Được đình chỉ bị can, chủ doanh nghiệp vẫn quyết kêu oan

(PLO) - Tuy đã được đình chỉ điều tra bị can về tội “Trốn thuế” nhưng suốt nhiều năm nay, ông Hồ Thanh Hải (Chủ DNTN Bình Hưng) vẫn liên tục kêu oan và cho rằng việc đình chỉ như trên chỉ nhằm “né” trách nhiệm bồi thường oan sai trong vụ án này.
Ông Hồ Thanh Hải.
Ông Hồ Thanh Hải.

7 lần điều tra bổ sung, không thể kết tội

Thời kỳ năm 1999-2001, ông Hải (lúc đó là Chủ DNTN chế biến thủy sản Bình Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hải Bình) có ký hợp đồng mua hải sản với một số doanh nghiệp dưới dạng “hợp đồng tay 3”.

Theo đó, bên mua và bên bán thực hiện hợp đồng mua bán hải sản bằng cách trực tiếp xuống các cơ sở, đại lý có hải sản để xem hàng, thống nhất giá. Chủ cơ sở, đại lý sẽ lập bảng kê và nộp thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng (GTGT); còn bên bán có trách nhiệm xuất hóa đơn GTGT và giám sát việc vận chuyển hàng đến giao tại kho bên mua.

Quan hệ mua bán “tay 3” (hàng xuất thẳng từ đại lý, không qua kho bên bán) này đã được Hội đồng giám định (HĐGĐ) của Bộ Tài chính xác định là “phương thức mua bán, giao nhận mang tính phổ biến của các đơn vị kinh doanh hàng nông sản, hải sản xuất khẩu…”.  

Tuy nhiên, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP Hồ Chí Minh  lại cho rằng việc ông Hải thực hiện mua bán “tay ba”  như  trên nhằm hợp thức hóa số hải sản mua trôi nổi không có hóa đơn chứng để lập hồ sơ xin hoàn 6,8 tỷ đồng tiền thuế GTGT và được khấu trừ thuế 18,6 tỷ đồng. 

Mặc dù từ tháng 5/2004, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã có kết luận DNTN Bình Hưng “là đối tượng được xem xét hoàn thuế GTGT” nhưng 2 tháng sau, CQĐT vẫn khởi tố và bắt giam ông Hải về tội “Trốn thuế và lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 Đến tháng 5/2012, sau 8 lần ra kết luận điều tra, 6 lần ra cáo trạng và 4 lần trưng cầu giám định về thuế, CQĐT đã phải ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Hải với lý do “hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS)” đối với tội “Trốn thuế” và “hành vi không còn nguy hiểm” (đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản).

Quan điểm “hết thời hiệu” là sai lầm

Cho đến nay, ông Hải vẫn khiếu nại và không chấp nhận lý do đình chỉ như trên vì cho rằng mình không có hành vi phạm tội, việc CQĐT cho rằng “hết thời hiệu truy cứu TNHS ” nhằm trốn trách trách nhiệm trong việc bồi thường oan sai.

Một số luật sư cũng đồng tình với quan điểm này và cho rằng việc CQĐT coi “hết thời hiệu truy cứu TNHS” là vi phạm nghiêm trọng quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự bởi thời gian điều tra vụ án dù có kéo dài thì cũng không được tính để bị can hưởng thời hiệu truy cứu TNHS.

Ngoài ra, CQĐT không phải là cơ quan chuyên môn về thuế nên khi kết luận về việc Nhà nước có bị thất thu thuế hay không thì phải căn cứ và tôn trọng Kết luận giám định do chính CQĐT đã trưng cầu giám định tại các cơ quan thuế.

Trong vụ án này, đã có hàng loạt Kết luận giám định thể hiện ông Hải không trốn thuế như: năm 2005, HĐGĐ kết luận: “DNTN Bình Hưng không có hành vi trốn thuế và là đối tượng được hoàn thuế GTGT”; năm 2007, HĐGĐ của Bộ Tài chính kết luận:

“Khi mua hàng, Cty Hải Bình đã trả đủ tiền hàng và tiền thuế theo hóa đơn. Các hóa đơn bán hàng đều được bên bán kê khai nộp thuế GTGT đúng quy định thì Cty Hải Bình được khấu trừ thuế đầu vào. Qua các khâu kê khai nộp thuế GTGT của cả hai bên (bên mua và bán) cho thấy Nhà nước chưa bị thất thu thuế GTGT…”. 

Đến nay, đại diện Bộ Tài chính vẫn khẳng định những nội dung giám định trên là kết luận chính thức. Nhưng không hiểu sao, CQĐT lại có quan điểm ngược lại với các KLGĐ trên và cứ khăng khăng rằng ông Hải đã “trốn thuế”.

Khó hiểu là việc: tuy vào đầu tháng 5/2004, Bộ Tài chính đã có KLGĐ khẳng định “không đủ cơ cở kết luận bên bán thủy sản lập hóa đơn khống để hợp thức hóa đơn, chứng từ cho NDTN Bình Hưng” nhưng hai tháng sau, CQĐT vẫn quyết khởi tố và bắt giam ông Hải về tội trốn thuế.

Trình bày với phóng viên, ông Hải nhắc lại lời phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vào sáng 29/4 tại TP Hồ Chí Minh rằng: “Chính phủ và Bộ Công an không chủ trương hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Hoạt động của lực lượng công an là để phục vụ phát triển, phục vụ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tất cả những vi phạm pháp luật dù là của cá nhân, doanh nghiệp hay của cán bộ, chiến sĩ cũng sẽ được xử lý nghiêm minh… Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam luôn coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển kinh tế…”.

Ông Hải hy vọng, với quyết tâm trên của Chính phủ thì vụ việc “hình sự hóa” của ông sẽ được các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Trung ương xem xét để đảm bảo quyền lợi chính đáng của ông và các doanh nghiệp liên quan./.

Đọc thêm