Phải cải cách nhà nước để có nền kinh tế thị trường

(PLVN) -Nhà nước và thị trường là 2 yếu tố cấu thành kinh tế thị trường. Suốt 30 năm đổi mới con đường chuyển sang kinh tế thị trường của Việt Nam vẫn còn dang dở. Nhiều chuyên gia cho rằng, khâu đột phá để Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường chính là cải cách yếu tố Nhà nước.
Tọa đàm quy tụ các chuyên gia trongvaf ngoài nước

Vấn đề được đưa ra bàn thảo tại Tọa đàm "Đối thoại về thể chế Kinh tế thị trường (KTTT) Việt Nam" do Ban Kinh tế TW phối hợi với Trường Đại học kinh tế quốc dân (NEU) sáng ngày 29/7.. 

30 năm loay hoay với kinh tế thị trường  

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW (CIEM), thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng - KTTT hiện đại là nền kinh tế trong đó Nhà nước và thị trường thực hiện hợp lý vai trò và chức năng của mình, kết hợp và bổ sung cho nhau hướng đến một thị trường hoàn hảo. Còn nền KTTT định hướng XHCN mà Việt Nam đang theo duổi là trên cơ sở nền kinh tế có đầy đủ đặc trưng của KTTT hiện đại. 

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, hơn 30 năm đổi mới, con đường chuyển sang KTTT của Việt Nam vẫn còn dang dở, trong đó, điều phối hành chính vẫn chiếm ưu thế; kém “nhạy cảm” với giá cả; “mặc cả” kế hoạch, chạy theo số lượng, nền kinh tế thiếu hụt thị trường của người bán; thiếu hụt lao động…

“Hai yếu tố nhà nước và thị trường không thể tách rời. Nếu hai yếu tố này đều tốt thì nền KTTT của chúng ta được coi là nền KTTT tốt. Nhưng đáng tiếc rằng, cả vai trò Nhà nước, cả vai trò thị trường đều rất kém. Cả hai chỉ số hiệu lực của Chính phủ và mức độ phát triển thị trường của chúng ta nằm ở top dưới…” - ông Cung nói. 

Để thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ sang KTTT hiện đại, đầy đủ, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, vấn đề trước tiên là đổi mới quan niệm về KTTT XHCN.

Theo đó, trên cơ sở KTTT hiện đại, định hướng XHCN bằng việc Nhà nước XHCN làm nhiều hơn và thực hiện tốt hơn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, gồm: Nhà nước tạo nhiều hơn cơ hội phát triển cho người dân; Nhà nước đảm bảo công bằng hơn cho tiếp cận cơ hội phát triển; Nhà nước chú ý nhiều hơn đến tăng trưởng toàn diện, bao trùm; Nhà nước đầu tư vào các vùng, lĩnh vực mà kinh tế tư nhân không làm, hoặc không làm được; Nhà nước không đầu tư kinh doanh, đơn thuần tìm kiếm lợi nhuận; Nhà nước chi tiêu nhiều hơn cho phát triển giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe của người dân và an sinh xã hội.

“Tóm lại, khác biệt của KTTT hiện đại và KTTT XHCN ở chính vai trò của Nhà nước nhiều hơn, tốt hơn trong phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội…” - TS Cung nhấn mạnh.

Bà Phạm Chi Lan - nguyên Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cũng cho rằng, khi kinh tế tư nhân mới đóng góp 10% GDP thì chưa thể nói là có KTTT đầy đủ. Theo chuyên gia này, Việt Nam đã xác định xây dựng KTTT từ lâu, văn bản, nghị quyết về xây dựng KTTT ở Việt Nam rất nhiều, nhưng khoảng cách từ miệng (chủ trương, chính sách, chỉ đạo) đến tay (khâu thực hiện) còn xa lắm”- theo lời bà Chi Lan.

Cũng theo bà Chi Lan, rất nhiều người cảm nhặn rằng tốc độ chuyển đổi sang KTTT đang chậm lại. "Nền KTTT không giải quyết được tất cả vấn đề, nhưng nếu không có KTTT thì chúng ta thất bại! Phải tìm được khâu đột phá vì không có khâu đột phá thì chúng ta cứ mãi loay hoay…" - TS Nguyễn Đình Cung phát biểu.

