“Bóng ma” chiến tranh
Tổ chức nhân đạo Cứu trợ Trẻ em - Save the Children năm 2019 đã đưa ra một báo về việc rất nhiều trẻ em tại trại tị nạn Al Hol ở miền Đông Bắc Syria có biểu hiện rối loạn tâm lý. Những đứa trẻ tị nạn này thường xuyên mang cảm giác lo âu, hay gặp ác mộng, và nhiều em có hành vi quá khích. Những nỗi ám ảnh này thường xuyên bắt gặp ở các em trong độ tuổi từ 10-14.
Theo tổ chức Save the Children, những trẻ em chạy trốn khỏi các khu vực bị lực lượng khủng bố chiếm đóng nhiều khả năng đã phải chứng kiến “những hành vi giết người man rợ, phải sống trong cảnh mưa bom đạn lạc và bần cùng”. Bởi vậy rất nhiều em cần được điều trị sức khỏe tâm thần lâu dài cũng như cần được hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội để có thể xóa bỏ những ký ức kinh hoàng đó.
Tại trại tị nạn Al Hol, một cô bé 11 tuổi (giấu tên) chưa bao giờ quên những ký ức kinh hoàng khi sống dưới sự cai trị của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS. Cô bé đã tận mắt chứng kiến nhiều hành vi bạo lực như chặt đầu, đánh đập của lực lượng IS. Cậu anh trai khi vừa tròn 17 tuổi của cô bé đã bị lực lượng này bắt giữ và gia đình chưa một lần nào gặp lại nhau.
“Chúng đốt rụi nhà để gia đình cháu không có chỗ ở. Dưới sự cai trị của IS, chúng cháu không được đến trường, không được học hành. Chúng tăng giá bán lương thực, vì vậy chúng cháu ai cũng đói. Mỗi khi chúng phát hiện một phụ nữ nào nói chuyện với nam giới thì chúng sẽ ném đá vào họ. Chúng chặt đầu tù nhân ngay trước mặt gia đình họ. Cháu luôn cố gắng tránh nhìn các vụ chặt đầu. Cháu thường trốn sau lưng mẹ”, cô bé kể lại với các nhân viên của Save the Children.
Việc phải sống dưới một chế độ tàn bạo, hà khắc đã khiến cho những đứa trẻ Syria phải trải qua cảnh thường xuyên bị bỏ đói, không chăm sóc y tế, giáo dục. Khi được tiếp nhận ở các trại tị nạn, hầu hết những đứa trẻ này đều rơi vào tình trạng hết sức bi đát cả về thể chất lẫn tinh thần.
Trẻ em Syria tại một trại tị nạn ở Lebanon(Ảnh: Save the Children). |
Tổ chức Save the Children đã tạo dựng những không gian vui chơi cho trẻ, cùng một trung tâm tiếp nhận những đứa trẻ không có người giám hộ tại trại tị nạn Al Hol. Những đứa trẻ khi tiếp xúc với nhân viên của các tổ chức nhân đạo thì đều mang tâm lý sợ hãi, không tin tưởng. Những đứa trẻ này sống khép kín, rất ít hay không muốn chia sẻ bất cứ điều gì về cuộc sống của mình trong những ngày ở quê nhà.
“Các em thường thu mình và gặp khó khăn trong việc hòa nhập. Khi màn đêm buông xuống, các em thường sợ hãi vì với các em, bóng đêm đồng nghĩa với các cuộc không kích và pháo kích. Các em vẫn chưa thể tách biệt những ký ức kinh hoàng đó với một thực tế là mình đang ở trại tị nạn-nơi không còn bất kỳ cuộc giao tranh nào nữa”, nhân viên tên Hassan của Save the Children cho biết.
Theo tổ chức phi lợi nhuận này, để đẩy nhanh việc hàn gắn vết thương chiến tranh với các em, những đứa trẻ này cần tiếp tục được hỗ trợ tâm lý “trong một môi trường an toàn”. Đoàn tụ với gia đình và giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng không kém. “Nhiều trẻ em tại Al Hol từng phải cùng gia đình chạy nạn hết lần này đến lần khác.
