Phó Chủ tịch tỉnh gọi doanh nghiệp là "khách đặc biệt"

(PLO) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, ông  Lê Duy Thành gọi doanh nghiệp (DN) là những vị khách đặc biệt bởi chính họ đã đem nguồn thu cho tỉnh. Song làm thế nào thu hút được những vị khách đặc biệt này và giải quyết như thế nào mối quan hệ giữa thu hút đầu tư, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cải thiện đời sống của người dân là bài toán mà địa phương này luôn trăn trở… 
Phó Chủ tịch tỉnh gọi doanh nghiệp là "khách đặc biệt"

Công nghiệp là quan trọng nhưng nông nghiệp vẫn là nền tảng

Năm 1997, năm đầu tiên sau tái lập tỉnh, nguồn thu ngân sách của Vĩnh Phúc chỉ vẻn vẹn 80 tỷ đồng, đứng thứ 57/61 tỉnh, thành phố về thu ngân sách. Song chỉ 5 năm sau, Vĩnh Phúc đã vào “Câu lạc bộ 1.000 tỷ” và 7 năm sau có mặt trong “Câu lạc bộ 10.000 tỷ”. Từ một tỉnh phải sống nhờ vào ngân sách TƯ, 8 năm sau tái lập tỉnh, Vĩnh Phúc đã tự chủ về ngân sách và hiện là 1 trong số 14 địa phương có điều tiết về TƯ.

Giờ đây nói đến Vĩnh Phúc là người ta hình dung ngay đến các khu công nghiệp, đến các thương hiệu toàn cầu như Honda, Toyota, Canon… Có 12 trên tổng số 20 khu công nghiệp (KCN) được phê duyệt đã đi vào hoạt động với sự có mặt của DN của 17 quốc gia trong đó có các quốc gia cường quốc về công nghiệp như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… với những sản phẩm công nghiệp chiếm thị phần lớn như: ô tô chiếm 25- 30% thị phần toàn quốc, xe máy 30%, gạch ốp lát 30- 40% … 

Nói về sự chuyển mình đầy ấn tượng, Phó Chủ tịch Lê Duy Thành nhắc đến cột mốc Đại hội Đảng bộ lần thứ 12 năm 1996. Tại đại hội này, Vĩnh Phúc đã xác định chuyển đổi cơ cấu kinh tế, trong đó công nghiệp là nền tảng, du lịch, dịch vụ là mũi nhọn. Khi bắt đầu có “của ăn của để”, cũng là lúc địa phương này nghĩ đến việc quay trở lại với nông nghiệp. Nghị quyết 03 năm 2006 của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020 đã “đi trước” một bước khi xác định mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Trong 4 năm, Vĩnh Phúc đã dành nguồn kinh phí hơn 2.300 tỷ đồng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và người nông dân. Đến nay đã có 68/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 huyện đã nhận bằng nông thôn mới (Yên Lạc) và 1 huyện đang làm thủ tục nhận (Bình Xuyên). “Chắc chắn đến năm 2017, Vĩnh Phúc sẽ đạt tỉnh nông thôn mới!”- Phó Chủ tịch Lê Duy Thành quả quyết. Ông cho biết, tỉnh xác định trên 50% bà con vẫn bám ruộng bám đồng nên nông nghiệp là mặt trận quan trọng nhất.  “Chúng tôi lấy công nghiệp làm nền tảng nhưng nông nghiệp đặc biệt quan trọng…”- Ông Thành quả quyết.

“Mở cửa” đón khách…

Được biết đến là một trong những địa phương thu hút nhiều dự án FDI song dường như ở Vĩnh Phúc không có sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước hay nhà đầu tư nước ngoài. 

