Những người phụ nữ 'thổi hồn' vào đất

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nghề gốm là một nghề truyền thống lâu đời, gắn liền cuộc sống của nhân dân Việt Nam. Vì tầm quan trọng của gốm, rất nhiều làng nghề chỉ truyền dạy cho con trai trong nhà. Hình ảnh người đàn ông với đôi bàn tay khéo léo bên chiếc bàn xoay đã trở nên quen thuộc. Vậy nhưng, ở các làng nghề gốm của người Chăm, mọi người lại quen thuộc với dáng hình những người phụ nữ đang ngày đêm dùng sức sáng tạo mạnh mẽ, gu thẩm mỹ tinh tế để “thổi hồn” vào gốm.
Nghề gốm của người Chăm được những người phụ nữ gìn giữ qua nhiều thế hệ. (Nguồn: mia.vn)
Nghề gốm của người Chăm được những người phụ nữ gìn giữ qua nhiều thế hệ. (Nguồn: mia.vn)

“Bàn tay vàng” của người phụ nữ

Dân tộc Chăm vốn sinh sống từ rất lâu đời, họ cùng 54 dân tộc khác kiến tạo nên một nền văn hóa rực rỡ ở Việt Nam. Đặc biệt, đồng bào dân tộc Chăm còn hình thành và lưu giữ một kho tàng văn hóa truyền thống đa dạng, phong phú, trong đó nghề làm gốm thủ công là một nét đẹp độc đáo.

Hiện nay, không có một tài liệu đầy đủ nào của người Chăm ghi chép chi tiết về nguồn gốc nghề gốm. Chỉ biết rằng, đồ gốm đã xuất hiện trong đời sống sinh hoạt của người Chăm từ rất lâu đời. Gốm Chăm ở Việt Nam ngày nay còn hiện diện chủ yếu ở hai làng là Ligok (Trì Đức, nay là Bình Đức, tỉnh Bình Thuận) và Hamu Crok (Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận). Với truyền thống mẫu hệ đã hằn sâu trong cuộc sống, nghề gốm trong mỗi gia đình người Chăm gắn với người mẹ và cô con gái trong nhà.

Nói đến gốm của người Chăm là nói đến làng Bàu Trúc tại thị trấn Phước Dân, tỉnh Ninh Thuận với hơn 90% dân số là người Chăm, phần lớn hộ gia đình ở đây sinh sống bằng nghề làm gốm. Mấy trăm năm nay, thế hệ nối tiếp thế hệ, những người phụ nữ Chăm làng Bàu Trúc vẫn cùng nhau gìn giữ nghề gốm xưa.

Những người phụ nữ làng Bàu Trúc từ khi còn nhỏ đã được các bà, các mẹ cho tiếp xúc với việc làm gốm. Như nghệ nhân Đàng Thị Hoa - người đã có hơn 35 năm kinh nghiệm làm gốm và đạt nhiều giải thưởng lớn nhỏ chia sẻ, từ năm 13 tuổi, chị đã được người mẹ ruột là nghệ nhân Đàng Thị Đây truyền dạy nghề làm gốm. Đến khi có chồng, chị làm đủ những sản phẩm gốm phục vụ sinh hoạt gia đình. Tại làng Bàu Trúc, phần lớn công đoạn làm gốm từ chọn đất, tạo hình, phơi gốm, vẽ hoa văn, chi tiết,… đều do người phụ nữ trong làng đảm nhiệm. Vì vậy mà gốm ở đây có nét đẹp mềm mại, duyên dáng khác biệt.

Gốm làng Bàu Trúc cũng khác cách làm gốm của người Kinh ở Bát Tràng (Hà Nội) hay gốm Gia Thủy (Ninh Bình). Đầu tiên, nguyên liệu làm gốm của người Chăm làng Bàu Trúc gồm đất sét, cát, nước ngọt. Trong đó, đất sét ở làng Bàu Trúc với độ kết dính đặc biệt góp phần quan trọng tạo nên sự độc đáo cho sản phẩm gốm. Tiếp theo, gốm của làng Bàu Trúc không sử dụng bàn xoay, mà người phụ nữ làm bằng tay và đi giật lùi từ bước tạo hình cho đến trang trí tạo hoa văn không cần dùng bàn xoay. Các nghệ nhân chỉ sử dụng đôi bàn chân để làm bệ đỡ thay cho bàn xoay, đồng thời vuốt khối đất để tạo hình sản phẩm. Sau khi tạo dáng, sản phẩm được phơi nắng 4 - 6 giờ rồi dùng mảnh sàng làm láng.