Covid-19: Động lực cải cách…

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, sau 30 năm đổi mới Việt Nam đã thoát nghèo trở thành nước thu nhập trung bình. “Khát vọng của chúng ta là đến khi kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta đã là nước thu nhập trung bình cao. Nhưng nếu không có làn sóng cải cách đổi mới thứ hai, chúng ta vẫn sẽ chỉ ở mức thu nhập trung bình thấp hiện nay..” - bà Lan quả quyết. 

Để chuyển sang KTTT, theo TS Nguyễn Đình Cung, trước hết là nhận thức đổi mới chính trị phải phù hợp với đổi mới kinh tế. Cụ thể, đổi mới kinh tế trong giai đoạn đến năm 2030 là việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế nước ta sang KTTT hiện đại, đầy đủ theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận.

Trong đó, chuyên gia này nhấn mạnh, trọng tâm là việc Nhà nước chủ động giảm bớt và thay đổi vai trò, vị trí và chức năng của mình. Qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong phân bố nguồn lực xã hội.

Cùng với đó, đổi mới chính trị là việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền, tiếp tục mở rộng và thực thi dân chủ, đảm bảo thực hiện đầy đủ và thực chất các quyền con người, quyền công dân; thiết lập cơ cấu quản trị quốc gia không có xung đột lợi ích cân bằng giữa quyền lực, trách nhiệm giải trình đầy đủ và đến cùng trước lợi ích của nhân dân, quốc gia và dân tộc.

Đồng tình với quan điểm này, Nguyên Viện trưởng CIEM Lê Đăng Doanh cũng cho rằng phải cải cách Nhà nước, thay đổi tư duy. “Thay đổi trước hết đó là phả iăng tính minh bạch – ra quyết định - giải trình- trách nhiệm…” - ông nhấn mạnh và cho biết, đã có 90 nước công nhận KTTT ở Việt Nam nhưng Mỹ và EU chưa công nhận. “Phải tiếp tục cải cách mạnh hơn, COVID-19 lại càng thêm động lực cải cách, bởi nếu cứ thế này, chúng ta sẽ càng ngày càng khó khăn hơn…”- Ông phát biểu.

Đã đến lúc quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế

Theo GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng NEU, trên thế giới hiện nay có hai bộ chỉ số quan trọng để đánh giá mức độ phát triển nền KTTT. Thứ nhất là Index of Economic Freedom do Quỹ di sản (The Heritage Foundation) và Tạp chí phố Wall (The Wall Street Journal) của Mỹ xây dựng từ năm 1995; Thứ hai là Economic Freedom of the World do Viện Fraser Institute (Canada) xây dựng.

GS.TS. Trần Thọ Đạt cho biết, đã đến lúc chúng ta phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền KTTT đầy đủ của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp.

Ông đánh giá, trong bối cảnh nền kinh tế mới, đặc biệt sau đại dịch Covid-19- đại dịch đã gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, trong “nguy” vẫn có “cơ”, đó là nền kinh tế số, những chủ thể kinh tế nào tận dụng được chu thể kinh tế này thì sẽ rất thành công trong tương lai. Để làm được điều này, theo GS.TS Trần Thọ Đạt, thể chế phải nhanh, nhạy, chủ động khi những phương thức mới ra đời…

Chia sẻ kinh nghiệm thế giới về tự do kinh tế và khả năng vượt bẫy thu nhập trung bình của các nước đang phát triển, TS.Fred McMahon (Fraser Institute - Canada) đã nói rằng xuyên suốt chiều dài lịch sử, tự do thương mại toàn cầu, các nền kinh tế tự do và tự do kinh tế đã mang cho loài người những lợi ích không đong đếm nổi.

 Ông cho rằng, Việt Nam đã có thành tích tăng trưởng đáng nể nhưng lưu ý, khi các quốc gia ngày càng giàu, tốc độ tăng trưởng đã chậm dần và nhiều quốc gia đã từng có thành tích tăng trưởng cao như Việt Nam nhưng đã tàn phai bởi những quốc gia này thất bại trong việc cải thiện tự do kinh tế. 

“Tự do kinh tế tạo ra động năng để tăng trưởng vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đó cũng là lý do tại sao công dân của các quốc gia tự do kinh tế được hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn…”-  TS.Fred McMahon nhấn mạnh.

Đọc thêm