Ông Cao Đình Thi, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần  (CTCP) phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc, chủ đầu tư KCN Khai Quang nhớ lại những ngày đầu đầu tư ở Vĩnh Phúc. “Đó là năm 2003, khi đó đây chỉ là một cụm công nghiệp nhỏ, anh em chúng tôi sau thời gian “cày cuốc” ở nước ngoài về cũng muốn đầu tư. Số vốn đầu tư tương đối lớn, trong khi đầu tư hạ tầng cho DN vào là lĩnh vực rất mởi mẻ với chúng tôi và cả với địa phương, chúng tôi cũng rất lo. Hai bên đã cùng nhau lắng nghe, cùng nhau thấu hiểu… và chúng tôi đã đúng khi về Vĩnh Phúc để đầu tư…”- Ông Thi chia sẻ. Khó khăn lớn nhất là giải phóng mặt bằng. “Luôn luôn vướng và phải có sự vào cuộc của chính quyền!”- Ông Thi đúc rút. Ông cho biết, cả chính quyền và DN phải đồng hành để làm sao cho người dân hiểu nhà đầu tư vào là có lợi cho dân…

Còn ông Lê Minh Hải Chủ tịch HĐQT CTCP sản xuất Thép Việt Đức, một trong những DN đầu tư vào KCN Bình Xuyên từ năm 2002, khi nơi đây còn là cụm công nghiệp lại ấn tượng về thời gian giải phóng mặt bằng 6 ha đất chỉ trong vòng 1 ngày. “Môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc rất hay! Hệ thống chính trị của Vĩnh Phúc vào cuộc rất mạnh mẽ…”- Ông Hải chia sẻ.

Trên diện tích 7,3ha này trước đây là vùng đất trũng hiệu quả kinh tế thấp.

Trên diện tích 7,3ha này trước đây là vùng đất trũng hiệu quả kinh tế thấp.

Ông phân tích, chọn Vĩnh Phúc không có lợi thế về địa lý vì xa cảng biển, DN phải mất thêm cho phí vận chuyển nhưng bù lại DN có môi trường, có sự thấu hiểu chia sẻ, tuy giảm lợi nhuận một chút song vẫn có lợi cho DN về tổng thể, DN có cơ hội phát triển dài hạn. “Chúng tôi là đầu tư chiều sâu nên không đơn giản là rút đi được ngay, nên chúng tôi cân nhắc rất kỹ. Vĩnh Phúc qua nhiều thế hệ lãnh đạo đều rất tâm huyết, người đi trước truyền cho người đi sau…Tôi nói như vậy không phải nịnh các bác đó đâu. Họ hiểu bản chất vấn đề ai là người nộp thuế, ai là người nuôi chính quyền..”- Ông Hải quả quyết.

Năm 2007, năm đầu tiên công bố Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Vĩnh Phúc xếp thứ 7 nằm trong nhóm “tốt”, 2 năm sau địa phương này thăng hạng lên nhóm “rất tốt”, song sau đó môi trường đầu tư của Vĩnh Phúc đã kém hấp dẫn dần và đến năm 2012, PCI của Vĩnh Phúc, nói như Phó Chủ tịch Lê Duy Thành là “rơi thẳng đứng” xuống vị trí 43. Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư đã được tỉnh quán triệt với tinh thần nghiêm túc và cầu thị. Tỉnh đã ban hành đề án nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013- 2015, trong đó có chương trình hành động cụ thể của các Sở, ban, ngành, huyện thị…

Thay vì xúc tiến đầu tư bên ngoài tỉnh xác định xúc tiến đầu tư tại chỗ với chính các DN đang đầu tư tại tỉnh. Bản thân Hiệp hội DN tỉnh cùng với Ban Xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh (IPA) mỗi năm tổ chức 3- 4 đợt xuống DN, mỗi đợt 30- 40 DN để lắng nghe DN. “Có khi trong các cuộc đối thoại DN không dám nói, nhưng khi chúng tôi xuống tận nơi DN rất cởi mở chia sẻ. Thông tin về DN được giữ kín, vướng mắc của DN được chuyển đến các sở ban ngành và đích thân lãnh đạo tỉnh mỗi tuần có một buổi gặp gỡ DN để kịp thời tháo gỡ vướng mắc..”- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Vĩnh Phúc, ông Đường Trọng Khang chia sẻ.