Hoa văn gốm Bàu Trúc chủ yếu là hình răng cưa, khắc vạch, sóng nước, hoa văn thực vật, vỏ sò… Sản phẩm gốm Bàu Trúc được làm nhiều nhất là những bức phù điêu của phụ nữ Chăm, các vị vua Chăm, hình ảnh của vũ nữ và những vật dụng sử dụng hằng ngày trong đời sống. Không quá nhiều màu sắc cầu kỳ, cũng không được tô vẽ, không dùng men, nhưng gốm Bàu Trúc đã mang một nét đẹp rất riêng - đẹp bởi hình dáng sản phẩm, bởi sự mộc mạc, tỉ mỉ, cẩn thận của người bà, người mẹ, người chị.

Ở những làng gốm của người Chăm, phụ nữ đảm nhận hết các công đoạn làm việc. (Nguồn: Thanh Duyên)
Ở những làng gốm của người Chăm, phụ nữ đảm nhận hết các công đoạn làm việc. (Nguồn: Thanh Duyên)

Không chỉ có làng Bàu Trúc ở tỉnh Ninh Thuận, tại thôn Bình Đức (tỉnh Bình Thuận) có làng gốm Bình Đức hay được gọi là làng gốm Gọ của người Chăm, cũng duy trì truyền thống “mẹ truyền, con nối”. Làng hiện nay còn 43 hộ và 46 người duy trì nghề làm gốm truyền thống. Nghề gốm ở thôn Bình Đức được nhiều người biết đến vì vẫn giữ được cách làm gốm truyền thống của người Chăm. Điểm đặc biệt, hầu hết các công đoạn làm gốm đều do những người phụ nữ trong nhà đảm nhiệm.

Nghệ nhân Đơn Thị Hiệu (85 tuổi), có hơn 70 năm kinh nghiệm làm nghề gốm ở làng gốm Bình Đức, bà chia sẻ, công việc làm gốm người Chăm rất vất vả. Giữa thời tiết oi nóng, những nữ nghệ nhân làng gốm Bình Đức phải tỉ mỉ làm từng công đoạn. Đầu tiên, để làm ra sản phẩm, người Chăm phải đến tận mỏ đất ở sông Phan, sau đó thuê xe chở về làng để sử dụng. Việc tạo hình cho sản phẩm được người Chăm giữ nguyên vẹn từ xưa cho tới ngày nay. Cũng giống như làng gốm Bàu Trúc, người phụ nữ Chăm ở làng gốm Bình Đức không sử dụng bàn xoay để tạo hình cho gốm mà hoàn toàn dùng đôi bàn tay tinh tế tạo ra những vật dụng bằng gốm đẹp đẽ.

Cách nung gốm ở làng Bình Đức cũng đặc biệt hơn những nơi khác. Gốm được đặt lên mặt sân, sau đó phủ rơm rạ, lá dừa khô rồi nổi lửa đốt, khi lửa tàn thì sản phẩm cũng vừa chín. Để trang trí màu cho sản phẩm, lúc gốm vừa dỡ ra khỏi lò đang còn nóng, người thợ dùng nước chế từ trái thị vẩy lên sản phẩm, khi nguội sẽ tạo thành những đốm sao tròn màu nâu đen trông đẹp và rất lạ mắt. Sản phẩm gốm của làng Bình Đức chủ yếu dùng trong sinh hoạt gia đình, như nồi cơm, nồi kho cá, bình cắm hoa, bình phong thủy, lò… mang những đường nét mềm mại, khéo léo, vừa phong phú về mẫu mã lại đa dạng về chủng loại.

Bảo tồn và phát triển nghề gốm của người Chăm

“Nghệ thuật làm gốm của người Chăm” được UNESCO ghi vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại được thông qua trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 17 của Ủy ban Liên chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, diễn ra vào năm 2022 tại Thủ đô Rabat (Maroc). Điều này cho thấy, nghề gốm của người Chăm ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm chú ý của Việt Nam và toàn thế giới. Bởi mỗi món đồ gốm của người Chăm không chỉ ẩn chứa nét đẹp thẩm mỹ mà sâu bên trong là “mạch ngầm” về văn hóa, tín ngưỡng của người Chăm đã tồn tại trong nhiều thế hệ.

