Vụ “rút ruột” Petroland 50 tỷ đi tiếp khách: Vì sao VKSND Cấp cao kháng nghị?

(PLVN) - Viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP HCM vừa ra quyết định kháng nghị phúc thẩm với 8 bị cáo trong vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ, xảy ra tại Cty CP đầu tư hạ tầng & đô thị dầu khí (Petroland).
Các bị cáo trong phiên sơ thẩm cuối năm 2020.
Các bị cáo trong phiên sơ thẩm cuối năm 2020.

Lập khống hóa đơn chứng từ chiếm đoạt hàng chục tỷ

Petroland được thành lập trên cơ sở chuyển đổi từ BQL dự án các công trình xây dựng phía Nam, vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng. Các cổ đông gồm TCty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); Cty TNHH MTV TCty Dầu Việt Nam (PVOIL); Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV); Cty CP Dầu khí Đông Đô. Trong đó, PVOIL là doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị còn lại cũng có vốn góp của Nhà nước.

Ngày 22/12/2020, Bùi Minh Chính (GĐ Petroland) và 7 người khác bị TAND TP HCM đưa ra xét xử. HĐXX xác định, từ năm 2012 đến năm 2017, Ngô Hồng Minh (Chủ tịch HĐQT Petroland), Trần Hữu Giang (PGĐ Petroland) và Chính đã cấu kết lập khống 17 hợp đồng và một phụ lục hợp đồng dịch vụ môi giới, tư vấn chuyển nhượng bất động sản, trong đó có Trung tâm thương mại - tài chính dầu khí Phú Mỹ Hưng, “rút ruột” hơn 50 tỷ đồng của Petroland.

Giang được phân công ký khống các hợp đồng dịch vụ và giấy tờ với các Cty môi giới bất động sản, hợp thức thủ tục ký kết khống. Các hợp đồng này được chuyển cho Chính ký.

Sau khi Petroland chuyển tiền vào tài khoản các Cty môi giới, Giang yêu cầu họ rút tiền mặt chuyển lại cho mình. Các Cty môi giới được hưởng 35%. Số tiền còn lại Minh giao cho Giang quản lý và “chi vào việc tiếp khách, đối ngoại, tặng quà cấp trên, đi công tác nước ngoài”.

Minh và Giang đã bỏ trốn. Cơ quan điều tra đang truy nã, khi bắt được sẽ xử lý sau.

Theo toà, trong vụ án này, ngoài Minh và Giang thì Chính có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Chính đã ký tất cả hợp đồng, chỉ đạo bộ phận kế toán lập khống hóa đơn chứng từ, dẫn đến thiệt hại cho Petroland.

Toà xác định Chính có vai trò chủ mưu cùng hai đối tượng đã bỏ trốn, rút ruột 50,6 tỷ đồng, nên tuyên phạt 7 năm tù.

Với vai trò đồng phạm, Phạm Thúy Nga (nguyên Kế toán trưởng Petroland) bị phạt 3 năm tù; Nguyễn Thị Hoàng Yến (nguyên Trưởng bộ phận kinh doanh sàn giao dịch Petroland) 5 năm tù. 5 bị cáo là GĐ Cty môi giới bất động sản và trung gian bị phạt 2–5 năm tù.

Kháng nghị tăng hình phạt

Tại văn bản kháng nghị, VKSND Cấp cao tại TP HCM đề nghị TAND Cấp cao tại TP HCM xét xử phúc thẩm sửa một phần bản án sơ thẩm theo hướng tăng hình phạt với 8 bị cáo.

VKS đánh giá, bản án sơ thẩm áp dụng hình phạt cho các bị cáo là nhẹ, không nghiêm; có vi phạm về áp dụng tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, dẫn đến quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt; vi phạm về xử lý trách nhiệm dân sự và án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án có đồng phạm.

Cụ thể, về 3 bị cáo thuộc Petroland, VKSND Cấp cao nhận định, các bị cáo đã dựa vào chức vụ, quyền hạn được giao để làm trái quy định, cùng đồng phạm gây thiệt hại cho Petroland đặc biệt lớn, hơn 50,6 tỷ đồng.

“Thiệt hại trên là gấp 50 lần số tiền định khung hình phạt theo khoản 3 Điều 356 BLHS, khung hình phạt từ 10 - 15 năm tù, nhưng cấp sơ thẩm tuyên bị cáo Chính 7 năm tù, Nga 3 năm tù, Yến 5 năm tù, nhóm bị cáo thuộc các công ty môi giới từ 2 - 5 năm tù là không tương xứng với tính chất, mức độ và hậu quả mà hành vi phạm tội của các bị cáo gây ra. Do đó không có sức răn đe, phòng ngừa tội phạm chung, cần tăng hình phạt đối với các bị cáo”, văn bản kháng nghị nêu.

Ngoài ra, bản kháng nghị dẫn quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự cho thấy việc các bị cáo giao nộp số tiền thu lợi bất chính không được xem là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trường hợp bị cáo tự nguyện nộp ít nhất một nửa số tiền thu lợi bất chính thì HĐXX có thể xem xét áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 51.

Tuy nhiên, trong vụ án, số tiền các bị cáo giao nộp là rất nhỏ so với thiệt hại mà các bị cáo gây ra (hơn 7,7 tỷ đồng, tương đương 15%). Vì vậy, cấp sơ thẩm áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS, khắc phục hậu quả để dẫn tới xử phạt dưới khung là không đúng, có thiếu sót.

Trong văn bản kháng nghị, VKS cũng cho rằng một số bị cáo được HĐXX sơ thẩm xác định là người phạm tội lần đầu, là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể và áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS để tuyên phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt liền kề.

Nhưng theo VKS, những bị cáo này cố ý thực hiện tội phạm nhiều lần, giúp sức cho Chính gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Petroland; vừa là đồng phạm giúp sức tích cực, vừa là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, nên cần áp dụng tình tiết tăng nặng “phạm tội 2 lần trở lên”, không đủ điều kiện để được áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS.

Kháng nghị cũng nêu, bản án sơ thẩm có thiếu sót khi không áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tổ chức” đối với các bị cáo đã gây thiệt hại cho Petroland. 

Đọc thêm