Lâu đài cổ niên đại ngàn năm
Nằm ở vị trí cao rất đắc địa Thủ đô Edinburgh của Scotland được ví là thành phố “đáng sợ” nhất châu Âu và lâu đài Edinburgh là một trong những nơi đáng sợ nhất quốc gia này. Lâu đài Edinburgh nằm trên đỉnh Castle Rock, một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động suốt hơn 2.000 năm qua. Sở hữu những công trình kiến trúc tuyệt mỹ như lâu đài Edinburgh và nhiều lâu đài Trung cổ, Edinburgh là một trong những đô thị đẹp nhất châu Âu.
Tòa lâu đài được những vách đá bao quanh ở cả hướng bắc, nam và tây, nằm cao hơn mực nước biển 120m. Lối vào duy nhất là một con đường dốc nằm ở phía đông của lâu đài. Từ vị trí cao rất đắc địa, tòa lâu đài phóng tầm mắt ra cả thành phố Edinburgh. Lâu đài trước đây là pháo đài hoàng gia chính của Scotland.
|
Lâu đài cổ Edinburgh |
Cũng giống như nhiều tòa lâu đài được xây dưới dạng pháo đài khác, Edinburgh là một khu phức hợp bao gồm các bức tường có lỗ châu mai, các tòa tháp, cung điện tích tụ từ nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và một hệ thống nhà tù chằng chịt.
Ngoài ra, Edinburgh còn có một hệ thống ngầm dưới lòng đất để kết nối tòa lâu đài tới nhiều nơi, ví dụ như đường hầm bí mật dẫn tới khu phố Royal Mile, một đường khác dẫn tới Cung điện Holyrood House. Holyrood House là nơi nữ hoàng Mary từng sống, các vị vua và hoàng hậu kế vị sau đó đã biến Holyrood House trở thành cung điện nổi bật nhất Scotland, và là nơi cư ngụ của hoàng gia cho tới hiện tại.
Lâu đài này được bao quanh bởi những vách đá rêu phong, tạo nên màu sắc cổ kính, u ám. Lối đi duy nhất dẫn vào tòa lâu đài là con đường đi lên ở hướng đông. Ngay từ lối vào, bạn đã bắt gặp những bức tượng đồng ấn tượng của William Wallace và Robert the Bruce. Phía bên trong là những căn phòng được trang trí tinh xảo, đậm chất Hoàng gia, nổi bật nhất chính là: Đại sảnh với phần vòm lớn và nguy nga. Nhà nguyện Saint Margaret – công trình xây dựng từ thế kỉ 12 nhằm tưởng nhớ hoàng hậu của Malcolm III – Margaret. Và Bảo tàng Chiến tranh Quốc gia Scotland – nơi lưu dấu cả chặng đường dài lịch sử của đất nước.
Những lời đồn ma quá
Theo người dân địa phương, từ mấy trăm năm trước đây, những lời đồn đại về hồn ma ở lâu đài Edinburgh đã xuất hiện. Theo đó, lâu đài cũng là nơi diễn ra nhiều trận chiến đẫm máu, chính vì thế số lượng người chết cũng như số lượng ngôi mộ ở trong khuôn viên lâu đài cổ kính này không ít. Hơn nữa, hệ thống nhà tù chằng chịt trong các hầm ngục của Edinburgh là nơi giam giữ và tra tấn rất nhiều tù nhân, khiến cho nhiều hồn ma của họ vất vưởng, chưa được siêu thoát.
Trong đó, người ta đồn rằng một tù nhân tuyệt vọng đã trốn vào thùng chứa phân với hy vọng sẽ được đưa ra ngoài và tìm thấy tự do. Đáng tiếc chiếc xe chở thùng đã rơi xuống vách đá khiến ông cũng chết ngay lúc đó. Một số du khách kể lại rằng bóng ma của tù nhân này thường có mùi rất kinh khủng và luôn cố gắng xô họ xuống khỏi tường thành.
|
Ngày nay lâu đài Edinburgh là một địa điểm du lịch hấp dẫn |
Lời đồn này đã xuất hiện vài trăm năm nay và vẫn chưa được xác thực bằng khoa học. Một câu chuyện nữa xoay quanh lâu đài ma ám nổi tiếng này. Truyền thuyết kể rằng, khi đường hầm được phát hiện lần đầu tiên cách đây vài trăm năm, một người thổi kèn đã được phái xuống để thám thính.