Thực tế, hiện nay, nghề làm gốm tại các làng nghề của người Chăm đang trở thành một kế sinh nhai cho rất nhiều hộ gia đình. Ví dụ như trước đây, làng gốm Bàu Trúc, gốm Bình Đức “nổi lửa” làm gốm chủ yếu vào lúc nông nhàn và chỉ phục vụ cho nhu cầu của bà con, dòng họ trong làng. Đến khi xã hội phát triển, những vật dụng sinh hoạt như bếp, lu, nồi niêu đều được hiện đại hóa nên những vật dụng làm bằng gốm trở nên lỗi thời. Có thời gian nghề gốm người Chăm tưởng như đã mai một, thậm chí đứng trước nguy cơ bị “thất truyền”. Thế nhưng, những năm gần đây, người tiêu dùng, nhất là các nhà hàng có xu hướng sử dụng đồ đun nấu bằng gốm vì ít độc hại, lại mang nét dân dã. Làng gốm Bình Đức, làng gốm Bàu Trúc đã khởi sắc trở lại.

Ở làng gốm Bàu Trúc, Hợp tác xã (HTX) Làng gốm Bàu Trúc được thành lập vào năm 2008 đóng vai trò như một đòn bẩy trong việc nâng tầm chất lượng và sự đa dạng trong chế tạo gốm. Đồng thời, cũng là nơi trình diễn nghề làm gốm Chăm cho khách du lịch khi đến Ninh Thuận. Hàng ngàn mẫu mã gốm của làng Bàu Trúc được trưng bày, giới thiệu tập trung tại HTX để du khách thưởng lãm, hoặc chọn mua cho mình những sản phẩm ưng ý nhất. Nghệ nhân Đàng Thị Hoa ở làng gốm Bàu Trúc cho biết, thu nhập từ nghề làm gốm cao hơn và đỡ vất vả hơn làm nông. Mỗi tháng, cơ sở làm gốm của chị thu lãi 10 - 15 triệu đồng. Nhờ có nghề làm gốm, chị Hoa cùng chồng có thu nhập để nâng cao đời sống và nuôi các con ăn học đầy đủ.

Với sự phát triển của đồ gốm, ngày càng có nhiều người Chăm học làm gốm. (Nguồn: Báo Bình Thuận)

Với sự phát triển của đồ gốm, ngày càng có nhiều người Chăm học làm gốm. (Nguồn: Báo Bình Thuận)

Với sự phát triển của nghề gốm của người Chăm, những nữ nghệ nhân có cơ hội được tự mình làm chủ cơ sở sản xuất gốm, đem lại thu nhập cho mỗi người. Đồng thời nghề gốm được lớp lớp thế hệ tiếp nối, giữ gìn bản sắc văn hóa của người Chăm. Vừa qua, lớp học làm gốm do Bảo tàng tỉnh Bình Thuận phối hợp UBND xã Phan Hiệp mở dạy, diễn ra vào tháng 11, đây là một hoạt động của Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn tỉnh. Trong lớp học cả 5 người truyền dạy và 35 người học nghề đều là người dân trong làng Bình Đức. Người học thuộc nhiều nhóm tuổi khác nhau, phần lớn là chị em phụ nữ, trong đó có em mới 13 tuổi.

Không chỉ có cơ quan chính quyền quan tâm đến nghề làm gốm truyền thống của người Chăm mà các nghệ nhân rất tích cực giúp đỡ thế hệ trẻ, như nghệ nhân Đơn Thị Hiệu (83 tuổi), hơn 70 năm gắn bó với nghề, dù đã có tuổi, hiện nay, bà vẫn còn đến Trung tâm trưng bày văn hóa Chăm trên địa bàn xã để trình diễn kỹ thuật làm gốm cho du khách tham quan và một số đoàn nghiên cứu. Ngoài ra, bà cũng truyền nghề cho nhiều người trong thôn Bình Đức, để họ có thể tiếp tục phát triển nghề gốm và giới thiệu với du khách. Đôi mắt bà vẫn sáng lên khi kể về gốm và gốm vẫn đóng một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người Chăm.

Đọc thêm