Ở TP.Hồ Chí Minh, giới nghệ sĩ rất “choáng” bởi khu nhà vườn trị giá hơn 40 tỷ đồng của nhà thiết kế Sỹ Hoàng. Điểm nhấn của toàn bộ khu nhà vườn là những gian nhà cổ làm từ gỗ quý. Các căn nhà đều gắn kết bằng kỹ thuật ghép mộng chứ không dùng đinh. Khu nhà dài với lối kiến trúc nhà truyền thống Việt Nam do 60 nghệ nhân làng mộc Kim Bồng của Quảng Nam thực hiện liên tục trong 30 ngày đêm.
Mái nhà được lợp ngói 9 lớp theo kiểu dân gian, có thể giữ ấm trong những ngày lạnh và giữ mát trong ngày nóng. Nhưng điều khiến nhiều người ngạc nhiên và nể hơn là trong những bộ sưu tập đồ cổ, trội nhất của anh là hơn 1.000 chiếc bánh xe bò, xe ngựa bằng gỗ. Nó được anh sắp đặt theo ngẫu hứng, ý tưởng của anh và với con số khổng lồ như thế, nó thể hiện anh là một người chịu chơi và chịu chi.
Ở Bình Dương có một ông chủ khác rất chịu chơi đồ cổ và ông cũng từng lặn lội nhiều tỉnh miền Đông và miền Tây Nam bộ để tìm bánh xe gỗ. Đó là ông Trần Văn Trí, ngụ tại ấp Hoà Long (xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An). Thời gian “say” bánh xe, ông Trí hy sinh rất nhiều thứ và bỏ hàng trăm triệu đồng “rước” về đầy nhà, đến nỗi nhiều người bảo ông bị thâm thần.
Thế nhưng chẳng vì thế mà ông từ bỏ đam mê của mình. Ông từng nói: “Tôi là con của miền Nam bộ, tuổi thơ gắn bó với cỗ xe gỗ lọc cọc ở làng quê. Nó là hình ảnh đẹp trong ký ức mà ba, má tôi là những người nông dân rất trân trọng. Có cỗ xe gỗ, cuộc sống lao động của những người nông cũng đỡ vất vả hơn…”.
Bộ sưu tập của ông Trí có hàng trăm bánh xe cổ, gặp khách ông vừa bán, vừa mua, gọi là trao đổi cho bộ sưu tập ngày càng đa dạng. Chính công việc này cũng giúp cho ông hiểu thêm về quá khứ, về việc cha ông ta khai khẩn đất đai và chinh phục thiên nhiên cũng như làm việc thế nào. Rồi trong kháng chiến, những cỗ xe gỗ đã giúp cho việc chở cán bộ cũng như súng đạn, lương thực…
Sau này, cũng vì thấy thị hiếu của không ít người, ông Trí đã thành lập cơ sở mỹ nghệ Trung Trí để tiện cho giao dịch, làm ăn. Tại cơ sở này, ông Trí không chỉ trao đổi, mua bán bánh xe cổ mà cũng từ những chiếc đã hư hỏng, ông “chế biến” thành những chiếc bàn, bộ salon… được nhiều ông chủ chịu chơi rất thích thú.
Vùng Kinh Bắc có võ sư Trịnh Như Quân rất đam mê sưu tầm bánh xe bò, xe ngựa cổ. Hiện ông cũng có gần trăm chiếc, được gìn giữ rất cẩn thận. Trong nhiều chuyến đi, ông thấy những chiếc bánh xe bị bỏ mục ruỗng, bị chẻ làm củi mà lòng cứ hùi hụi tiếc.
Ông cho biết: “Ðây là bánh của những cỗ xe - phương tiện chuyên chở của người nông dân trong việc sản xuất nông nghiệp. Nhìn vào đó, người ta sẽ thấy quá khứ của thời gian khó, khi những chiếc bánh xe khắc khoải lăn trên đường quê. Nhìn vào đó để thấy cha ông ta đã vất vả thế nào trong công cuộc khai hoang, mở rừng, chống giặc ngoại xâm. Vì thế, chúng ta cũng nên gìn giữ những hình ảnh trong quá khứ để nhắc nhở con cháu nhớ về thời của cha ông ta.”
Võ sư Trịnh Như Quân và bộ sưu tập bánh xe |
Những vòng bánh xe lọc cọc với những chú bò, chú ngựa rướn mình kéo đã từng là hình tượng của làng quê. Bao nhiêu năm, bánh xe mộc mạc thủy chung với người nông dân trong những vụ mùa bội thu hay thất bát. Xe gỗ giờ đây đang mất dần trên những con đường làng, thay vào đó là những cỗ xe bò được làm bằng khung sắt và dùng bánh hơi của xe tải.
Thậm chí, ở nhiều vùng quê người nông dân đã “động cơ hóa” công việc đồng áng nên sa thải những cỗ xe cổ lỗ và để chúng mai một cùng thời gian. Nhớ lại thời đó, để làm một cỗ xe bò cũng là cả một vấn đề. Riêng bánh xe làm bằng gỗ giáng hương, một loại gỗ quí, chắc chắn, cứng cáp. Qua kinh nghiệm, người xưa thấy rằng chỉ loại gỗ này mới có đủ khả năng chịu đựng nắng mưa.
