Phương án cung ứng điện năm 2024

(PLVN) - Trong kịch bản cung ứng điện năm 2024, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã để 2 phương án liên quan đến mức nước về các hồ thủy điện.
EVN đề xuất cho tích nước các hồ thủy điện miền Bắc ngay từ tháng 8/2023.

Nếu nước về hồ thủy điện cực đoan như 2023…

Để bảo đảm cân đối cung - cầu điện năm 2024, EVN đã tính toán cân đối cung - cầu điện với nhu cầu điện tăng trưởng 8,96% so với năm 2023 và 2 kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện (bao gồm nước về các hồ thủy điện ở mức bình thường và mức cực đoan khi lưu lượng nước về kém như đã diễn ra trong năm 2023).

Theo EVN, trong kịch bản lưu lượng nước về các hồ thủy điện bình thường, hệ thống điện quốc gia về cơ bản đáp ứng đủ điện. Tuy nhiên, do công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nên vẫn phải đối mặt với tình trạng căng thẳng về công suất đỉnh tại một số thời điểm trong ngày của các tháng nắng nóng.

Trường hợp lưu lượng nước về cực đoan như mùa khô năm 2023, việc bảo đảm cung cấp điện, đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn hơn, có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420 đến khoảng 1.770MW) trong một số giờ cao điểm của tháng 6 và 7. Khi đó cần thực hiện dịch chuyển biểu đồ sử dụng điện hàng ngày của một số khách hàng sử dụng nhiều điện sang thời điểm ngoài cao điểm.

Đại diện EVN cho biết, Tập đoàn đang tập trung vào các giải pháp như bảo đảm độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy của EVN và các đơn vị thành viên; Hạn chế tối đa sự cố các nhà máy, đặc biệt là các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc; Tổ chức thực hiện ngay các giải pháp khắc phục tình trạng suy giảm công suất các tổ máy do yếu tố nhiệt độ môi trường, nước làm mát, thủy triều thấp.

Bên cạnh đó, tích cực làm việc với Tập đoàn Than - Khoảng sản Việt Nam (TKV), Tổng Công ty (TCT) Đông Bắc và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) để bảo đảm đủ nhiên liệu cho sản xuất điện theo nhu cầu của hệ thống; Lập lịch huy động cao các nhà máy nhiệt điện ngay từ đầu năm 2024 để điều tiết, giữ mực nước các hồ thủy điện ở mức cao để đạt công suất thiết kế (nhất là khu vực miền Bắc) ở thời điểm cuối mùa khô năm 2024 một cách tối ưu theo quy định.

Đồng thời, EVN cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Phòng, chống thiên tai Trung ương cho phép tích nước các hồ thủy điện miền Bắc sớm ngay từ tháng 8/2023 với mục tiêu tích đầy hồ vào cuối năm 2023.

Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố để triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg về tiết kiệm điện; Tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ các công trình lưới điện phục vụ bảo đảm cấp điện trong năm 2024 - 2025, đặc biệt là các dự án 500kV mạch 3 từ Quảng Trạch đến Phố Nối; đường dây 220kV Nậm Sum - Nông Cống và đường dây 500kV Monsoon - Thạnh Mỹ để nhập khẩu điện từ Lào… cũng như đôn đốc các chủ đầu tư các dự án năng lượng tái tạo (NLTT) chuyển tiếp khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để sớm đưa các dự án vào vận hành thương mại.

Cung cấp than khí cũng khó khăn

Cũng theo EVN, theo tính toán cung cầu năng lượng giai đoạn 2024 - 2030, dự kiến các nhà máy của EVN sẽ được huy động rất cao khoảng 40 - 42 tỷ kWh/năm, tương ứng với khối lượng than là 27,2 - 28 triệu tấn, vượt quá khả năng cấp trong hợp đồng dài hạn. Do đó, cần phải bổ sung thêm than cho vận hành các nhà máy điện than hiện hữu, đáp ứng nhu cầu huy động trong giai đoạn 2024 - 2030.

Hiện nay EVN đang làm việc với TKV và TCT Đông Bắc để bảo đảm cung cấp toàn bộ than cho sản xuất điện của các nhà máy sử dụng than của EVN và các TCT phát điện từ 1/1/2024 để nâng tổng khối lượng than cung cấp hàng năm trong hợp đồng dài hạn hiện hữu lên khoảng 27 - 28 triệu tấn, đáp ứng nhu cầu huy động trong thời gian tới.

Liên quan đến tình hình cung cấp khí, theo báo cáo của EVN, trong các năm vừa qua, khả năng cấp khí Đông Nam Bộ của PVN cho phát điện đang suy giảm mạnh từ năm 2020, trong đó năm 2020 cấp chỉ khoảng 6 tỷ m3 đến năm 2023 khả năng cấp chỉ còn 4,3 tỷ m3, khả năng cấp khí cho khu vực Tây Nam Bộ ổn định trong khoảng 1,3 - 1,4 tỷ m3/năm.

Mới đây, EVN nhận được văn bản từ PVN thông báo, PVN dự kiến khả năng cấp khí thiên nhiên khu vực Đông Nam Bộ năm 2024 chỉ ở mức 3,06 tỷ m3, năm 2025 ở mức 2,61 tỷ m3 (như vậy chỉ đáp ứng được khoảng 33% so với nhu cầu nhiên liệu của các nhà máy điện) và đề xuất sử dụng LNG là nhiên liệu bổ sung, thay thế.

Do đó, để bảo đảm nhiên liệu khí cho phát điện năm 2024 và các năm tiếp theo, tận dụng hạ tầng cung cấp khí hiện hữu sẵn có, EVN kiến nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao PVN là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp nhiên liệu khí cho phát điện (bao gồm cả khí LNG khai thác trong nước và nhập khẩu). Việc bổ sung khí LNG cho các nhà máy điện được thực hiện trên cơ sở đấu thầu lựa chọn các nhà cung cấp LNG, bảo đảm công khai, cạnh tranh minh bạch. Sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng, EVN sẽ triển khai ngay việc đàm phán bổ sung khí LNG để kịp tăng nguồn cung khí cho năm 2024.

Đọc thêm