Nhiều em chạy đến đây chỉ có một mình. Các em phải sống nay đây mai đó. Cảm giác mái ấm gia đình, sự gắn bó với quê hương đã không còn. Các em phải đứt gánh chuyện học hành, không được chăm sóc dinh dưỡng đầy đủ trong nhiều tháng, thậm chí hàng năm trời”, Sonia Khush (Giám đốc phụ trách địa bàn Syria của Save the Children) nhấn mạnh.
Theo thống kê của Save the Children, tại các trại tị nạn Al Hol, Ain Issa và Roj ở miền Đông Bắc Syria, hiện có hơn 2.500 trẻ em thuộc 30 quốc gia khác nhau, trong đó có 40 em không có người giám hộ. “Cần có thêm nhiều sự hỗ trợ hơn nữa nhằm giúp các em sớm ổn định tâm lý.
Việc này bao gồm viện trợ tài chính, tạo điều kiện để các em được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc, bảo vệ chính mình, và hồi hương những trẻ em người nước ngoài”, AFP dẫn lời Giám đốc Sonia Khush đề xuất.
Cần môi trường tốt để thay đổi cuộc đời
Trong bối cảnh đó, báo cáo của Save the Children phát hiện, sau 10 năm nổ ra chiến tranh, đa phần trong số 1.900 trẻ em Syria tuổi từ 13-17 được khảo sát không hình dung được tương lai của chúng ở đất nước mình. Có tới 86% trẻ em tị nạn Syria ở Jordan, Lebanon, Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan cho biết không muốn trở về quê hương, trong khi cứ 3 em phải di tản bên trong Syria thì có một em muốn sống ở một quốc gia khác. Ðã có khoảng 6,6 triệu trẻ em Syria bị buộc chạy tị nạn ở nước ngoài và 6,1 triệu trẻ khác lánh nạn trong nước.
Khi Save the Children tổ chức khảo sát thì đã có nhiều trẻ em tị nạn nói lên tầm quan trọng của việc được tiếp cận một nền giáo dục tốt. Nada (17 tuổi) sinh ra ở Syria nhưng hiện tại đang sống tại tỉnh Akkar, phía Bắc Lebanon bày tỏ: “Ước mơ của em là trở thành bác sĩ nhưng em không được đi học. Em ước được đến trường và được như các anh chị em mình. Em không muốn quay lại và sống ở Syria một lần nữa. Em cũng không muốn ở lại Lebanon. Nếu chúng em đến trường, họ bắt nạt chúng em và nói với chúng em rằng họ không muốn nhìn thấy chúng em”.
Ngược lại, 70% trẻ em Syria tị nạn ở Hà Lan nhìn thấy một tương lai tích cực và tất cả những em tham gia khảo sát đều được đến trường. Những đứa trẻ sống tại Hà Lan được tiếp xúc với giáo dục, được tự do. Đây là những điều mà những đứa trẻ tị nạn khó được tiếp cận khi sống trên quê hương Syria.Ða số trẻ muốn ở lại Hà Lan là vì chúng được tiếp cận với ngôn ngữ mới, được giáo dục đầy đủ, có cơ hội kinh tế và được tự do.
Do đó, Save the Children kêu gọi tất cả các bên liên quan ra sức bảo vệ trẻ em Syria khỏi bạo lực thể chất và tinh thần. Theo tổ chức này, trẻ em Syria có quyền được lớn lên trong một môi trường mà các em không phải lo sợ về sự an toàn của bản thân, không bị buộc sống trong cảnh bấp bênh và sợ hãi cũng như không bị phân biệt đối xử.
Jeremy Stoner (Giám đốc khu vực Trung Ðông và Ðông Âu của Save the Children) bày tỏ: “Dù ở trong hay ngoài lãnh thổ Syria, trẻ em bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột này vẫn đang phải vật lộn để cảm thấy như ở nhà nơi chúng đang ở. Cuộc chiến kéo dài 10 năm này đã cướp đi tuổi thơ của những người trẻ Syria, dẫn đến nỗi sợ hãi và bi quan về khả năng xây dựng cuộc sống tương lai của chúng. Tuy nhiên, thế giới không nên cho phép chiến tranh cướp đi tương lai của chúng. Trẻ em cần cảm thấy an toàn, chúng cần cảm thấy rằng chúng được kết nối với cộng đồng mình đang sống”.