Nữ công nhân sống “mòn” nên yêu tạm bợ

(PLO) - Bước vào đời công nhân vất vả, đi làm tăng ca, tăng kíp, những thôn nữ ngày nào có khi chẳng còn thời gian dành cho bản thân. Nhưng như bao thiếu nữ khác, họ cũng khát khao yêu và được yêu song với cuộc sống "mòn", tình yêu cũng chỉ dừng ở mức tạm bợ.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Yêu chán thì bỏ, chẳng tơ vương
Trở lại làng Bầu, huyện Đông Anh (Hà Nội) vào một ngày nắng đẹp, bỗng nhiên thứ mà chúng tôi nghĩ đến nhiều nhất là tình yêu, tình yêu mơn mởn của những nữ công nhân đang tuổi ăn, tuổi lớn chứ không phải là cuộc sống khó khăn, luẩn quẩn của họ. Trong đầu chợt lóe lên hình ảnh căn phòng 10m2 hôm nào với hai đôi dép của nam và nữ, những căn nhà có hai dãy trọ “úp” mặt vào nhau.
Cũng chính vào giờ này, chúng tôi lại gõ cửa. Vẫn chính cô bé tên Khanh (SN 1993, quê Thanh Hóa) - một trong 5 cô gái sống trong căn phòng trọ 10m2- mắt nhắm, mắt mở mời chúng tôi vào nhà, nhưng lúc này đã không còn lạ lẫm. “Chàng trai bữa nọ đâu rồi em. Cái anh chàng tóc hoe vàng, da trăng trắng ấy?”. Đặt cốc nước xuống giường, em uể oải: “Cái thằng hôm trước các chị nhìn thấy đấy hả? Bỏ rồi. Yêu cũng được hai tháng cơ đấy”.
Vậy là một mối tình nữa “xoẹt” qua đời cô bé, dù lúc này Khanh mới 21 tuổi, vẫn còn trẻ lắm, cả về tuổi đời lẫn... “tuổi yêu”. Theo lời kể ráo hoảnh của cô bé, chàng trai đó tên Hùng, quê Vĩnh Phúc, hơn Khanh 3 tuổi, cũng là công nhân, trước đây ở cùng xóm trọ. Hai người yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên, rồi để tiện đi lại, không bị mọi người dị nghị, Hùng chuyển sang trọ ở xóm bên. Thời gian đầu yêu đương, vì nhà hẹp, lại đông người, không có không gian riêng bên nhau, hai người thường đi chơi, uống nước quanh khu công nghiệp. Dần dần sau đó, các chị các bạn cùng phòng trọ phải tăng ca, tăng kíp, Hùng cứ tranh thủ những lúc Khanh chỉ có một mình để sang chơi... Được một thời gian, dường như cả hai cùng cảm thấy chán nhau, thế nên chia tay.
Khi được hỏi vừa đi qua một cuộc tình, có buồn không, cô bé trả lời nhẹ bẫng: “Cả phòng 5 chị em, bốn đứa có người yêu, chẳng lẽ mình lại không. Chứ cả hai cùng là công nhân, lại người Thanh Hóa, người Vĩnh Phúc thì tương lai gì hả chị”. Câu trả lời chợt khiến người nghe “bỗng dưng muốn... khóc”.
Dù làm việc vất vả, như bao phụ nữ khác, họ vẫn muốn yêu và được yêu (ảnh minh họa) 
Quyết không yêu đồng nghiệp
Sống cuộc sống xa nhà, thiếu thốn tình cảm, nhiều thiếu nữ thôn quê làm công nghiệp thường chọn cho mình những cuộc tình chóng vánh như vậy. Phần đa, họ yêu những chàng trai ở cùng xóm trọ hoặc làm cùng công ty. Thỉnh thoảng rủ nhau đi chơi, mời nhau ly chè, cảm thấy hứng thú còn có thể dọn về ở chung như vợ chồng. Sau một thời gian không hợp lại… bỏ.
Đến làng Đại Đồng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội vào buổi tối, không khí có vẻ vui tươi, rộn rã hơn. Thấp thoáng lại thấy có một chàng trai ăn mặc chỉnh tề, dựng xe ngoài cổng, có vẻ đang chờ đèo bạn gái đi chơi. Trong xóm, thỉnh thoảng lại vẳng ra tiếng gọi: “Này đi chơi nhớ về sớm, đừng có đi một, về hai đấy nhé”. Rồi một tràng cười giòn giã vang lên.
Trong không gian rất nhiều tiếng cười ấy, chúng tôi chú ý đến một phòng trọ nhỏ, chỉ có một cô gái đang ngồi ôm gối bên cửa sổ, tảng lờ mọi tiếng cười đùa của các chị em trong xóm. Chào hỏi làm quen, cô gái cho biết tên là Trịnh Thị Việt Hằng (SN 1994, quê Vĩnh Phúc).
