Phải lập kỷ lục mới trong tăng trưởng quý 4

(PLO) - Theo thông tin từ Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2017 ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng trưởng năm ngoái, khẳng định tính kịp thời và hiệu quả của các giải pháp được Chính phủ ban hành. Tuy nhiên, còn rất nhiều thách thức mới đạt được mục tiêu GDP 6,7% cả năm.
Sản xuất linh kiện điện tử được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá cho GDP quý 4
Sản xuất linh kiện điện tử được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá cho GDP quý 4

GDP ước tính quý 3 tăng cao nhất từ trước tới nay

Cụ thể, theo báo cáo của Tổng cục thống kê, GDP quý 1 tăng 5,15%, GDP quý 2 tăng 6,28% và GDP quý 3 ước tính tăng 7,46%; đưa tổng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,47%. 

Theo lý giải của đại diện Tổng cục Thống kê (TCTK), GDP quý 3 tăng đột biến là do lần đầu tiên ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 12,77%, trong đó phải kể đến việc Samsung đã sản xuất thành công và xuất khẩu điện thoại S8, mức tăng xuất khẩu lên tới 41%, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng quý 3. 

Ngoài ra, ngành thủy sản cũng đã có con số tăng trưởng đáng kể với mức tăng hơn 5% nhờ chuyển đổi từ cơ cấu nông nghiệp từ cây lúa sang nuôi trồng thủy sản, mang lại giá trị cao hơn. Theo ông Vương Bích Lâm, Tổng cục trưởng TCTK, số liệu thống kê cho thấy, khi chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp như trên thì giá trị tăng trưởng của ngành Nông nghiệp gấp đến 4,5%. 

Cũng theo ông Lâm, với các số liệu đã công bố, dự tính GDP quý 4 phải đạt mức tăng trưởng đến 7,31% mới đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm và đây cũng là mức tăng trưởng chưa bao giờ xuất hiện trong quý nhiều năm trở lại đây bởi theo thống kê, chưa có quý 4 năm nào vượt qua mức tăng 7,31%. 

Đây sẽ là một thách thức không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam, nhất là khi mới đây, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã hạ mức tăng trưởng của Việt Nam, theo đó, dự báo GDP của Việt Nam sẽ chỉ đạt 6,3% cho cả năm 2017.

Lý giải về chuyện hạ mức tăng trưởng của ADB, ông Lâm cho rằng, ADB căn cứ vào 10 điểm tạo ra rủi ro cho nền kinh tế thế giới, trong số 10 điểm này, Việt Nam có rất nhiều điểm như ảnh hưởng, trong đó ảnh hưởng đáng kể nhất phải tính đến việc biến đổi khí hậu. 

Ông Lâm khẳng định, từ các số liệu thống kê, từ các tín hiệu phát triển và sự điều hành sát sao của Chính phủ, mục tiêu tăng trưởng 6,7% của Việt Nam là hoàn toàn có thể đạt được nhờ vào các tín hiệu như sản xuất linh kiện điện tử tăng, khu vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng. 

Đặc biệt, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 9 tháng năm 2017 tăng mạnh, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới, cấp vốn bổ sung và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2016. 

Theo ông Lâm, chỉ số tăng trưởng của Việt Nam đạt chất lượng tăng trưởng tốt vì theo tính toán, để có được mức tăng trưởng như kế hoạch thì số vốn đầu tư  phải đạt 11,82 triệu tỉ USD. “Tuy nhiên, theo tính toán sơ bộ, với diễn biến hiện nay thì số vốn đầu tư chỉ cần đạt đến 11,64 triệu tỉ USD là chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Như thế rõ ràng chỉ số tăng trưởng chất lượng tốt” – ông Lâm cho biết. 

CPI sẽ dưới 4% nếu… không tăng giá điện

Lần đầu tiên trong lịch sử, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt ngưỡng 19 tỉ USD trong tháng 9, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Tính chung cả 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 254 tỉ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế nhà nước đạt 43,2 tỉ USD, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 110,8 tỉ USD. 

Đáng chú ý, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu 400 triệu USD, nhập siêu lên tới 442 triệu USD, trong đó thị trường nhập siêu tăng mạnh nhất vẫn là Hàn Quốc, lên tới 23,3 tỉ USD, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm 2016. Theo lý giải từ đại diện TCTK, sở dĩ nhập siêu Hàn Quốc tăng mạnh là so Samsung mở rộng đầu tư sản xuất nên phải nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị từ đất Hàn Quốc vào Việt Nam. 

Tuy nhiên, cũng theo vị đại diện này, con số nhập siêu trong 3 tháng cuối năm sẽ giảm mạnh, do là thời điểm các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tập trung sản xuất để đón đầu cung ứng hàng hóa cho năm mới 2018. 

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2017 tăng 0,59% so với tháng trước; CPI bình quân 9 tháng năm 2017 tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Theo ông Lâm, với chỉ số giá tăng nhưng có thể lý giải được (do tăng học phí; do giá cả thực phẩm tươi sống tăng cao tại một số nơi sau bão lũ; do giá xăng dầu tăng 2 đợt…) nên mục tiêu kìm hãm chỉ số CPI dưới 4% trong năm 2017 hoàn toàn có thể đạt được với điều kiện Chính phủ không được tăng giá điện trong năm nay. 

Đọc thêm