Những lễ hội đặc sắc trong tháng 2 Âm lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Có 7 lễ hội lớn trên khắp cả nước sẽ diễn ra trong tháng 2 âm lịch.
Chùa Trầm tâm linh cổ kính của xứ Đoài (Ảnh: Báo Xây dựng)
Chùa Trầm tâm linh cổ kính của xứ Đoài (Ảnh: Báo Xây dựng)

1. Lễ hội Chùa Trầm (2/2)

Lễ hội chùa Trầm diễn ra vào mùng 2/2 âm lịch hàng năm, thuộc địa phận xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội khoảng 25 km. Người dân tới lễ chùa Trầm để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho cuộc sống an lành, thịnh vượng.

Hội chùa Trầm xưa mang đậm nét văn hoá dân tộc với những trò chơi dân gian: đu tre, rối nước, cờ tướng, leo cột mỡ, đánh vật, chọi gà… và cả lễ rước ảnh Bác gắn với dấu ấn lịch sử khi Bác Hồ nhiều lần về thăm và làm việc tại nơi đây.

Chùa Trầm được xây dựng vào thế kỷ XVI, do một vị tướng quân xuất gia lập nên. Ngôi chùa mang tên ngọn núi mà nó dựa vào “Tử Trầm sơn”.

Người dân thắp hương trong miếu Ông Địa (Ảnh: blog.mytour.vn)

Người dân thắp hương trong miếu Ông Địa (Ảnh: blog.mytour.vn)

2. Hội miếu Ông Địa (2/2)

Miếu Ông Địa được xây dựng từ đầu thế kỷ 19 và từng được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1852. Hàng năm lễ hội diễn ra vào ngày 2/2 âm lịch là ngày vía Thổ địa Phúc Đức Chính Thần. Hội miếu Ông Địa có địa chỉ 125 đường Lê Lợi, phường 3, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh.

Đây là lễ hội tiêu biểu cho các lễ hội miếu ở TP Hồ Chí Minh và Nam bộ với các nghi thức: “gióng trống khai trang” thông báo vào lễ, “mời trầu” bằng điệu hát bóng rỗi để thỉnh thần về dự lễ, diễn tuồng hài “Địa Nàng” với nhân vật ông Địa và nàng tiên mang nội dung phê phán thói hư tật xấu trong xã hội hương thôn xưa.

Lễ hội kén rể năm 2023 (Ảnh: plo.vn)

Lễ hội kén rể năm 2023 (Ảnh: plo.vn)

3. Lễ hội kén rể (2/2)

Lễ hội kén rể thôn Đường Yên, xã Xuân Nội, huyện Đông Anh, TP Hà Nội có từ ngàn xưa, được tổ chức vào ngày 2/2 Âm lịch và được phục dựng lại từ năm 2001 sau 60 năm thất truyền.

Theo truyền thuyết dân gian và thần phả của đình thì bà Lê Hoa là một danh tướng của Hai Bà Trưng và là người có công chữa bệnh cho dân làng Đường Yên được dân làng tôn vinh thờ phụng. Chuyện kể rằng khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc Đông Hán (năm 40-43) thì ở làng Đường Yên có bà Lê Hoa (còn gọi là Ả Lự) tuổi 17-18 vẫn chưa lấy chồng, tình nguyện đi theo Hai Bà Trưng.

Sau đó bà Lê Hoa chiêu mộ quân sĩ ở các nơi và về Đường Yên làm lễ khao quân vào ngày 25 tháng chạp. Sau khi Hai Bà Trưng thắng trận lên ngôi vua, hai bà phong tước cho bà Lê Hoa là “Nữ sử anh phong”, “Tuệ tĩnh phu nhân”. Khi đất nước thanh bình bà Lê Hoa vinh qui bái tổ về làng Đường Yên thì “kiếm gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Vì là nữ tướng nên khi nước nhà không còn khói lửa đao binh thì phải làm tròn bổn phận của người con gái là đi lấy chồng. Và lễ hội “kén rể” ra đời từ đó.

Dinh Cô, nơi diễn ra Lễ hội Dinh Cô Long Hải (Ảnh: mia.vn)

Dinh Cô, nơi diễn ra Lễ hội Dinh Cô Long Hải (Ảnh: mia.vn)

4. Lễ hội Dinh Cô Long Hải (10/2)

Lễ hội Dinh Cô Long Hải được ngư dân ở thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức rất long trọng theo nghi thức cổ truyền vào 3 ngày từ ngày 10 đến ngày 12 tháng 2 âm lịch hàng năm.

Lễ hội Dinh Cô (còn gọi là vía Cô), là một trong những lễ hội nước lớn nhất của ngư dân vùng biển Nam bộ. Lễ hội này thuộc loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu - Nữ thần, cũng là sự kết hợp của Lễ hội cầu ngư với tục thờ cúng Thần biển (Bà Thủy Long, cá voi).

Tương truyền cách đây 2 thế kỷ, một trinh nữ tên Lê Thị Hồng (tục danh Thị Cách), quê ở Tam Quan (Bình Định) hay theo cha vào vùng Bà Rịa, Gò Công buôn bán và rất yêu cảnh, mến người, không muốn rời xa vùng đất phía Nam.