Ông vừa đi vừa thổi kèn để làm tín hiệu cho những người ở trên, nhưng khi được nửa đường tới Royal Mile, tiếng kèn đột nhiên biến mất. Khi đội cứu hộ được đưa tới, không một dấu vết nào của người thổi kèn được tìm thấy. Ông ấy đã biến mất hoàn toàn. Dù rất nhiều đội tìm kiếm được phái đi nhưng không một ai tìm thấy dấu vết nào còn lại của người đàn ông xấu số ấy.
Con ma của người thổi kèn vẫn ám tại lâu đài Edinburgh tới ngày nay, và không ngừng đi dọc theo đường hầm ngầm từ lâu đài tới Royal Mile. Tiếng kèn của ông vẫn vang lên văng vẳng trong lâu đài hay tại con đường phía trên đường hầm ngầm. Ngoài ra, nhiều người cũng nghe thấy tiếng trống phát ra trong lâu đài, nhưng chưa từng có ai thấy người đánh trống nào cả. Tiếng trống chỉ xuất hiện khi lâu đài sắp sửa bị tấn công, giống như tiếng trống lệnh trong chiến tranh.
Tiếng trống ma quái được phát hiện lần đầu vào năm 1650, ngay trước khi lâu đài bị đội quân của Cromwell tấn công, mọi người đã nhìn thấy một cậu bé không đầu. Cậu bé là ai và lý do cậu ám lại tòa lâu đài đến nay vẫn chưa có lời giải. Còn một lời đồn khác nữa. Đó là vào thế kỷ 16, bà Janet Douglas bị giam ở lâu đài Edinburgh với cáo buộc là phù thủy có âm mưu giết hại vua James Đệ Ngũ. Bà bị thiêu sống vào ngày 17/07/1537 và con trai bà là Gillespie bị buộc phải chứng kiến hành động tàn ác này từ trên tường thành. Linh hồn của bà vẫn luôn quanh quẩn trong tòa lâu đài, tiếng gõ của những thanh gỗ vẫn vang lên hàng đêm trong tòa lâu đài u ám này.
Lời đồn về các bóng ma trong lâu đài Edinburg nhiều đến mức tiến sĩ Richard Wiseman ở Đại học Hertfordshire, Anh đã thực hiện một cuộc khảo sát vào năm 2001. Ông đưa 240 người tình nguyện – những người không biết về chuyện lâu đài này bị ma ám – đến đây trong 10 ngày.
Nhóm tình nguyện viên được trang bị hàng loạt thiết bị “dò ma” kỹ thuật cao như máy chụp ảnh nhiệt, máy cảm biến địa từ, máy dò nhiệt, thiết bị nhìn ban đêm và máy ảnh kỹ thuật số… Và kết quả là 51% tình nguyện viên được bố trí ở những nơi bị đồn là ma ám đã gặp hiện tượng khác thường. Chẳng hạn, họ thấy những bóng người mờ mờ, cảm thấy như bị ai chạm vào người, hoặc như bị ai theo dõi, nhìn thấy những hình ảnh mờ ảo, cảm giác bỏng rát ở cánh tay, cảm thấy một người vô hình chạm vào mặt, cảm thấy ai đó đang giật quần áo.
Bằng chứng duy nhất là một vài bức ảnh kỹ thuật số chụp được những đốm sáng dày đặc và một làn sương lạ. Mặc dù chuyện về lâu đài ma ám Edinburg có ma hay không đến nay khó mà khẳng định, nhưng nhiều nhà nghiên cứu vẫn tin rằng “có một điều gì đó huyền bí” ở đây.
Trước những lời đồn đại huyễn hoặc này, lượng khách tham quan không những không giảm đi mà còn tăng lên ít nhiều. Phần lớn, du khách vẫn muốn tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp nguy nga của tòa lâu đài, ngoài ra họ cũng muốn thử thách lòng gan dạ của mình. Nhiều du khách đến với lâu đài Edinburgh cho biết họ nhìn thấy một bóng ma thổi sáo không đầu, có du khách thậm chí còn khẳng định, họ bị những bàn tay lạnh giá giữ lấy khi đang tham quan khu vực này.
Chính vì vậy, nếu có ý định tham quan lâu đài, hãy đi cùng một nhóm người, vì đi một mình vào nơi được coi là ma ám nặng nhất Anh Quốc quả thật sẽ mang lại cảm giác không được dễ chịu cho lắm. Hơn nữa, du khách nên mặc những bộ đồ thoải mái, không lo sợ nó sẽ bị bẩn hoặc rách. Tiếp đó là nên mang giày thể thao, vì để khám phá lâu đài, cũng như những đường hầm nằm sâu tòa nhà này, du khách sẽ phải đi bộ khá nhiều.
(Còn tiếp)