Cấp thiết…
Sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ là một trong những thảm họa cầu đường và tai nạn xây dựng nghiêm trọng nhất tại Việt Nam, xảy ra năm 2007 tại xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long.
Hai nhịp cầu dẫn cao khoảng 30 mét giữa ba trụ cầu đang được xây dựng thì bị đổ sụp, kéo theo giàn giáo cùng nhiều công nhân, kỹ sư đang làm việc xuống đất. Mặc dù các lực lượng quân đội, công an và các cơ quan, ban ngành tại địa phương đã nỗ lực hết sức đào bới và tìm kiếm các nạn nhân trong đống đổ nát, tuy nhiên, tại thời điểm xảy ra sự cố sập cầu có khoảng từ 150 đến 250 công nhân đang làm việc, do đó số lượng người bị thương và tử vong quá nhiều khiến đội ngũ tham gia cứu hộ gặp không ít khó khăn.
Cho dù đã huy động hầu hết các nhân lực của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Long An tham gia cấp cứu tại chỗ nhưng số lượng người thương vong lúc này quá nhiều khiến các nhân viên y tế không khỏi lúng túng. Vì thế, cơ quan chức năng sở tại đã phải “cầu cứu” thêm hai đội cứu hộ từ Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy và các nhóm cứu hộ quốc tế chuyên nghiệp gồm 30 người đến từ Nhật Bản và Philippines.
Trong quá trình cứu hộ, số nạn nhân tử vong không ngừng tăng lên (ngày 26/9/2007, khi thảm họa xảy ra có 37 người tử vong, nhưng sau đó con số tử vong tăng lên đến 59), trang thiết bị, thuốc men thì hạn chế nên khâu cứu hộ, cứu nạn đã bị động lại càng bị động hơn.
Chính vì lẽ đó, việc cấp cứu ngay tại chỗ không thể thực hiện, mà chỉ có thể tiến hành sơ cứu trước rồi chuyển về các BV tuyến trên để tiến hành cấp cứu. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc một số nạn nhân trong vụ sập cầu phải bỏ mạng trên đường đi đến BV và một số nạn nhân khác dù đến được BV nhưng cũng tử vong khi không chống chọi nổi với chấn thương nặng.
Trường hợp của anh Nguyễn Hồng Thái và Nguyễn Văn Hoàng dù đã tới được BV Quân đội 121 nhưng vẫn không thể qua khỏi vì đa chấn thương mà việc không thể cứu chữa kịp thời là một thực tế đau lòng.
Gần đây nhất, sự cố nổ nhà máy sản xuất pháo hoa Z121 tại huyện Thanh Ba, Phú Thọ khiến hàng chục người chết và hàng trăm người bị thương cũng khiến dư luận không ngớt lời bình. Thời điểm xảy ra thảm họa nổ nhà máy sản xuất pháo hoa Z121 vào lúc 8h sáng ngày 12/10/2013, theo ghi nhận của người dân thì chỉ sau 20 phút, các lực lượng cứu hộ tại địa phương đã có mặt kịp thời để khắc phục sự cố, lực lượng y tế trên địa bàn cũng đến ngay sau đó…
Chưa hết bàng hoàng, ông Đinh Công Bạc (Khu 11, xã Võ Lao, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ) hồi tưởng lại, lúc này vụ nổ vẫn đang tiếp diễn, những tiếng nổ lớn kèm theo lửa cháy vẫn rất dữ dội, các lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể tiếp cận với các nạn nhân trong nhà máy.
Sau khi lực lượng quân đội thuộc Quân khu 2 và các lực lượng địa phương khống chế được đám cháy thì những nạn nhân đầu tiên được đưa ra khỏi nhà máy, lực lượng y tế cứu hộ luôn tay luôn chân nhưng vẫn không xuể bởi số người bị thương quá nhiều.
“Tôi thấy hàng loạt xe cứu thương từ các BV xuống liên tiếp, cứ hết xe này đến xe khác nhưng vẫn không kịp đưa hết các nạn nhân đi cấp cứu. Nhiều công nhân bị thương được đưa ra phải nằm chờ các xe khác đến, nhiều người bị thương nặng quá, kêu la thảm thiết lắm! Tôi cũng đi qua thời chiến rồi nhưng chưa bao giờ thấy cảnh tượng kinh hoàng như thế” - ông Bạc nói.
Còn nhiều bất cập
Sau khi đám cháy được khống chế vào khoảng 12h30 cùng ngày, số nạn nhân bị tử vong được xác định là 15 người và hơn 100 người bị thương. Các nạn nhân bị thương được đưa đến các BV để cấp cứu. Tuy nhiên, nhiều nạn nhân bị thương nặng, trong khi đó các BV địa phương không đủ sức chứa và chữa trị, buộc phải chuyển lên các BV tuyến trên, vì thế con số tử vong lại dần tăng lên theo thời gian.
Tính đến thời điểm 14h cùng ngày, số nạn nhân tử vong tăng lên 24 người và cho đến ngày 13/10 lại thêm hai nạn nhân tử vong là Nguyễn Thị Kim Tiến (32 tuổi) và Phan Thị Ngọc (27 tuổi) ở xã Võ Lao, Thanh Ba, Phú Thọ, cùng là công nhân nhà máy Z121. Như vậy, tổng số người tử vong do sự cố lại được nâng lên 26 người.
Bác sỹ Bùi Anh Giao - Giám đốc BVĐK thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ, cho biết: “Sau khi nhận được tin, ngay lập tức chúng tôi đã điều xe và đưa các y, bác sĩ đến hiện trường để cấp cứu các nạn nhân. Khoảng 15 phút sau khi đám cháy được khống chế, chúng tôi đã khiêng ra 7 người đầu tiên để tiến hành cấp cứu”.
Ông Giao cũng cho biết, BV đã thành lập một đội cấp cứu phản ứng nhanh với 11 người, gồm các BS gây mê khoa ngoại, hồi sức, bỏng và có kế hoạch chuẩn bị dự trù về cơ số thuốc, mỗi năm đều phân công, phân nhiệm cho từng thành viên có trách nhiệm trong bệnh viện đảm trách nhằm phục vụ cho công tác cấp cứu kịp thời trên địa bàn. Tuy nhiên, khi thảm hoạ nổ nhà máy Z121, số lượng nạn nhân bị thương nặng quá nhiều nên các bác sĩ dù luôn chân luôn tay cũng không thể kịp cứu chữa cho tất cả.
“Cảnh tượng lúc đó trông ghê gớm lắm! Các y, bác sĩ trong BV bận rộn đến mức bát mì tôm úp, để trên bàn nguội ngắt cũng không kịp ăn. Hiện tại các bệnh nhân đã được chuyển lên các tuyến trên để điều trị nên tại BV không còn bệnh nhân trong vụ nổ nữa, nhưng tất thảy anh em BV vẫn chưa hết bị ám ảnh…”, ông Giao chia sẻ.