Cô giàu lòng nhân ái, nhưng chẳng may bị lâm nạn tại Hòn Hang trong một lần theo cha ra biển. Khi đó, Cô vừa tròn 16 tuổi. Ngư dân địa phương đã chôn cất Cô trên đồi Cô Sơn và lập miếu thờ ngoài bãi biển. Sau nhiều năm, Cô về báo mộng giúp dân làng vượt qua nhiều khó khăn, dịch bệnh, giúp đỡ ngư dân có những chuyến đi biển thuận lợi, đầy tôm cá.

Đến năm 1930, để làm cho danh hiệu "Long Hải thần nữ bảo an chính trực, nương nương chi thần" thêm phần rạng rỡ, ngư dân Long Hải dời miếu Cô lên núi Kỳ Vân. Đây cũng là nơi Dinh Cô tọa lạc đến ngày nay.

Đình Bình Đông được xây dựng trên cù lao ngay nhánh rẽ của dòng Kinh Đôi. (Ảnh: blog. .mytour.vn)
Đình Bình Đông được xây dựng trên cù lao ngay nhánh rẽ của dòng Kinh Đôi. (Ảnh: blog.

.mytour.vn)

5. Lễ hội Kỳ Yên đình Bình Đông (12/02 - 13/02)

Hàng năm cứ vào độ tháng hai âm lịch, bà con trong khắp khu vực Sài Gòn Chợ Lớn (xưa) và nay thuộc các quận 8, 11, 5, 4, Bình chánh và miệt Cần Giuộc, Cần Đước - Long An; cả người Việt lẫn người Hoa lại chuẩn bị lễ vật để ngày 12 và 13 tháng hai âm đến cúng viếng đình Bình Đông.

Theo lời các vị bô lão kể lại đã lâu lắm rồi, nơi ngôi đình hiện nay, dân cư hồi đó thưa thớt làm ăn khó khăn. Một hôm, có người vớt được chiếc mão trôi trên rạch, đoán rằng của quan quân nào đó bị nạn, nên đưa lên gò và khấn vái. Lạ thay, sau đó, vùng này trúng mùa liên tục, dân làng làm ăn khấm khá qui tụ về dựng nên mái đình ngày nay. Nơi bệ thờ chính luôn luôn có những chiếc mão mới được dân làng sùng bái dâng cúng cho đến tận bây giờ.

Hàng năm lễ Kỳ Yên tự diễn ra theo nghi thức được truyền tụng như đầu lễ là Túc yết, chính lễ là Đoàn (Đàn) cả diễn ra trịnh trọng có tế thần gọi là lễ Thỉnh Sanh. Trong lễ có chánh bái bồi bái, học trò lễ, đào thái theo chiêng trống, kèn của nhạc mà hành lễ. Tiếp có lễ “hát bội” trước là lễ hầu thần, sau phục vụ bà con đến chiêm bái. Lệ này diễn ra hàng năm vào ngày 12 và 13 tháng 2 âm lịch.

Điện thờ Quốc Mẫu Tây Thiên (Ảnh:vanhoanghethuat.vn)

Điện thờ Quốc Mẫu Tây Thiên (Ảnh:vanhoanghethuat.vn)

6. Lễ hội Tây Thiên Vĩnh Phúc (15/2 - 17/2)

Lễ hội Tây Thiên được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ Quốc mẫu Lăng Thị Tiêu, Chính Vương phi của Hùng Chiêu Vương thứ VII, người có công lớn trong việc giúp vua Hùng mở mang bờ cõi, dạy dân trồng lúa nước, chiêu mộ quân sĩ, xây dựng đất nước.

Lễ hội Tây Thiên là một trong những lễ hội truyền thống lớn tại Việt Nam, được tổ chức hàng năm tại Khu du lịch Tây Thiên, thuộc xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Đây là một trong những sự kiện văn hóa đặc sắc của tỉnh Vĩnh Phúc, thu hút hàng nghìn du khách đến tham quan và tham gia mỗi năm.

Lễ hội Quán Thế Âm - Biểu tượng văn hóa và du lịch Đà Nẵng (Ảnh: mytour.vn)

Lễ hội Quán Thế Âm - Biểu tượng văn hóa và du lịch Đà Nẵng (Ảnh: mytour.vn)

7. Lễ hội Quán Thế Âm (19/2)

Lễ hội Quan Thế Âm được tổ chức tại chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng - một điểm du lịch nổi tiếng tại Đà Nẵng. Chùa này nằm trong khu du lịch Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Lễ hội Quan Thế Âm Đà Nẵng diễn ra vào ngày 19/2 Âm lịch hàng năm và kéo dài trong 3 ngày với phần lễ và phần hội. Lễ hội Quán Thế Âm đóng góp nhiều vào bản sắc văn hóa và tâm linh của khu vực.

Năm 1960, vào dịp kỷ niệm khánh thành tượng Quán Thế Âm Bồ Tát tại động Hoa Nghiêm trên núi Thủy Sơn, lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức lần đầu. Lễ hội này có nguồn gốc từ lễ vía của Đức Phật Quan Thế Âm. Năm 1962, khi chùa Quan Âm Đà Nẵng được khánh thành, lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức lần thứ hai. Sau một thời gian tạm dừng, lễ hội Quán Thế Âm đã được tái khôi phục vào năm 1991 và diễn ra đều đặn kể từ đó.

Đọc thêm