Và để đóng được cỗ xe phải tốn rất nhiều công sức, từ chọn gỗ đến cưa, chạm, đục mộng, đẽo căm xe..., khó nhất là đục lỗ trục bánh xe để bắt những cây căm xe sao cho vừa khít, êm ái để tạo thế chịu lực cho cả vòng tròn của bánh xe. Riêng trục bánh xe phải là một thân gỗ lớn có đường kính không dưới 70cm. Có 14 cây căm chia đều trên hình vòng tròn của bánh xe. Tất cả đều tăm tắp.
Giá mỗi chiếc xe thời điểm năm 1960-1970 lên tới 4 lượng vàng. Thế nhưng đã có đến hàng ngàn cỗ xe cọc cạch trên đồng ruộng ngày nào giờ trở thành phế liệu, cho đến khi chúng lọt vào “mắt xanh” của những người sưu tầm.
Cũng thật may mắn, dường như những chiếc bánh xe này lại được “hóa kiếp”, được làm sống lại để ở bên cuộc sống con người. Đó là khi người ta đưa những chiếc bánh, thậm chí là cả cỗ xe này trang trí giữa những khu du lịch, biệt thự sang trọng. Nhiều người dân chân lấm tay bùn thấy những cỗ xe được đặt ngạo nghễ cạnh khóm trúc hay bụi tre vàng trong biệt thự rộng rãi đầy hoa cỏ mà thấy sững sờ. Họ thấy bái phục chính bản thân con người, bởi con người sáng tạo ra những đồ vật ấy, rồi ở thời kỳ tưởng như chúng sẽ… “chết hẳn” thì bỗng nhiên những món đồ vốn chỉ gắn bó với ruộng đồng, sình lầy đã trở nên sang trọng.
Ngày nay, rất nhiều người sưu tầm chum, vại, cối đá, xối xay lúa, cối giã gạo, dậm, nơm… với mong muốn làm sống dậy cuộc sống của người dân làm nông nghiệp, trồng lúa nước ngày xưa. Các nghệ nhân giỏi tay nghề cũng hiếm người còn sống và việc truyền, gìn giữ kỹ thuật chế tạo là cực kỳ cần thiết. Huyện Thuận An, Bình Dương từng được coi là “thủ phủ” của xe ngựa (quen gọi là xe thổ mộ) khi loại phương tiện này phát triển ở Nam bộ và trở thành phương tiện chính trong sinh hoạt, đi lại của người dân.
Các nhà văn hóa cho rằng, ngoài Bắc thường sử dụng xe bò, ít dùng ngựa, còn trong Nam ngựa được dùng cho kéo xe nhiều hơn, vậy nên việc chế tạo kích cỡ cho chiếc xe cũng có chút khác biệt. Bây giờ ở Bình Dương, danh tiếng cụ Trần Văn Ký chuyên sản xuất xe ngựa gỗ vẫn được lưu truyền. Nối nghiệp cụ là chú Sáu Xích ở xã Hưng Định và chú Hai Nhất ở xã Long Hoà, huyện Dầu Tiếng. Khi loại xe này không được dùng nhiều trong đời sống nữa, nhiều người tìm nghề khác để làm thì hai nghệ nhân này vẫn còn trăn trở với nghề.
Bánh xe gỗ giờ đây trở nên có giá hơn khi các vị khách nước ngoài “chịu chơi” cũng muốn rinh món đồ này về nước họ. Ở Bình Dương đã có nhiều cơ sở chế biến, sản xuất bánh xe theo kiểu cổ để xuất cho khách nước ngoài. Chẳng ít doanh nghiệp, chủ vườn trong nước cũng kiếm cho bằng được một vài bộ để khu vườn trở nên phong phú. Nhưng chưa có ai vượt được bộ sưu tập của nhà thiết kế Sỹ Hoàng. Cũng không ít ông chủ giàu có còn mua bánh xe bò cổ xếp xây thành hàng rào vây quanh cơ sở của mình.
Ông chủ Trần Văn Trí cho biết: “Thời gian gần đây đã có một số khách du lịch người Mỹ, Hàn Quốc, Pháp… hỏi mua bánh xe bò cổ. Cuối năm 2006 tôi đã bán cho một khách du lịch người Hàn Quốc 50 cặp bánh xe bò cổ. Mấy năm nay cơ sở tôi thi thoảng xuất những lô hàng gồm nhiều bánh xe bò sang thị trường Ấn Độ, Úc, Nhật Bản Hàn Quốc cũng nhập hàng của chúng tôi từ vài năm nay. Người nước ngoài rất khoái bánh xe bò của Việt Nam bởi nét đẹp mộc mạc nhưng tinh tế, nên chúng được sử dụng làm đồ trang trí trong các khu du lịch, khu resort...”.
Những chiếc xe bò, xe ngựa dùng trang trí ấy không còn lăn bánh nữa. Chúng cũng chẳng còn cơ hội để “cõng” trên mình những nắng mưa, vất vả cũng như lo toan của người nông dân. Chúng chỉ đứng đó làm nhân chứng, để mỗi người dân nhớ về tiếng kẽo kẹt ngân nga đâu đó trên cánh đồng, những con đường quê bình dị. Khi nhìn những cỗ xe hay bánh xe gỗ, không ít người lại thấy như được trở về với thuở xưa quen thuộc mà nghẹn ngào.