Trẻ hơn Khanh nhưng hình như Hằng có vẻ chín chắn hơn trong tình yêu. Hay nói đúng hơn, Hằng may mắn hơn khi đã tìm cho mình được một bến đỗ phần nhiều chắc chắn. Hằng chia sẻ, ra Hà Nội làm công nhân đã gần hai năm, hiện thuê riêng cho mình một phòng trọ nhỏ để tiện mỗi khi người yêu từ quê xuống chơi. Cô bạn chia sẻ: “Chúng em yêu nhau đã được hai năm, trước khi em xuống Hà Nội làm công nhân. Anh ấy cùng quê, đang làm điện nước, lương cũng được gần 3 triệu một tháng. Chúng em bàn nhau để em đi làm công nhân một thời gian, kiếm chút vốn rồi mai này cưới, hai vợ chồng tính làm việc khác”. 
Qua cuộc nói chuyện, Hằng tỏ vẻ hiểu rõ được sự khó khăn của đời công nhân nên cô cũng không muốn yêu và lấy một chàng trai cùng nghề. Cô bé chọn cho mình một người ở quê để có thể quay về, mặc dù khi đó hai vợ chồng sẽ làm gì thì cũng chưa xác định được. Ghi nhận để thấy đó cũng là một cách nghĩ và một cách yêu của cô gái thôn quê làm công nghiệp.
Yêu chỉ để mà yêu
Có một thực tế là ở các khu công nghiệp, nữ luôn có số lượng đông hơn nam nhiều lần, vì thế việc tìm cho mình một mảnh tình, một người yêu, một hạnh phúc cũng là cả một chặng đường gian nan. Có những thôn nữ đi làm công nhân rồi sợ... “ế”. Như Đào Thị Linh (SN 1984, quê Phú Thọ), cô đã có “thâm niên” 12 năm làm công nhân, 8 năm bươn chải ở đất Sài Gòn, 4 năm làm ở Hà Nội. Đến nay, Linh đã 30 tuổi nhưng vẫn phòng đơn, gối chiếc.
Linh tâm sự: “Cuộc sống công nhân ăn nhà máy, ngủ nhà máy, đến bữa lùa vội bát cơm rồi lại vào nhà máy thì lấy đâu người yêu. Bố mẹ giục lấy chồng mãi rồi cũng chán, vì có ai đâu mà lấy”.
Nhưng với một người có vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt xinh xắn như Linh, lý do “không có người lấy” e rằng chỉ là một cái cớ. Khơi gợi mãi, cuối cùng Linh cũng chia sẻ thật lòng. Hóa ra, cô cũng đã từng yêu say đắm một chàng trai làm cùng công ty thời còn ở TP.HCM. Những tưởng yêu nhau rồi lấy được nhau, nhưng cuối cùng chính sự bí bách của đời công nhân đã khiến hai người nản chí và từ bỏ. Từ đó, Linh như “con chim sợ cành cây cong”, không còn tin tưởng ai, không dám nghĩ đến chuyện yêu đương nữa.
Cảnh làm ca, kíp cũng khiến tình yêu của các nữ công nhân chẳng thể nào nảy nở. Chị Bùi Thị Vân (SN 1991, quê Vĩnh Phúc, công nhân của Công ty Partron Vina) tâm sự: “Nam, nữ ở đây yêu nhau hay lắm, nếu bị phân công làm trái ca thì có khi cả tháng mới được gặp nhau một lần. Nhiều đôi cũng phải bỏ nhau vì lý do đó. Như đứa bạn tôi làm công nhân lắp ráp linh kiện, yêu một anh chàng làm kỹ thuật thiết bị trong công ty. Yêu nhau được hai tháng thì bị quản lý phân lại ca. Không được gặp nhau thường xuyên, đứa con trai đòi bỏ. Hơn nữa, ở công ty nữ nhiều gấp vạn lần nam, dễ tán gái quá nên bọn con trai cứ thấy chán là bỏ”.
Yêu theo phòng trào, yêu trong tính toán, yêu để rồi sợ chẳng dám yêu… tình cảm của những cô gái thôn quê làm công nghiệp mỗi người một vẻ, nhưng đều chung một điểm: Yêu chỉ để mà yêu. Thời gian hạn hẹp, không gian gò bó, nhiều đôi nam nữ công nhân dọn về sống chung như vợ chồng được một thời gian, thấy chán lại chia tay. Hậu quả là tình trạng nạo phá thai ngày càng tăng. Nhiều trường hợp các bạn nữ còn bị bạo hành tinh thần một cách nặng nề. Đáng buồn hơn, nhiều nữ công nhân trải qua nhiều mối tình vẫn chưa tìm được bến đỗ, trở nên mất niềm tin vào tình yêu và cuộc sống. 
(Còn tiếp)
* Tên một số nhân vật đã thay đổi

Đọc thêm