Đó cũng chính là 5 khủng hoảng mà những trẻ em di cư phải đối mặt và cũng là vấn đề mà nhiều tổ chức, nhiều quốc gia trên thế giới đang tìm cách giải quyết triệt để.
Từ khủng hoảng về sức khỏe tâm thần...
Henna Deol làmột tình nguyện viên đã nhiều năm gắn bó với trẻ e tị nạn từ 21 quốc gia trên toàn thế giới. Công việc của Henna Deol là một cố vấn học tập và giải đáp các vấn đề cá nhân của trẻ em tị nạn tại Anh.
Từ những gì tận mắt đã chứng kiến, hơn ai hết Henna Deol hiểu được những thách thức, khủng hoảng mà trẻ em và thanh niên tị nạn phải đối mặt khi họ buộc phải rời khỏi ngôi nhà, hàng xóm và quê hương. Henna Deol đã chia sẻ về 5 khủng hoảng lớn nhất mà trẻ em di cư phải đối mặt.
Thứ nhất, về sức khỏe tâm thần, Henna Deol nhận định rằng, trong khi đa phần các tổ chức và nhiều người đang rất chú trọng đến sức khỏe thể chất và phục hồi chức năng thì trạng thái tinh thần của trẻ em thường bị bỏ qua. “Khi vấn đề bị phớt lờ, bản thân vấn đề sẽ trở nên trầm trọng hơn và có thể ảnh hưởng đến phần đời còn lại của trẻ”, Hanna Deol viết.
Người ta ước tính rằng 50% trẻ em tị nạn chạy trốn khỏi Syria bị“Rối loạn căng thẳng” sau chấn thương tâm lý do những nỗi kinh hoàng mà họ đã chứng kiến hoặc trải qua, tuy nhiên, chỉ 5% trong số chúng có được “suất” tái định cư ở Lebanon, Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ được hỗ trợ tâm lý.
Cuộc khủng hoảng người tị nạn toàn cầu là một thảm họa về sức khỏe tâm thần. Cho đến nay, các chuyên gia sức khỏe tâm thần ở các quốc gia tiếp nhận người tị nạn đang phải vật lộn để giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em tị nạn và xin tị nạn. Hy Lạp đã chứng kiến số lượng người mới đến chưa từng có kể từ năm 2016, do ngày càng có nhiều người tị nạn đi qua nước này (Kitsantonis, 2019). Tuy nhiên, trong cùng thời kỳ, Tổ chức Bác sĩ không biên giới chỉ có 20 nhà tâm lý học thực địa làm việc với khoảng 53.000 người tị nạn ở Hy Lạp (Dedman, 2016).
|
Sự thiếu hụt nghiêm trọng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em tị nạn, cả khi quá cảnh và ở nước mà chúng tới sinh sống. Henna Deol cho rằng, vấn đề sức khỏe tâm thần của trẻ em tị nạn cần phải được giải quyết khẩn cấp để trả lại cho các em điều mà chúng vô cùng xứng đáng nhất: Một tuổi thơ không phải lo lắng.
Hãy tưởng tượng bạn 9 tuổi và phải đến một đất nước hoàn toàn mới, có thể là một đất nước mà bạn không biết ai hoặc cũng chẳng hiểu thứ ngôn ngữ mà người bản địa đang nói. Kinh dị phải không? Và khi đó câu hỏi “Tôi thuộc về đâu?” xuất hiện một cách nghiễm nhiên trong tâm tưởng mỗi đứa trẻ tị nạn. Đó là khủng hoảng thứ hai mà những đứa trẻ tị nạn phải đối mặt.
Đây là thực tế đáng sợ đối với hàng triệu trẻ em tị nạn, những người không tìm thấy mình ở một đất nước mới, bởi chúng đối mặt với sự bị cô lập và đơn độc.
Để trẻ em cảm thấy được hòa nhập vào ngôi nhà mới của mình, trường học và cộng đồng nên kết hợp các chương trình thúc đẩy sự hòa hợp giữa trẻ em đến từ các nơi khác nhau và giúp chúng tìm hiểu về nền văn hóa của nhau. Những bước nhỏ như vậy sẽ ngăn chặn sự loại trừ của xã hội và giúp những đứa trẻ tị nạn sớm thích nghi với cuộc sống mới dễ dàng hơn.
