Quá nhiều văn bản hướng dẫn về thuế

  Theo thống kê chưa đầy đủ, mới chỉ qua 2 năm thực hiện Luật thuế Giá trị giá tăng (GTGT) và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), đã có 14 thông tư hướng dẫn thực hiện thuế GTGT và 15 thông tư về thuế TNDN. Còn văn bản hướng dẫn thì vô cùng nhiều.

Theo thống kê chưa đầy đủ, qua 2 năm thực hiện Luật thuế Giá trị giá tăng (GTGT) và Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN), đã có 14 thông tư hướng dẫn thực hiện thuế GTGT và 15 thông tư về thuế TNDN. Còn văn bản hướng dẫn thì vô cùng nhiều.

Tính riêng trong tháng 2/2011, Tổng cục Thuế có 20 công văn trả lời các vấn đề liên quan về thuế GTGT và thuế TNDN… Quá nhiều văn bản khiến doanh nghiệp (DN)  đã vướng càng… vướng hơn.

Một cuộc hội thảo về những vướng mắc của Nghị định 123/3008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định 124/2008/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật thuế TNDN đã được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tuần qua…

Phó Tổng thư ký Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Nguyễn Doãn Thắng nêu vấn đề xác định thu nhập tính thuế đối với đánh giá chênh lệch tỷ giá. “Vấn đề này được quy định ở nhiều văn bản liên quan nhưng chưa đồng bộ, không thống nhất. Vì thế vừa khó hiểu vừa gây khó khăn cho DN trong quá trình thực hiện”- ông Thắng nói. Theo ông Thắng, quy định thu nhập từ chênh lệch tỷ giá gửi nội tại trong một ngân hàng không có nghiệp vụ thanh toán, được xem là khoản thu nhập khác để tính thuế và phải nộp thuế thu nhập DN theo số kê khai là chưa hợp lý. Vì đây chỉ là sự điều chuyển tiền từ tài khoản này sang tài khoản khác, tại thời điểm này DN chưa thu về khoản lợi nào cả.

Đại diện  Hội kiểm toán viên và hành nghề Việt Nam VACPA cho rằng, có những điều nghị định không quy định, không yêu cầu nhưng thông tư hướng dẫn lại yêu cầu. Đó là quy định với những hàng hóa và dịch vụ mua trả chậm trên 20 triệu đồng, cơ sở kinh doanh căn cứ vào hợp đồng mua, hóa đơn GTGT và chứng từ thanh toán qua ngân hàng,  khấu trừ thuế GTGT đầu vào đồng thời làm rõ thời hạn thanh toán vào phần ghi chú trên bản kê hóa đơn.

Theo VACPA, yêu cầu DN theo dõi thời hạn thanh toán và ghi chú trên bảng kê là sự theo dõi chồng chéo, tăng thủ tục hành chính. Vì vậy chỉ nên giới hạn ở điểm phải cung cấp chứng từ thanh toán qua ngân hàng nếu muốn được hoàn thuế GTGT đầu vào tương ứng.

 “Theo tôi, cần có một nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 123 và Nghị định 124, trong đó sẽ giải quyết các vướng mắc trong thời gian vừa qua. Nhiều văn bản hướng dẫn quá nên khó cho DN tìm hiểu, người tư vấn chúng tôi cũng khó. Cơ quan Thuế cũng khó vì phải trả lời nhiều văn bản cho nhiều trường hợp…”- Luật sư Đào Ngọc Chuyền – Trưởng Văn phòng luật sư Đào và đồng nghiệp lên tiếng.

LS Chuyền dẫn ra 2 văn bản cụ thể: Công văn 3316/BTC-CST/2010 của Bộ Tài chính giải đáp những vướng mắc trong việc xác định các khoản thu về dịch vụ và cấp tín dụng bảo lãnh không chịu thuế GTGT, và Công văn 16053/BTC-CST/2010 hướng dẫn xử lý vướng mắc về chứng từ thanh toán qua ngân hàng khi hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hóa xuất khẩu.

LS Nguyễn Hoàng Giang, đại diện Công ty TNHH tư vấn thuế C&A và một số DN cũng có cùng ý kiến này. Một số văn bản hướng dẫn khác được DN đề nghị nâng cấp thành thông tư để áp dụng chung cho những thắc mắc khác về cùng nội dung.

Một thực tế là DN ít chú tâm đóng góp cho những dự thảo các văn bản pháp luật, vì thế các văn bản pháp luật được ban hành vẫn có những điều chưa phù hợp với thực tế. “Ngại cơ quan thuế” cũng chỉ một phần, song quá nhiều văn bản “không biết đâu mà lần” cũng là trở ngại lớn cho DN để có những đóng góp xác đáng.

Đồng chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Văn Phụng - Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thuế (Bộ Tài chính) phát biểu: “Chúng ta đang ở giai đoạn rất khó khăn. Lúc này hơn lúc nào hết chúng ta cùng chung tay xây dựng để có được môi trường vĩ mô ổn định. Bộ Tài chính rất cầu thị mong muốn được lắng nghe nhiều ý kiến hơn nữa để đệ trình Chính phủ sửa đổi những gì còn chưa hợp lý, để tạo môi trường thuận lợi nhất cho DN”…

Tô Tô

Đọc thêm