Nỗi lòng của “dị nhân” nhặt rác

(PLO) - Cuộc sống ông Nguyễn Đình Chiểu (ở cụm 9, thôn Vương Điện, Ngọc Tảo, Phúc Thọ, Hà Nội) sinh ra đã bất hạnh với căn bệnh lạ quái ác... khi ông lấy vợ, tưởng chừng như được bù đắp được phần nào cuộc sống thiếu may mắn. Nhưng không ngờ nỗi đau chồng chất nỗi đau lại "giáng" xuống gia đình ông.

Nỗi lòng của “dị nhân” nhặt rác

Tuổi thơ nghiệt ngã

Ông Chiểu, sinh năm 1961, trong một gia đình 6 chị em. Lúc mới sinh ông bình thường như bao đứa trẻ khác. Một tuần sau khi sinh, đằng sau gáy ông xuất hiện một cục thịt thừa như hạt đỗ đen, nhưng vẫn khỏe mạnh, phát triển bình thường. Bố mẹ ông nghĩ đó là hiện tượng bình thường nên khi lớn lên thì nó sẽ tự mất. Nhưng không ai ngờ chính cục thịt thừa nhỏ bằng hạt đỗ đó sau nay lại mang lại đau đớn, bất hạnh cho đứa con của mình suốt cuộc đời. 
Bất hạnh ập đến khi ông lên 17 tuổi, cục thịt thừa đó to như quả trứng gà và trở nên vướng víu, đau nhức. Gia đình vội vàng đưa ông lên bệnh viện Sơn Tây, thăm khám. Tại đây bác sĩ kết luận cục thịt đó là khối u thịt lành tính và được cắt bỏ.
Gương mặt của ông Nguyễn Đình Chiểu
Gương mặt của ông Nguyễn Đình Chiểu 
Tưởng chừng sau khi cắt bỏ khối u đi ông sẽ không phải chịu những trận đau nhức hành hạ cơ thể. Nhưng một tháng sau khối u cắt bỏ lại mọc lên và hàng nghìn khối u nhỏ khác chen chúc mọc lên khắp cơ thể, nhưng lạ là không gây đau đớn cho ông.
Hốt hoảng, lo lắng như ngồi trên đống lửa, gia đình vay mượn tiền rồi ngược xuôi đưa ông đến gõ cửa cầu cứu các bệnh viện. Nhưng đều nhận được những cái lắc đầu của bác sĩ. Cuối cùng gia đình ông chết lặng khi các bác sĩ đều nhận định bệnh của ông là một căn bệnh lạ, hiếm gặp.
Căn bệnh quái dị nên khiến ngoại hình ông càng ngày càng trở nên khiếp đảm với mọi người. Tuổi thơ ông gắn liền với cuộc sống lang thang khắp nơi, vật vờ, chỉ biết đến bữa mới về nhà ăn cơm.
Sau này ông còn mang cả rác thải về nhà, nhìn cảnh đó người mẹ lại rưng rưng nước mắt, cụ Bạn (mẹ của ông Chiểu) kể :“ Nó tha về những thứ bỏ đi, bẩn thỉu, độc hai, tôi mắng nó nhưng nó không nói gì cả. Tôi đem vứt đi, nó lại tha về. Nhìn anh, chị, em nó và con người ta tầm tuổi nó có nghề nghiệp ổn định, vợ con đuề huề mà tôi như đứt từng khúc ruột. Tôi mắng, chửi nó không chuyển, nên đành để nó làm việc nó thích”. 
“ Lúc biết bệnh của mình không chữa được tôi chán đời lắm. Khối u mọc ngày càng nhiều khiến mọi người nhìn thấy đều khiếp sợ, nhiều người gọi tôi là quỷ, dị nhân, người đội lốt quỷ. Tôi biết với hình dạng của mình thì không ai giám thuê, mướn làm việc. Nên hàng ngày tôi đi lang thang nhặt rác về bán mong phần nào đỡ đần được cha mẹ”. Ông Chiểu ngậm ngùi tâm sự.
Hạnh phúc ngắn ngủi của người đàn ông xấu số
Sau nhiều lần đi nhặt rác, chàng trai với ngoại hình dị dạng gặp Vũ Thị Mơ, sinh năm 1962, người cùng thôn, gia cảnh nghèo khó, tuy không được khôn như người bình thường, nhưng bà yêu ông Chiểu thật lòng. Năm 1987, một đám cưới nho nhỏ được hai bên gia đình tổ chức cho họ. 
Sau khi lấy vợ ông Chiểu được bố mẹ cho ở riêng và cho 3 sào ruộng. Hàng ngày ông đi nhặt rác kiếm tiền mưu sinh, còn vợ ông làm nông nghiệp. Cuộc sống kham khổ, khó khăn cứ như thế trôi đi nhưng ông bà rất vui vẻ, hạnh phúc. 
Những giọt nước mắt vỡ òa vì hạnh phúc khi bà Mơ sinh ra được hai cô con gái lành lặn. Người dân nơi đây hết sức nể phục mối tình có một không hai này đơm hoa kết trái. 
Căn nhà của ông Nguyễn Đình Chiểu
Căn nhà của ông Nguyễn Đình Chiểu 
Nhưng niềm vui đó bị dập tắt khi, người con gái thứ hai của ông bà càng lớn, càng trở nên đờ đẫn, ngờ nghệch không làm được việc gì. Bất hạnh hơn, năm 2010, sau lần ngã xe đạp bà Mơ bị liệt nửa người, đặt đâu nằm đấy, không nói được.
Để chữa bệnh cho vợ, số tiền tích cóp được trong bao năm nhặt rác của ông Chiểu đổ hết vào bệnh viện. Và số tiền vay mượn cũng dần tăng lên. Sau hai năm điều trị ở nhiều bệnh viện, bằng nhiều phương pháp, bệnh tình bà Mơ có dấu hiệu thuyên giảm.
Nhưng số phận nghiệt ngã, cứ bám diết không chịu buông tha cho gia đình bé nhỏ của ông. Bệnh đỡ, bà Mơ tập đi hy vọng nhanh chóng bình phục để phụ giúp chồng nuôi con cái. Nhưng trong một lần tập đi bà bị ngã, tai biến mạch máu não rồi mất.
Ông Chiểu, nghẹn ngào trong nước mắt: “ Ông trời thật bất công với tôi. Số vợ chồng tôi bất hạnh quá”. Nói đến đây, hai hàng nước mặt của ông chảy dài trên khuôn mặt đen xạm, sần sùi với hàng nghìn khối u.
Nỗi lo vẫn còn đè nặng 
Thương hoàn cảnh của ông, người dân trong xóm đã bầu ông làm công việc dọn vệ sinh môi trường. Cứ như thế, 6 năm nay, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông đều hai lần kéo chiếc xe trở rác đi khắp các con ngõ trong xóm để gom rác thải rồi đem đổ vào bãi rác.
Hàng ngày ông vẫn đi khắp cụm để thu gom rác thải.
Hàng ngày ông vẫn đi khắp cụm để thu gom rác thải. 

