Hoa nở trên… tay
Nói đến hoa lụa là người ta nhắc ngay đến nghệ nhân Mai Hạnh, người phụ nữ gốc Hà Nội xinh đẹp, đã biết làm hoa từ tuổi 13. Ở tuổi hơn 60, suốt mấy chục năm làm nghề, bà đã góp vào cuộc sống biết bao đóa hoa rực rỡ.
Đặc biệt, dù người Hà Nội có thói quen sử dụng hoa tươi nhưng hoa giấy, hoa lụa vẫn đắt khách. Hiện nay, nghệ nhân Mai Hạnh vừa sản xuất kinh doanh vừa dạy làm hoa lụa tại cơ sở của gia đình ở số 5 phố Chả Cá (Hà Nội).
Khách hàng đặt cho bà biệt danh “nữ hoàng hoa lụa” quả không sai. Mỗi tấc lụa, cây kéo và những vật dụng khác, thật nhanh chóng, từ đôi bàn tay tài hoa, những cánh hoa, bông hoa, rồi cả bó hoa lung linh được hình thành. Chúng có hồn cốt, sắc màu chẳng khác hoa thật là mấy. Để làm được điều đó, ngoài kỹ năng, nghệ nhân phải yêu hoa, yêu cái đẹp và phải gửi vào đó cả nhiệt huyết.
Nghệ nhân Mai Hạnh cho biết, kỹ năng nghề nghiệp và cả tình yêu của bà được tiếp lửa từ chính mẹ bà – nghệ nhân Đoàn Thị Thái.
“Tôi theo mẹ, nhưng còn học hội họa nữa. Tôi hiểu rằng, học để làm được là bình thường, nhưng trở thành nghệ nhân thì không dễ. Trong việc làm hoa, quan trọng là thổi được cái hồn vào, làm cho bông hoa lụa trở nên tinh tế, sinh động” - nghệ nhân Mai Hạnh tâm sự.
Một nghệ nhân tài hoa khác, cũng là người đầu tiên mang nghề làm hoa đất về Hà Nội là chị Lê Ngọc Quỳnh. Hiện chị đang sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho nhiều em nhỏ ở cơ sở số 90 phố Yên Phụ. Với đôi bàn tay khéo léo đã làm nên những bông hoa tươi thắm, bằng chất liệu đất cao lanh nhưng cho ra những sản phẩm đẹp như hoa thật.
Nhìn những bông hoa mềm mại, tươi thắm, rực rỡ khoe sắc, ít ai ngờ chúng được làm từ đất. Đó là kết tinh của sự khéo léo, đam mê và khả năng sáng tạo của các nghệ nhân.
Năm 1995, chị Quỳnh sang Nhật Bản làm việc, tình cờ biết đến nghệ thuật làm hoa đất. “Những bông hoa vừa lạ vừa quyến rũ ấy cứ ám ảnh tôi. Từ đó, tôi vừa làm vừa học. Sau 4 năm miệt mài, tôi đã thành thạo tất cả”.
Năm 2004 trở về Hà Nội, chị Quỳnh mạnh dạn khởi nghiệp làm hoa đất và giới thiệu sản phẩm mới lạ của mình ở cả hai cơ sở ở Hà Nội, được khách hàng đón nhận nhiệt tình. Ngoài hoa đất của Nhật, chị cũng học thêm cách làm hoa đất của Thái Lan và kết hợp những điểm nổi trội của chúng với nhau, tạo thành những loài hoa tinh tế.
Nói về khó khăn khi làm, chị Quỳnh chia sẻ: “Công đoạn nào cũng khó. Khi nhập đất về nó có màu trắng. Chúng tôi phải tự pha chế màu theo ý mình. Rồi làm ra thành hoa nữa, càng chi tiết nhỏ càng khó làm. Với đôi bàn tay, người làm phải có lòng đam mê, tỉ mỉ thì mới tạo ra được những bông hoa có hồn”.
Tô thêm những sắc hoa
Đã từ lâu hoa đất của chị Quỳnh trở thành một thương hiệu quen thuộc đối với những người yêu hoa nghệ thuật. Chính sự mềm mại, tươi tắn, sống động của hoa đất nặn được tạo ra bởi bàn tay khéo léo của người thợ đã khiến hoa đất trở thành sản phẩm nghệ thuật thu hút những người yêu thích sự độc đáo và mới lạ.
Hoa đất được làm bằng nguyên liệu nhập khẩu từ Nhật Bản, pha màu bằng chất liệu châu Âu nên bông hoa mịn màng, tươi tắn như hoa thật, tinh tế và trang nhã. Ưu điểm của hoa đất nặn là sau khi đã thành phẩm thì rất bền, đất khô đi nhưng vẫn có độ mềm, dẻo, có độ bền cao, không bị nứt nẻ. Độ bền của những bông hoa đất có thể kéo dài tới chục năm, một phần cũng phụ thuộc vào sự gìn giữ của chủ hoa.
Nghệ nhân Lê Ngọc Quỳnh và nghệ nhân Mai Hạnh cho biết, mỗi người học nghề đều có thể chỉ cần học vài tháng là làm được một số công đoạn nhất định. Nhưng để hoàn thiện được một sản phẩm đẹp cần nhiều yếu tố như cần cù, tỉ mỉ, và phải là những người muốn dâng tặng những sắc hoa ấy cho cuộc sống.
Chị Quỳnh nhấn mạnh: “Có những loại hoa có màu rất riêng như lan nữ hoàng, địa lan, cẩm chướng... người thợ phải thử nghiệm tới cả trăm lần mới pha chế và tạo được màu như hoa thật từ màu sắc đến hình dáng. Người làm hoa đất phải có được sự cầu kỳ, kỹ lưỡng trong từng công đoạn mới ra được sản phẩm”.
Còn nghệ nhân Mai Hạnh, người đã được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ở tuổi 35 cho rằng, thành công của bà ngoài khát khao, đam mê sáng tạo, một phần do yếu tố gia truyền thì còn có cả sự nỗ lực của bà.
Đúng thôi, bởi bao giờ cũng vậy, bà luôn muốn quảng bá hình ảnh đẹp của Thủ đô với bè bạn quốc tế khi đến phố cổ, quảng bá thương hiệu hoa lụa Hà thành. Mỗi bông hoa qua sáng tạo của bà đều mang một vẻ riêng, một câu chuyện riêng, thậm chí là một số phận riêng đầy màu sắc.
Ở Hà Nội, một nữ nghệ nhân khác cũng là một người có uy tín trong lĩnh vực hoa lụa là nghệ nhân Quản Thanh Hải. Suốt hơn 50 năm trong nghề, bà đã cùng nghệ nhân Mai Hạnh, các lão nghệ nhân đào tạo, truyền nghề cho rất nhiều người trẻ và đang tiếp nối công việc làm đẹp cho đời.
Song, các nghệ nhân cũng thể hiện sự trăn trở rằng, để làm được đóa hoa đất, hoa lụa đòi hỏi biết bao công đoạn. Vì thế, sản phẩm đắt hơn hoa thật là đương nhiên. Bởi vậy, việc cạnh tranh trên thị trường là khó tránh khỏi. “Nên ngoài truyền nghề, chúng tôi cũng truyền cả tình yêu và đam mê nữa” - nghệ nhân Quản Thanh Hải cho biết.
Trong muôn vàn đóa hoa xuân khoe sắc, các nghệ nhân đã góp thêm sắc, thêm xuân trong rừng hoa tuyệt diệu.