Nơi chính quyền số dẫn đầu toàn quốc...

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Tại Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và xác định phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tuyên dương một số tỉnh, thành đã có cách làm mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả cải cách hành chính trong từng lĩnh vực, phù hợp với điều kiện địa phương.
Giao diện Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh thân thiện với người dùng, tỉ lệ hồ sơ đúng hạn đạt 99%. (Ảnh chụp màn hình).
Giao diện Cổng dịch vụ công tỉnh Quảng Ninh thân thiện với người dùng, tỉ lệ hồ sơ đúng hạn đạt 99%. (Ảnh chụp màn hình).

Trong đó, Quảng Ninh nổi bật là cái tên rất sáng giá, dẫn đầu toàn quốc trong nhiều chỉ số đánh giá về chuyển đổi số trong giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.

Vì người dân và doanh nghiệp, sẵn sàng xin lỗi

Công cuộc cải cách hành chính (CCHC), xây dựng chính quyền điện tử, các thành phố thông minh, hướng tới xây dựng chính quyền số và cơ quan nhà nước “không giấy tờ” trên toàn tỉnh Quảng Ninh là minh chứng cho nỗ lực toàn diện, tư duy đột phá, thống nhất, đoàn kết của các cấp chính quyền địa phương trong một quá trình lâu dài. Đặc biệt, điều quan trọng nhất của công cuộc này là thiết lập nền hành chính phục vụ một cách đúng nghĩa, lấy trung tâm, thước đo giá trị thực tế, nhất là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.

Câu chuyện về lời xin lỗi từ chính quyền khi chậm trễ thủ tục cho công dân có thể là một điều rất lạ lùng, hiếm gặp tại các cơ quan hành chính trên cả nước nhưng dường như lại là một “đặc sản” của tỉnh Quảng Ninh. Điển hình vào năm 2015, một người dân xã Tiên Lãng (huyện Tiên Yên) làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đã bị chậm kết quả 02 ngày so với lịch hẹn, phải đi lại nhiều lần. Hoài nghi về việc “bị gây khó dễ”, người dân này bất ngờ nhận được bức thư xin lỗi của UBND xã Tiên Lãng. Trong thư nêu rõ nguyên nhân khiến hồ sơ bị chậm, gửi lời xin lỗi chân thành để người dân và cam kết khắc phục tình trạng chậm trễ sớm nhất có thể.

Theo thống kê của Báo cáo chỉ số SIPAS 2022 Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, trong tổng số 2,02% số người được hỏi trả lời về việc nhận được kết quả trễ hẹn thì 70,45% trả lời nhận được thư xin lỗi của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính khi hồ sơ trễ hẹn và 29,55% số người được hỏi trả lời không được cơ quan xin lỗi về sự trễ hẹn. Tỉ lệ này có sự cải thiện qua các năm, năm sau tốt hơn năm trước. Nhằm tăng cường hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, giảm thiểu sự phiền hà cho nhân dân.

Một “đặc sản độc, lạ” khác của Quảng Ninh còn phải nói tới những bức thư chúc mừng, thư chia buồn tới các gia đình, người dân khi đến làm thủ tục hành chính. Tiêu biểu, chính quyền TP. Uông Bí gửi thư chúc mừng một em bé mới chào đời sau khi bố mẹ bé đi làm giấy khai sinh cho con, gửi thư chia buồn tới các gia đình làm thủ tục chứng tử cho người thân qua đời. Những cách làm sáng tạo, gần gũi, thân thiện này đã tạo cho người dân ấn tượng tích cực về cung cách, thái độ giải quyết thủ tục hành chính của các cấp chính quyền, cán bộ, công chức.

Những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh cũng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, văn bản pháp luật quan trọng nhằm đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đơn cử như Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; Nghị quyết số 124/NQ-HĐND ngày 04/11/2022 của HĐND tỉnh. Đáng chú ý, trong Đề án đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rõ mục tiêu: “Tỷ lệ đánh giá mức độ hài lòng của tổ chức, người dân qua các kênh đánh giá luôn đạt tỷ lệ trên 99%, trong đó mức độ hài lòng về giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan và hỗ trợ doanh nghiệp đạt tối thiểu 90%”.

2022 là năm thứ 5 tỉnh Quảng Ninh triển khai SIPAS và cũng được tổ chức đánh giá với 03 khối cơ quan: các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. SIPAS 2022 mang đến một bức tranh toàn diện, chi tiết về chất lượng cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của 41 cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, phản ánh cả những kết quả tích cực và hạn chế, đồng thời cũng cho thấy những mong đợi của người dân, tổ chức về cung ứng dịch vụ công.

