Quản lý rượu bia: Còn nửa vời thì còn tai họa!

(PLO) - Rượu bia và những tác hại của nó đối trật tự an toàn xã hội, đặc biệt là phạm tội là một câu chuyện không mới. Tuy nhiên, hậu quả của nó thì lại ngày càng trầm trọng hơn. Những ám ảnh đầy kinh hoàng ấy sẽ mãi tiếp diễn nếu chúng ta không có những giải pháp hữu hiệu. 
Ảnh minh họa
Chia sẻ với Pháp luật Việt Nam về thực trạng đau lòng này, TS. Tạ Thị Minh Lý - Chủ tịch Hội Bảo trợ tư pháp cho người nghèo Việt Nam cho hay:
Thói quen uống rượu biến con người ta thành tội phạm – nạn nhân
- Rượu bia là một trong những đồ uống gây kích thích mạnh lên não bộ, làm hạn chế nhận thức… Không chỉ có vậy, nếu quá lạm dụng nó còn gây ảo giác và kích động con người, dẫn đến những hành vi lệch chuẩn không thể chấp nhận được.  Tuy nhiên, do nhận thức cũng như nếp sống của người dân Việt Nam, cứ đám cưới, đám hỏi, tiệc tùng chiêu đãi... là phải có bia rượu. 
Đó cũng là lý do giải thích vì sao tỷ lệ tiêu thụ rượu bia của Việt Nam luôn đứng ở hàng nhất, nhì trong khu vực (3 tỷ lít bia, rượu/năm). Điều đáng lo ngại hiện nay là chất lượng của rượu bia. Thực tế, rượu bia được làm giả, làm “nhái” rất nhiều. Ngoài ra, dân nhậu vẫn có thói quen uống rượu tự nấu nên mức độ nguy hiểm cho sức khỏe càng trầm trọng hơn.
Đáng báo động nhất hiện nay vẫn là tình trạng tai nạn giao thông sau khi uống rượu bia. Thống kê của cơ quan chức năng cho thấy, hầu hết các ca tai nạn giao thông, cả người gây tai nạn và nạn nhân đều có nồng độ cồn trong máu. Số vụ bạo lực gia đình do sử dụng rượu bia cũng gia tăng một cách chóng mặt… 
TS. Tạ Thị Minh Lý 
Nguyên nhân của tình trạng này một phần do thói quen uống rượu bia; một phần do các điểm vui chơi giải trí, hoạt động lành mạnh của chúng ta vẫn còn quá ít, trong khi nhà hàng, quán nhậu lại quá nhiều. 
Vì thiếu nơi vui chơi, người ta sa đà vào các quán nhậu. 
Mặt khác, do đời sống kinh tế ngày càng khó khăn, công ăn việc làm không có, nghèo đói triền miên, mâu thuẫn gia đình gia tăng, người dân lại tìm đến rượu để… giải sầu. Và trong tình trạng lâng lâng, không làm chủ được bản thân, do kích thích của men rượu, bia, họ lại gây tai nạn, thương tích hoặc bị tai nạn, thương tích… 
Là một nhà làm luật, đặc biệt đã từng tham gia trợ giúp pháp lý cho người nghèo, trong đó có những nạn nhân của tình trạng này, bà có thể chia sẻ những hoàn cảnh thực tế, cảnh ngộ thương tâm do hậu quả của tình trạng đau lòng này? Điều gì khiến bà day dứt nhất khi trợ giúp cho các trường hợp đó?
- Thường thì các trường hợp gây tai nạn thương tích hay bạo lực trong gia đình do rượu bia gây ra rất khó xử lý. Bởi lẽ, tất cả các hành vi lệch chuẩn đó đều bắt nguồn từ bia rượu, vì bia rượu họ không làm chủ được hành vi của mình. Tuy nhiên, họ vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi sai trái của mình. Khi trợ giúp cho các trường hợp này, bản thân tôi cũng thấy rất khó xử…
Thực tế, có trường hợp nát rượu, say rượu triền miên, cứ nốc rượu vào rồi về nhà cà khịa, đánh đập vợ con. Nhưng cũng có những trường hợp do quẫn bách quá, bất chợt một lúc nào đó uống vài cốc rượu để giải sầu. Về nhà vợ ca cẩm đã đánh vợ gây thương tích. Rồi có trường hợp thấy bố đánh mẹ, con trai nhảy vào can ngăn, đánh bố bị thương, thậm chí tử vong. 
Bi kịch ở đây là không thể có sự đền bù khi họ là những người thân thích của nhau. Không chỉ thế, cha mẹ đã thế, những đứa trẻ cũng sẽ bị ám ảnh suốt đời vì sự việc kinh hoàng đó, rồi tương lai của chúng sẽ ra sao khi sống trong môi trường đó, không được giáo dục “đến nơi đến chốn” bởi những ông bố, bà mẹ như thế?