...tới những mong muốn đơn thuần
Chia ly là một thử thách khủng khiếp mà bất cứ đứa trẻ nào khi đối mặt cũng thấy thực sự tệ hại và không thể lường trước được những gì sẽ xảy đến với bản thân khi ở một mình. Mọi điều tồi tệ có thể ập đến bất ngờ và khả năng cao chính bản thân chúng còn không cảm nhận được đó là nguy hiểm. Bởi chúng còn quá non trẻ, không đủ hiểu biết để nhận định hết được những hiểm nguy quanh mình.
Theo thống kê, có khoảng 100.000 trẻ em dưới 18 tuổi đã thực hiện một cuộc hành trình không có người thân đi kèm đến châu Âu để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Đặt mình vào vị trí của một đứa trẻ - bạn có thể tưởng tượng bạn đang đi du lịch hàng nghìn dặm, sợ hãi và xa lạ với môi trường xung quanh mà không có sự bảo vệ của cha mẹ? “Gia đình tôi ở đâu?” - câu hỏi khiến bất cứ ai được nghe cũng cảm thấy xót thương cho những đứa trẻ tị nạn.
“Còn nhiều việc phải làm để giúp đỡ những đứa trẻ này. Nếu không có sự hỗ trợ, họ có nguy cơ bị buôn bán và lạm dụng khi họ tiếp tục tự chống chọi với bản thân. Trong thời điểm hỗn loạn như vậy đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi xung đột trên toàn thế giới, bạn không thể tưởng tuộng được cuộc sống của chúng đã bị đảo lộn như thế nào”, Henna Deol chia sẻ.
“Tại sao tôi không thể đi học lại?” có lẽ là câu hỏi mà những đứa trẻ di cư luôn mong muốn được trả lời và đáp ứng nguyện vọng tới trường. Giáo dục, đối với bất cứ đứa trẻ nào cũng là chìa khóa cho một tương lai thành công.
Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) ước tính rằng chỉ có 50% trẻ em tị nạn có trình độ học vấn tiểu học, trái ngược với tỷ lệ trung bình toàn cầu là 90%. Tác động của giáo dục ảnh hưởng đến trẻ em gái nhiều hơn trẻ em trai. Nếu tất cả trẻ em gái ở châu Phi cận Sahara (khu vực có nhiều người tị nạn) được học đến cấp trung học thì tình trạng tảo hôn sẽ giảm 2/3 và 59% trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ được ngăn chặn.
Giáo dục cả trẻ em gái và trẻ em trai là con đường tốt nhất để dẫn đến những thành công lâu dài cho một quốc gia. Nếu tất cả những người trẻ tuổi đều được giáo dục, cùng nhau hy vọng thì các em chính là những người có thể xây dựng lại đất nước mà chúng đã bắt buộc phải bỏ lại phía sau.
Và khi phải sống giữa những cô đơn, bị kỳ thị, ruồng bỏ thì mong muốn không bao giờ ngừng xuất hiện trong tâm trí của những trẻ em tị nạn là: “Khi nào tôi có thể về nhà?”. Mong muốn này cũng là một trong những khủng hoảng mà trẻ em tị nạn phải đối mặt.
Sự thay đổi bên trong tạo ra một loạt thách thức khác nhau khi những người tị nạn nói chung và trẻ em di cư nói riêng khi buộc phải chạy trốn đến một khu vực khác. Khi sống giữa một môi trường mới xa lạ, không được bao bọc và trở che như đã từng thì mong muốn được về nhà, được sống trong vòng tay của người thân luôn là ước mong của hầu hết mọi đứa trẻ tị nạn.
Ở châu Phi vào năm 2015, trong số 3,5 triệu người di dời mới, 1,5 triệu người là do thảm họa môi trường gây ra. Những vấn đề mà trẻ em phải di tản trong nước phải đối mặt khác với những trẻ trở thành người tị nạn. Bởi các quốc gia có thể có sự khác biệt lớn về văn hóa và ngôn ngữ đến mức việc thích ứng với tình hình mới càng trở nên khó khăn hơn.
Nếu trẻ em tị nạn sống tại một quốc gia mà hạn chế sự giúp đỡ quốc tế thì những điều khủng khiếp các em nhận phải còn đáng sự hơn. Việc phải đối mặt với những bất định về tương lai, khiến nhiều đứa trẻ mong muốn được trở lại quê hương. Số ít tìm được niềm hạnh phúc ở một quốc gia xa lạ.