Những thay đổi mới nhất trong Quy chế thi 2015

(PLO) -Chiều tối 26/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia và Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 hệ chính quy với một số thay đổi so với dự kiên ban đầu.
Những thay đổi mới nhất trong Quy chế thi 2015
Vẫn giữ thang điểm 10
Theo dự kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), thang điểm được dùng sẽ là 20 thay vì 10 để giúp phân hóa chi tiết hơn kết quả thi của thí sinh (TS). Tuy nhiên, theo Quy chế chính thức, điểm của bài thi tự luận và bài thi trắc nghiệm đều được quy về thang điểm 10.
Trong kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức thi 8 môn: toán, ngữ văn, lịch sử, địa lý, vật lý, hóa học, sinh học, ngoại ngữ. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, TS phải thi 4 môn, gồm 3 môn bắt buộc (toán, ngữ văn, ngoại ngữ) và 1 môn do TS tự chọn trong các môn thi còn lại. 
TS không được học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng, được chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), TS dự thi 4 môn quy định và đăng ký dự thi đủ các môn phù hợp với khối thi do trường ĐH, CĐ quy định.
Hạn cuối nhận hồ sơ là ngày 30/4
Kỳ thi THPT quốc gia có 3 đối tượng TS tham gia dự thi: TS sử dụng kết quả thi để vừa xét tốt nghiệp THPT vừa xét tuyển vào ĐH, CĐ; TS đã có bằng tốt nghiệp THPT chỉ sử dụng kết quả thi để xét tuyển và TS chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT. 
TS thuộc đối tượng thứ nhất và thứ hai sẽ dự thi ở các cụm thi do trường ĐH chủ trì. Các cụm thi này phục vụ cho TS ít nhất 2 tỉnh, được xác định dựa trên cơ sở thống kê số lượng TS hằng năm cũng như có trường ĐH đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ chủ trì cụm thi. 
Ảnh minh họa từ Interrnet
Ảnh minh họa từ Interrnet 
TS thuộc đối tượng thứ ba sẽ thi tại trường THPT đang học hay cụm các trường THPT do Sở GD-ĐT chủ trì với sự tham gia của các trường ĐH được xác định trên nguyên tắc tạo thuận lợi tối đa cho TS. 
Bộ GD-ĐT điều chỉnh thời gian đăng ký dự thi của TS, hạn cuối cùng nhận hồ sơ đăng ký dự thi là trước ngày 30/4 hàng năm.
Khi hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, TS phải thông báo kịp thời cho thủ trưởng trường THPT hoặc nơi đăng ký dự thi hoặc cho hội đồng thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung.
Điểm liệt: 1 điểm
Mức cộng điểm khuyến khích cho TS cũng  có những thay đổi so với trước. TS đoạt giải nhất, nhì, ba trong kỳ thi quốc gia chọn học sinh giỏi lớp 12 hoặc giải nhất cấp tỉnh được cộng 2 điểm; giải khuyến khích quốc gia hoặc nhì cấp tỉnh được cộng 1,5 điểm; giải ba cấp tỉnh được cộng 1 điểm.
Học sinh giáo dục THPT, học viên giáo dục thường xuyên trong diện xếp loại hạnh kiểm có giấy chứng nhận nghề do Sở GD-ĐT hoặc các cơ sở GD-ĐT và dạy nghề do ngành giáo dục cấp trong thời gian học THPT, được cộng điểm khuyến khích căn cứ vào xếp loại ghi trong chứng nhận. Cụ thể, loại giỏi: cộng 2 điểm; khá: cộng 1,5 điểm; trung bình: cộng 1 điểm.
Những thí sinh đủ điều kiện dự thi, không bị kỷ luật từ mức huỷ bài thi trở lên, tất cả các bài thi đều đạt trên 1,0 điểm và có điểm xét tốt nghiệp từ 5,0 điểm trở lên được công nhận tốt nghiệp THPT.
Phòng thi được xếp theo môn thi. TS chỉ được mang vào phòng thi bút viết, bút chì, compa, tẩy, thước kẻ, thước tính, máy tính bỏ túi không có chức năng soạn thảo văn bản và không có thẻ nhớ.
Ngoài ra, TS cũng được phép mang vào phòng thi những tài liệu, đồ dùng khác như: Atlat Địa lý Việt Nam đối với môn địa lý; các loại máy ghi âm và ghi hình chỉ có chức năng ghi thông tin mà không truyền được thông tin và không nhận được tín hiệu âm thanh, hình ảnh trực tiếp nếu không có thiết bị hỗ trợ khác./.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Đề thi không thay đổi nhiều
Trong những năm trước mắt đề thi cơ bản không thay đổi nhiều so với những năm gần đây. Những kinh nghiệm tốt trong cách ra đề thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ những năm vừa rồi như đề thi dạng mở, tăng cường hướng ứng dụng, không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng máy móc sẽ được áp dụng trong kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. 
Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh. Đề thi sẽ không có sự phân định rạch ròi phần để xét tốt nghiệp THPT, phần để tuyển sinh ĐH, CĐ.
Về tổ hợp các môn xét tuyển, các trường có thể công bố tối đa 4 tổ hợp xét tuyển cho một ngành, trong đó phải duy trì các khối thi truyền thống và chỉ tiêu tuyển sinh dành cho các khối thi này chiếm ít nhất 75% tổng chỉ tiêu của ngành. Trên cơ sở tổ hợp các môn xét tuyển mà các trường đã công bố, TS chọn các môn thi phù hợp bên cạnh các môn thi bắt buộc để xét tốt nghiệp THPT.

Đọc thêm