“Nhường” đất cho dự án, người dân Liên Phú (Hà Tĩnh) thiệt đủ đường

(PLO) - Quanh Khu kinh tế Vũng Áng, những khu đất cạnh quốc lộ 1A đoạn ngã ba đường vào Nhà máy thép Formosa (xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) được xem là đất “vàng”. Để phục vụ dự án, người dân đã “nhường” đất nhưng đổi lại họ nhận được giá đền bù chưa thỏa đáng, khiến nỗi lo cuộc sống ngày một tăng lên…
Thu hồi đất “vàng”
Một số hộ dân tại thôn Liên Phú, xã Kỳ Liên, huyện Kỳ Anh gửi đơn đến Báo PLVN phản ánh việc họ bị áp giá đền bù quá thấp khi bị thu hồi đất. Theo đó, để có đất phục vụ dự án xây dựng Khu dịch vụ thương mại Tân Khang Phú, hàng chục hộ dân sinh sống ổn định tại thôn Liên Phú sẽ phải “nhường” đất. Tuy nhiên, theo mức giá đền bù và một số hạng mục đưa ra khi kiểm kê, áp giá, người dân cho rằng quá thấp so với mức giá hiện tại. 
Cụ thể, ngày 31/7/2013 Ban quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) Vũng Áng có Quyết định số 97 phê duyệt Quy hoạch tổng thể mặt bằng sử dụng đất xây dựng Khu dịch vụ thương mại Tân Khang Phú, tổng diện tích 25.987,78m2 đất. 
Ngày 6/8/2013, BQL KKT Vũng Áng phối hợp với Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư huyện và UBND xã Kỳ Liên bàn giao mốc ranh giới lô đất cho Cty CP Tiến Kinh khảo sát quy hoạch thực hiện dự án. Tiếp đó, ngày 15/8/2013, BQL KKT Vũng Áng có công văn yêu cầu UBND huyện Kỳ Anh chỉ đạo Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện phối hợp với UBND xã Kỳ Liên triển khai thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để sớm bàn giao cho công ty thực hiện dự án. 
Sau nhiều lần Hội đồng bồi thường mời các hộ dân lên làm việc và thỏa thuận mức đền bù, tuy nhiên một số hộ dân không đồng ý với mức giá đền bù đối với đất. Trả lời các kiến nghị của người dân, UBND xã Kỳ Liên tại Văn bản số 27 ngày 25/9/2013 nêu: Dự án Tân Khang Phú nằm ở vùng đất đắc địa (trung tâm cổng Dự án Formosa) có lợi thế để sản xuất kinh doanh, đặc biệt là có lợi thế về sản xuất kinh doanh dịch vụ. 
Nhưng hiện giá thị trường và giá đền bù quy định của Nhà nước chênh lệch rất lớn, cụ thể giá đất thị trường tuyến 1 là 8 triệu đồng/m2; tuyến 2, 3 là 4-5 triệu đồng/m2, còn giá nhà nước thấp. Hiện khu vực xã Kỳ Liên giá cả ngày công cũng như các vật liệu rất đắt đỏ nên đề nghị Nhà nước tính chênh lệch giá để nhân dân đủ tiền xây dựng. 
Người dân lo lắng trăm bề
Ông Đào Thanh Hải (60 tuổi) xóm 1, thôn Liên Phú – hộ dân bị giải tỏa cho biết: “Giá đền bù quá thấp, mảnh đất nhà tui hơn 1.300m2 đất tại trung tâm ngã ba của đường vào Cảng. Theo giá tạm tính đất ở đền bù 300.000 đồng/m2 đất và đất vườn với 187.000 đồng/m2 đất là quá thấp so với giá thực tế. Đồng ý là nhường đất cho dự án, nhưng là một dự án tư nhân và đằng này đền bù thấp thế dân chúng tôi lấy gì để sống khi đất bị thu hồi hết…”.
Mảnh đất nhà ông Hải bị thu hồi cho dự án
Mảnh đất nhà ông Hải bị thu hồi cho dự án 
Cũng như ông Thanh, anh Nguyễn Xuân Phước bị thu hồi 690m2 đất gia đình đang sinh sống với số tiền đền bù hơn 1,9 tỷ đồng. Ông Trần Công Ngự cũng phải nhường gần 400m2 đất cho dự án với số tiền đền bù hơn 900 triệu đồng. Phải nói thêm là khu vực các hộ dân đang sinh sống là trung tâm đường vào ngã ba Nhà máy thép Formusa, giá đất thị trường tại đây luôn cao hơn những khu vực bình thường khác. 
Trước đó, các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp không có đất sản xuất nên đều vay mượn tiền ngân hàng để xây nhà trọ phục vụ công nhân khu vực Cảng. Mỗi tháng thu được 1,5 đến 2 triệu đồng/phòng. Gia đình ông Hải có 3 phòng trọ, mỗi tháng cũng có khoảng 4-5 triệu, tiền vay mượn ngân hàng xây nhà chưa trả hết, nay đã lại phải đập phá để nhường đất cho dự án.
Bên cạnh băn khoăn đất bị thu hồi và về khu tái định cư, không có đất sản xuất, nơi ở mới cũng không thể xây nhà nghỉ, nhà trọ để làm dịch vụ, những hộ dân bị thu hồi đất còn đau đáu nỗi lo khi đất được đền bù với giá không tương xứng so với thị trường. UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng cần sớm kiểm tra giải quyết khiếu nại để đảm bảo quyền lợi cho người dân bị thu hồi đất và sự công bằng của pháp luật.   

Đọc thêm