Đồng lương dọn vệ sinh không được là bao trong khi vừa phải nuôi hai người con ăn học vừa phải trả nợ, khiến cuộc sống của ông Chiểu cứ túng trước, thiếu sau. Để có thêm thu nhập trong lúc đi thu gom rác thải, ông lại để riêng những chiếc túi bóng, nhựa mang về nhà rửa sạch tích góp vài ngày rồi bán. Dù hoàn cảnh khó khăn như thế, nhưng suốt bao nhiêu năm qua ông Chiểu không được hưởng trợ cấp của Nhà nước.

Thấy ông vất vả kiếm tiền, hai cô con gái đang học đã xin nghỉ ở nhà để đỡ đần những công việc vặt. “Mấy năm trước đồng lương dọn vệ sinh không được là bao. Năm ngoái lương tăng lên được 12 triệu/1 năm nên tôi đã trả hết nợ rồi. Giờ già rồi, sức khỏe cũng giảm, giờ kiếm được rau thì ăn rau, cháo thì ăn cháo”. Ông Chiểu vui vẻ khoe niềm vui đã trả được nợ. 

Con gái đầu của ông Chiểu đã lập gia đình và có một đứa con. Nhưng hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn nên không thể giúp đỡ được gì cho ông.

Nói về hai người con của mình, ông Chiểu trầm tư lo lắng: “Tôi thương chúng lắm, từ nhỏ hai đứa đã chịu nhiều thiếu thốn, thiệt thòi. Cái Nhạn, càng lớn càng trở nên đần độn, ngờ nghệch. Nhiều đêm mất ngủ tôi lại khóc thầm không biết sau nay mình mất đi đứa con tội nghiệp của mình biết sống ra sao”.

Khi được hỏi về ước mơ của mình, ông Chiểu, cho biết: “Tôi chỉ mong ông trời cho sống ngày nào hay ngày ấy, để tôi có thêm thời gian chăm sóc đứa con bất hạnh của mình thôi”.

Đọc thêm