Đúng như dự đoán đầy tự tin của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc, CPI năm nay Vĩnh Phúc đã lọt vào Top 5,đứng thứ 4 trong nhóm “rất tốt” trong niềm vui hân hoan của cả cộng đồng DN…

…Và bài toán lòng dân

Cũng như nhiều địa phương khác, bài toán chuyển đổi kinh tế và giải quyết công ăn việc làm, ổn định đời sống của người dân luôn là bài toán khó. 

Ngày 6/3 vừa qua, chủ đầu tư là Tập đoàn FLC đã chính thức khai trương  FLC Vĩnh Thịnh Resort với quy mô giai đoạn 1 trên 7,3 ha tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. “Tỉnh cũng trăn trở rất nhiều về việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế vùng này bởi đây là vùng đất trũng, hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi có cầu Vĩnh Thịnh kéo gần khoảng cách với Hà Nội chúng đã cân nhắc đến phương án phát triển du lịch…”- Phó Chủ tịch Lê Duy Thành chia sẻ.

Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ băn khoăn khi tới đây tập đoàn này mở rộng dự án lên tới 250 ha. “Đây là bài toán đặt ra trên bàn lãnh đạo tỉnh và chúng tôi rất trăn trở… 7,3 ha không phải nhiểu, nhưng 250 ha chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nhiều hộ dân. Câu chuyện công ăn việc làm như thế nào, đời sống của người dân ra sao khi dành đất cho dự án… Tất cả bài toán này đang được tỉnh cân nhắc…”.

Đích thân vị lãnh đạo tỉnh này trong những ngày nghỉ cuối tuần đã về Vĩnh Thịnh không phải với tư cách Phó Chủ tịch tỉnh để tìm hiểu xem có bao nhiêu hộ dân đang nuôi bò, bao nhiêu hộ dân cho thuê ruộng, thu nhập ra sao… Ông nhẩm tính, đối với những hộ đang cho thuê, giá thuê 1,5- 1,7 triệu đồng/sào, với số tiền đền bù 80 triệu đồng/sào, nếu đem gửi ngân hàng thì yên tâm vì thu nhập từ tiền lãi còn cao hơn cho thuê ruộng. Khó hơn là đối với những hộ đang nuôi bò, có khoảng 2.000- 3.000 con bò đang nuôi trong các hộ dân. “… Nhưng cũng phải quy hoạch lại để chuyển đàn bò ra khu vực khác chứ không để như hiện nay. Chúng tôi đang bàn với nhà đầu tư. Nếu không có FLC thì bắt buộc chúng tôi cũng phải quy hoạch lại vì với cách nuôi này không thể cạnh tranh nổi khi vào TPP…”- Ông Thành quả quyết. 

Đại diện chủ đầu tư, bà Nguyễn Hải Ninh, Tổng giám đốc Cty CP FLC Travel, người trực tiếp quản lý FLC Vĩnh Thịnh cho biết DN đã được tạo điều kiện rất nhiều khi về Vĩnh Phúc đầu tư, và một trong những vấn đề mà DN quan tâm nhất chính là nhân lực. “Chúng tôi không thể hoạt động lâu dài khi không có nguồn nhân lực tại chỗ”- Bà Ninh chia sẻ. Trong số 200 lao động cho giai đoạn 1, bà Ninh cho biết 87% là người Vĩnh Phúc, trong đó có lao động giản đơn và lao động được đào tạo. “Giai đoạn 2 của Dự án,  chúng tôi cần một nguồn nhân lực rất lớn, từ 2.500 đến 3.000 người. Song song với triển khai dự án, chúng tôi cũng đã tính đến phương án tuyển chọn, đào tạo nhân lực…”- Bà Ninh cho biết. 

Về phía địa phương, Phó Chủ tịch Lê Duy Thành khẳng định: “Không riêng gì FLC mà bất cứ nhà đầu tư nào cũng vậy, ai mang tiền vào thì tỉnh đều trân trọng. Nhưng chúng tôi không thu hút đầu tư bằng mọi giá, mục tiêu của chúng tôi là phải tạo sự đồng thuận trong dân, cải thiện thu nhập, đời sống của người dân, từ đó kinh tế địa phương mới phát triển bền vững  được…”

Đọc thêm