiện ra nơi đây có chôn cất một số lượng tiền tệ khổng lồ, trong đó đa số là tiền đồng. Phát hiện này không chỉ khiến cho các chuyên gia ngạc nhiên mà còn làm hậu thế chấn động. Đa số các ý kiến đều cho rằng, số tiền khổng lồ kia rất có thể là quốc khố của Tần triều khi đó, bởi lời đồn đại về việc Tần Thủy Hoàng được mai táng chung với quốc khố vốn đã được lưu truyền từ nhiều đời.

Thế nhưng mọi suy đoán của người đời về số kho báu khổng lồ nằm dưới lòng đất ở nơi đây vẫn chỉ dừng lại ở giả thuyết bởi lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng vẫn chưa được khai quật toàn bộ. Thậm chí ngay cả khi không chôn theo quốc khố Tần triều, thì bản thân khu lăng mộ này đã được xem là một nơi cất giữ kho báu.

Các học giả hiện đại tin rằng lăng mộ Tần Thủy Hoàng rất có thể đã lưu giữ nhiều bảo vật thất truyền, mà tiêu biểu phải kể tới 12 tượng đồng nhân được đúc từ các loại binh khí trong thiên hạ, bảo kiếm trấn quốc mang tên Thái A, hay ngọc Tùy Hầu nổi tiếng sánh ngang với ngọc Hòa Thị Bích.

Các pháp sư tinh luyện thuốc trường sinh bất lão.

Các pháp sư tinh luyện thuốc trường sinh bất lão.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng lăng mộ Tần Thủy Hoàng được xem là lăng tẩm đế vương sở hữu kết cấu hết sức kỳ lạ với hình dạng gần giống như một kim tự tháp. Thế nhưng khác với kết cấu bậc thang 3 tầng của các công trình Kim tự tháp thông thường khác, lăng Tần Thủy Hoàng có tới 9 tầng với quy mô được đánh giá là còn lớn hơn cả Kim tự tháp Khufu của nền văn minh Ai Cập.

Điều đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, kết cấu 9 tầng này lại vô tình trùng khớp với “yêu tháp 9 tầng”, mà mỗi tầng đều có yêu ma quỷ quái thường được nhắc tới trong các giai thoại Trung Hoa cổ đại. Cũng bởi lăng mộ Tần Thủy Hoàng cho tới ngày nay vẫn chưa được khám phá hết, hơn nữa lại từng xuất hiện nhiều lời đồn đoán ly kỳ và rùng rợn, cho nên giai thoại về tòa tháp yêu ma 9 tầng ở nơi đây vẫn thường là một trong những chủ đề bàn tán của hậu thế.

Ngoài ra, theo ghi chép của “Tam phụ cố sự”, năm xưa sau khi nhập quan, Hạng Vũ đã dẫn theo 300.000 người tới đào bới lăng mộ của Tần Thủy Hoàng. Tương truyền rằng trong lúc đào mộ, nhóm người này đột nhiên nhìn thấy một con chim nhạn bằng vàng vụt ra ngoài, cứ hướng về phía Nam mà bay mất. Người thời bấy giờ đã xem đây là một điềm báo, thậm chí có người còn cho rằng đó là lời cảnh cáo cho việc Hạng Vũ đem người tới quấy phá giấc ngủ của Hoàng đế.

Chưa dừng lại ở đó, câu chuyện Tây Sở Bá vương đào mộ Tần Thủy Hoàng sau đó còn phát sinh thêm một sự kiện trùng hợp tới khó tin. Năm xưa khi thiên hạ đại loạn vào cuối thời nhà Tần, đoàn quân tinh nhuệ của Tần triều vốn là nguyên mẫu cho đội quân đất nung đã đột nhiên biến mất. Điều kỳ lạ lại nằm ở chỗ, tung tích hiếm hoi của đội quân này lại vô tình được tìm thấy trong các giai thoại dã sử về cái chết của Tây Sở Bá vương.

Cụ thể, tại cuộc chiến quyết định giữa Hán - Sở ở Cai Hạ, trong số 60 vạn quân Hán thì có 5 nhân vật đã may mắn được phong tước hầu nhờ một chiến công không lấy gì làm vẻ vang. Họ đều đã tham gia xâu xé thi thể của Hạng Vũ bên bờ Ô Giang để dâng được 5 mảnh xác lên cho Lưu Bang. Trùng hợp là cả 5 người này đều xuất thân là người nước Tần, đều đến từ Quan Trung và đều là những binh lính cũ trong đội quân Tần triều ở kinh sư. Điều này đồng nghĩa với việc họ cũng là một trong số các nguyên mẫu của những bức tượng binh mã trong mộ của Hoàng đế Tần Thủy Hoàng.

Chính sự trùng hợp đến kỳ lạ ấy đã khiến người thời bấy giờ không khỏi hoài nghi rằng, phải chăng sự thất bại của Tây Sở Bá vương phần nào bắt nguồn từ việc ông đã xâm phạm nơi an nghỉ của Tần Thủy Hoàng, và việc thi thể ông bị 5 kẻ kia phanh thây có khi nào cũng là sự trả thù đến từ “lời nguyền” của đội quân đất nung?

Cho tới ngày nay, lăng mộ Tần Thủy Hoàng vẫn được xem là một nơi cất giấu nhiều bí mật chưa có lời giải đáp trong lịch sử Trung Hoa. Và có lẽ chỉ tới khi công trình này được khám phá toàn bộ, hậu thế mới có được lời giải đáp chính xác cho những bí ẩn tưởng chừng như đã bị lịch sử vùi chôn vĩnh viễn ấy.

Đọc thêm