Kết quả khi các vụ việc trên được đưa ra xét xử, ngay đến tòa cũng thấy khó xử. Biết xử thế nào khi họ vừa là tội phạm nhưng cũng là nạn nhân. Đấy là chưa kể khi bị tai nạn giao thông, họ sẽ là gánh nặng cho cả gia đình, cộng đồng và xã hội. Thực tế cũng có tới 60-70% cặp vợ chồng ly hôn là do rượu bia. Ngoài ra, khi đã sa đà vào rượu, bản thân người đó cũng sẽ bị gia đình, hàng xóm kỳ thị, cô lập, rơi vào bế tắc. Khi đó họ trở nên rất đáng thương. 
Thêm vào đó, do chúng ta vẫn chưa có một chính sách hỗ trợ tư vấn cai nghiện rượu bia hiệu  quả nên càng tạo tâm lý căng thẳng cho những người thân trong gia đình người nghiện rượu bia. Đây cũng là một thực tế đau xót khiến chúng ta không khỏi day dứt…
Nửa vời các quy định cấm 
Không phải bây giờ mà rất lâu rồi, Việt Nam đã đưa ra những lời cảnh báo cũng như đã có các giải pháp hạn chế tình trạng này. Tuy nhiên, hậu quả đau lòng trên vẫn xảy ra. Theo TS, đâu là nguyên nhân của thực tế này?
- Nguyên nhân chính của thực trạng này là do sự quản lý lĩnh vực này của chúng ta vẫn còn rất lỏng lẻo. Vì lẽ đó, bia rượu được bán tràn lan tại tất cả các cửa hàng, nhà hàng, trong đó rượu tự nấu, rượu “trôi nổi” cũng rất nhiều, thời gian bán thì không hạn chế, các hãng rượu bia thì quảng cáo tự do, trái phép, chất lượng thì không giám sát được…
Đặc biệt, các quy định cấm thì nửa vời. Cụ thể, cấm uống rượu bia trong giờ làm việc thì dân nhậu về khu dân cư, uống lúc tan tầm, thậm chí 11, 12 giờ đêm vẫn uống… Một điều đáng nói nữa là Nhà nước hạn chế uống bia rượu nhưng lại không hạn chế nhập khẩu, sản xuất các mặt hàng này. Nếu như tất cả đều cứ nửa vời như thế, e khó hạn chế được tình trạng này.
TS. Tạ Thị Minh Lý (đeo kính) trong một buổi tập huấn
 về phòng chống bạo lực gia đình 
Bà vừa nói đến thực trạng quản lý nửa vời. Trên thực tế, Luật Phòng chống tác hại rượu bia đang được xây dựng và hoàn thiện với mong muốn ngăn ngừa và hạn chế tình trạng này, bên cạnh đó là các giải pháp khác: cấm bán rượu bia sau 10 giờ, cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi... Bà bình luận gì về các quy định được cho là khó khả thi này? Để phòng chống hiệu quả việc lạm dụng rượu bia, chúng ta cần có các giải pháp nào?
- Luật Phòng chống tác hại rượu bia đang được soạn thảo và lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức. Bản thân tôi cũng được tham gia góp ý kiến xây dựng dự thảo luật này. Theo tôi, đây là một việc cần thiết và nên làm để hạn chế tình trạng đau lòng nêu trên. Về các quy định cấm bán rượu bia sau 10 giờ đêm hay cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, tôi cho rằng đây là những tư tưởng tiến bộ, cũng như kinh nghiệm đáng học hỏi từ các quốc gia đi trước. Nhưng để thực thi các quy định này là cả vấn đề…
Chúng ta đề ra việc cấm bán rượu bia sau 10 giờ, nhưng người ta sẽ mua sớm hơn thời gian đó và chỉ ngồi uống thôi thì có cấm không? Rồi, sau 10 giờ đêm có bao nhiêu điểm bán bia rượu chúng ta có giám sát được không? Tôi nghĩ đây là một quy định “hở” rất nhiều. Đối với quy định cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, nhiều nước cũng đã thực hiện nhưng Việt Nam liệu có làm nổi không? 
Thực tế, bao nhiêu hàng bán chúng ta còn không nắm được, người bán thì vì lợi nhuận sẵn sàng bán cho bất cứ ai. Cũng chẳng ai bỏ thời gian, công sức ra hỏi anh bao nhiêu tuổi, đề nghị xuất trình chứng minh thư rồi mới bán… 
Theo tôi, khi đã đưa ra một quy định nào đó thì phải phù hợp với điều kiện trong nước và phải đảm bảo thực thi. Ví dụ, đã cấm bán bia rượu sau 10 giờ thì phải cấm cả việc uống; đã cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi thì phải giám sát và xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm thì mới hạn chế được tình trạng này. 
Ngoài ra, phải giải quyết tổng thể các vấn đề từ sản xuất, lưu thông, đến đẩy mạnh công tác truyền thông, quản lý vấn đề này. Đặc biệt, phải giám sát thật chặt các hoạt động này, ngay từ khu dân cư, đồng thời xử phạt thật nghiêm minh các trường hợp vi phạm. Có như vậy, vấn nạn này mới hy vọng được giải quyết.
Xin cám ơn TS về cuộc trao đổi!

Đọc thêm