Nữ sinh nhảy cầu vì nghĩ mình ăn bám

(PLO) - Hết em trai bị bỏng nước sôi, đến ba ngã bệnh, anh trai phải nghỉ học… Mọi gánh nặng gia đình đè nặng lên đôi vai gầy guộc của người mẹ. Đó là một cú sốc tinh thần quá lớn khiến cô nữ sinh tuổi đời non nớt đã nghĩ quẩn khi tự cho mình chỉ là kẻ ăn bám, vô tích sự. 
Căn nhà cấp 4 xập xệ của gia đình nạn nhân.
Căn nhà cấp 4 xập xệ của gia đình nạn nhân. 
Đó là hoàn cảnh éo le của gia đình nữ sinh Lê Thị Diễm My (SN 1997, học sinh lớp 12/9 Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu, trú tại thôn 3, đội 4, xã Điện Hòa, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Cái chết được tiên liệu trước
Khoảng 16h ngày 15/11, có một  thiếu nữ khuôn mặt buồn bã đi xe gắn máy đến giữa cầu Tứ Câu (huyện Điện Bàn), bất ngờ trèo lên thành cầu, gieo mình xuống sông. Người dân phát hiện hô hào đến cứu giúp nhưng đã quá muộn. Nạn nhân đã chìm xuống dòng nước sông chảy xiết. Gần 4 ngày sau, thi thể nạn nhân mới được tìm thấy cách địa điểm nhảy cầu tự tử 5km.
Đến thăm nhà nạn nhân, chúng tôi thực sự không cầm được nước mắt khi chứng kiến không khí tang tóc bao trùm lên căn nhà rách nát. Trên nền nhà lạnh lẽo, bố nạn nhân là anh Lê Văn Cư ngồi bệt dưới nền nhà, cặp mắt thẫn thờ vô định. Chị Nguyễn Thị Sang (mẹ nạn nhân) tay chống cằm ngồi trên ghế, mắt không thể rời khỏi bàn thờ, nơi đặt di ảnh con gái, hai dòng nước mắt chảy ròng.
Người mẹ kể rằng, sau khi My mất, người nhà mới đi tìm hiểu nguyên do từ bạn bè em thì mới được biết trước ngày mất, My có đến nhà một cô bạn thân để chơi và nói: “Mi đi ăn với tau bữa cuối cùng đi…”. Anh trai nạn nhân cho biết thêm, trước ngày mất, thấy em mình buồn bã, ủ rũ nên mới gặng hỏi, My chia sẻ là muốn nghỉ học đi Sài Gòn làm vì thấy ba mẹ khổ quá. Nghe em nói vậy, người anh mới khuyên giải: “Cố gắng học lấy bằng tốt nghiệp THPT đi rồi tính, chớ uổng phí 12 năm học. Mình anh thất học được rồi, Mi phải lo học còn sau này giúp mấy em nữa.”
Sau ngày My mất, gia đình dọn dẹp trong ngăn bàn học tập của thiếu nữ thì phát hiện một lá thư. Lá thư thể hiện tâm trạng buồn chán, tuyệt vọng và trên hết là gửi lời xin lỗi đến ba mẹ vì cho rằng mình là đứa con bất hiếu. Trong lá thư tuyệt mệnh để lại, My đã viết một dòng tâm sự như sau: “…Con bất hiếu với ba mẹ lắm! Con muốn qua bên kia thế giới để phù hộ cho ba mẹ khỏi bệnh, thoát cảnh nghèo. Mong ba mẹ tha lỗi cho con. Đứa con bất hiếu...”
Mẹ My (áo trắng) phải chịu một cú sốc tinh thần lớn khi mất con.
Mẹ My (áo trắng) phải chịu một cú sốc tinh thần lớn khi mất con. 
Một gia cảnh éo le
Căn nhà được Nhà nước hỗ trợ và gia đình vay mượn thêm xây cách đây 10 năm nay đã xuống cấp. Trong nhà không có lấy một thứ tài sản nào đáng giá ngoài bộ bàn ghế inox được người dân thị trấn Vĩnh Điện gửi tặng ngày đám tang cháu My. Thế nhưng, suốt 10 năm qua, căn nhà này là mái ấm của 6 thành viên trong gia đình. 
Là hộ nghèo, chỉ có hai sào ruộng khô để canh tác, tình cảnh gia đình vốn đã khó khăn càng trở nên túng quẫn khi liên tiếp những tai ương ập đến. Đầu tiên, đứa con trai thứ hai 12 tuổi bị bỏng nước sôi nguy kịch phải nhập viện Đà Nẵng điều trị đến nay đã gần 2 tháng. Tiếp đến, ba thiếu nữ cũng phát hiện mắc bệnh suy tim, thoái hóa cột sống không thể làm lụng gì được. Mọi gánh nặng gia đình đè lên đôi vai người mẹ. Ngày ngày, chị Sang phải đạp xe ra tận Đà Nẵng làm giúp việc. Thấy tình cảnh gia đình nghèo khó, anh trai thiếu nữ đành phải “gác” bút nghiên, đi làm kiếm tiền phụ gia đình.
Bi đát hơn khi biết My tự vẫn, lúc vớt được thi thể em lên bờ, gia đình còn không lo nổi chi phí để thuê xe chở về mai táng. Thấy hoàn cảnh đáng thương, người dân xung quanh đã  vận động, lập một thùng quyên góp. Nhờ vậy mà người nhà mới có tiền thuê xe chở nạn nhân về nhà và có thêm chi phí lo đám tang tươm tất.
Bố My đau đớn vì cái chết của con gái.
Bố My đau đớn vì cái chết của con gái. 
Thiếu nữ xấu số xưa nay được biết đến là cô gái ngoan hiền, tính trầm lặng, ít nói. Em ít đi chơi và chỉ có vài người bạn  thân. Ngoài thời gian đi học, My còn quán xuyến mọi công việc gia đình như chăm các em, bếp núc, ruộng vườn. My chưa một lần than cực khổ với anh chị bao giờ. My thương các em lắm nên không bao giờ dám ngửa tay xin bố mẹ tiền đi học thêm dù lực học còn yếu, tất cả đều tự học là chính.
Sự ra đi của Lê Thị Diễm My không chỉ để lại nỗi đau không thể bù đắp cho gia đình em, mà còn khiến chúng ta phải suy ngẫm. Làm sao để trang bị kĩ năng sống, những kiến thức liên quan đến nhận thức tâm sinh lý lứa tuổi để giới trẻ không cảm thấy lạ lẫm, bỡ ngỡ trước những biến cố thường gặp phải trong cuộc sống? Khi nào bài toán đó chưa có lời giải thì nỗi đau của những người còn sống vẫn chưa dừng lại trước những bi kịch như thế này.