Kết quả SIPAS 2022 cho thấy có 95,40% người dân, tổ chức hài lòng về việc cung ứng dịch vụ công, sự phục vụ của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng đối với 5 yếu tố được đánh giá của quá trình cung ứng dịch vụ công ở các mức độ khác nhau, trong đó kết quả giải quyết thủ tục hành chính nhận được tỷ lệ hài lòng cao nhất với 97,64%, tiếp đến là công chức trực tiếp hướng dẫn lập hồ sơ, tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục hành chính với 97,23%, 95,80% hài lòng về việc tiếp nhận, xử lý các ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị, 93,92% hài lòng về thủ tục hành chính và cuối cùng là việc tiếp cận dịch vụ hành chính công nhận được sự hài lòng là 93,22%. Theo thông tin từ Sở ngoại vụ, Uông Bí, Đông Triều, Vân Đồn hiện là những địa phương có thứ hạng cao trong Chỉ số CCHC và Chỉ số SIPAS.

Bằng nhiều hành động, giải pháp hết sức thiết thực, mới mẻ, các cấp chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã chứng minh bản chất của nền hành chính là sự hiện đại, hiệu quả, minh bạch vì nhân dân phục vụ. Trên nền tảng đó, công cuộc CCHC ở tỉnh có những bước đột phá mạnh mẽ, quan trọng, tác động sâu rộng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nền hành chính “không giấy tờ”

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhiệt tình đón tiếp, hướng dẫn nhân dân đến giải quyết thủ tục hành. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh).

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhiệt tình đón tiếp, hướng dẫn nhân dân đến giải quyết thủ tục hành. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Quảng Ninh).

Bên cạnh động lực - thước đo giá trị sự hài lòng của nhân dân, chuyển đổi số là một trong những trụ cột quan trọng nhất của công cuộc CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Những năm qua, việc khai thác, sử dụng Hệ thống Chính quyền điện tử, Chính quyền số phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của Lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành và các địa phương liên tục được quan tâm triển khai, đẩy mạnh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đến nay, tỉnh đã tạo lập được hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin vững chắc, huy động được sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các sở, ngành, địa phương cũng như người dân, doanh nghiệp trên toàn tỉnh.

Đến tháng 4/2022, 100% địa phương trong tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số do Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố làm Trưởng Ban Chỉ đạo; 100% sở, ngành đã thành lập Ban Chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng Ban. Công cuộc chuyển đổi số diễn ra toàn diện, lan toả đến từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân.

Điển hình, Kho bạc Nhà nước Quảng Ninh, tính đến cuối năm 2022 đã cung cấp 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước mức độ 4 và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện đồng bộ, toàn diện chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ hải quan, như: Duy trì, bảo đảm vận hành an toàn, ổn định Hệ thống khai báo, thông quan điện tử VNASSS/VCISS; 100% tờ khai đối với hàng hóa xuất nhập khẩu được khai báo trên hệ thống thông quan tự động; duy trì hiệu quả đề án thu thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7…

Trong lĩnh vực tư pháp, các cơ quan thi hành án dân sự (THADS) tỉnh triển khai “Bộ phận một cửa” giải quyết đối với một số thủ tục trong THADS, đẩy mạnh các phần mềm hỗ trợ trực tuyến THADS trong quá trình quản lý quá trình thụ lý, tổ chức thi hành án, thống kê thi hành án, hỗ trợ trực tuyến THADS… Bên cạnh đó, Toà án nhân dân tỉnh hiện đang bám sát chỉ đạo của Toà án nhân dân Tối cao về việc xây dựng và hướng tới nền tảng xét xử trực tuyến dùng chung cho tòa án các cấp, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu quản lý án điện tử, vận hành tòa án điện tử, áp dụng phầm mềm trợ lý ảo... Bên cạnh thí điểm phát thanh trực tiếp tại phiên tòa, các đơn vị duy trì công khai các hoạt động, bản án, quyết định của tòa án; nghiên cứu các án lệ để áp dụng trong thực tiễn xét xử;…

Báo cáo Kết quả Đánh giá mức độ Chính quyền điện tử, Chính quyền số cấp sở, cấp huyện và cấp xã tỉnh Quảng Ninh năm 2022, tỉnh đã trở thành địa phương dẫn đầu cả nước được xếp hạng trong Chỉ số CCHC (PAR index năm 2017, 2018, 2019, 2020), đứng thứ 02 năm 2021; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI năm 2017, 2018, 2019, 2020, 2021). Bên cạnh đó, Quảng Ninh liên tiếp đứng thứ 4 toàn quốc về ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin - truyền thông (ICT index) trong 03 năm (2016, 2017, 2018) và đã vươn lên vị trí thứ 3 năm 2019, năm 2021 đứng vị trí thứ 7 về chuyển đổi số.

Đọc thêm