Quan ngại với 55 tỷ USD đầu tư đường sắt cao tốc

Con số đầu tư 55  tỷ USD là mối quan ngại của các nhà hoạch định chính sách đối với dự án đường cao tốc Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh

Ngày làm việc cuối tuần qua, khi cho ý kiến vào Dự án nói trên, nhiều thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách địa phương đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300 km/h chuyên chở hành khách, tuy nhiên còn băn khoăn với con số đầu tư cực lớn (55 tỷ USD).

Rút ngắn hành trình
Trình bày Tờ trình Chính phủ về dự án này, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cho biết: đến năm 2030, dự báo nhu cầu hành khách trên hành lang vận tải Bắc - Nam là 534.000 hành khách/ngày, tương đương 195 triệu hành khách/năm (chỉ tính những chuyến đi liên tỉnh).

Quan ngại với 55 tỷ USD đầu tư đường sắt cao tốc ảnh 1
Tàu cao tốc

Trong khi đó tổng năng lực của các loại phương thức vận tải trên hành lang vận tải Bắc – Nam chỉ đáp ứng được khoảng 378.000 hành khách/ngày, tương đương 138 triệu hành khách/năm. Như vậy còn 156.000 hành khách/ngày, tương đương 57 triệu hành khách/năm mà các loại phương thức vận tải không thể đáp ứng được. 

Nếu có đường sắt cao tốc (ĐSCT) nối Hà Nội- TP Hồ Chí Minh sẽ giải quyết nhu cầu vận chuyển hành khách khi mà thực tế đang quá tải (nhất là trong các dịp lễ, Tết).

Theo tính toán sơ bộ của Chính phủ, tổng mức đầu tư của Dự án ĐSCT sẽ là 55 tỷ USD, trong đó chủ yếu chi cho kết cấu hạ tầng (gần 31 tỷ USD), bình quân sẽ phải đầu tư 680 tỷ đồng/1km.
Chính phủ trình UBTVQH 4 phương án và cho rằng với phương án nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá và hành khách địa phương đồng thời xây dựng mới tuyến đường sắt với tốc độ 300 km/h chuyên chở hành khách là ưu việt hơn cả.

Ngân sách nhà nước có đáp ứng?


Thẩm tra sơ bộ Dự án ĐSCT, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhất trí với phương án nói trên của Chính phủ.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Đặng Vũ Minh đề nghị cung cấp thêm thông tin so sánh lợi thế giữa các phương án, cần làm rõ việc đầu tư xây dựng mới đường sắt cao tốc thì phương án xử lý tuyến đường sắt hiện có sẽ như thế nào.

Nhiều thành viên Ủy ban thường vụ QH đồng ý với chủ trương xây dựng ĐSCT nhưng băn khoăn về số tiền đầu tư và hiệu quả kinh tế mà nó mang lại.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền thì số tiền 55 tỷ USD được tính tại thời điểm 2008. Ở thời điểm này, chỉ tính giá đất đền bù cũng đã tăng gấp 4 lần nên khi bắt tay vào đầu tư, chắc chắn sẽ không dừng ở con số 55 tỷ USD. “Cả nước còn nhiều dự án khác cần một lượng vốn rất lớn, do vậy phải tính toán”- ông Hiền nói.

Chung lo lắng, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng vốn của dự án ĐSCT phải được cân đối trong tổng thể nhu cầu vốn của nền kinh tế.

Trong khi đó, về vấn đề huy động vốn, Chính phủ trình 2 phương án, và cả hai nguồn vốn đều chủ yếu là nguồn ngân sách nhà nước.

Đầu tư lớn, hiệu quả không cao?

Dự án đòi hỏi vốn đầu tư lớn nhưng hiệu quả tài chính không cao. Đó là nhận xét của nhiều thành viên Ủy ban thường vụ QH. Đơn cử, khi áp dụng chính sách giá vé 3 (bằng 75% giá vé máy bay) thì chỉ số nội hoàn tài chính cũng chỉ đạt 2,4 - 3%.

Theo Ủy ban KHCNMT, cần tính đến yếu tố giá vé (dự kiến bằng 75% giá vé máy bay) ảnh hưởng như thế nào đối với lượng hành khách đi tàu khi đối tượng này còn có cơ hội lựa chọn phương tiện khác là đường hàng không; làm rõ phương án giá vé thấp để đa số nhân dân thu nhập thấp có thể sử dụng phương tiện này.

Có như vậy thì mới thu hút được đông đảo hành khách tham gia.

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng phân trần: có thể phải sau 12 năm có thể thu hồi được vốn.

Kết thúc phiên thảo luận Dự án này, nhiều thành viên Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí chưa nên quyết định cụ thể về Dự án tại Kỳ họp thứ 7 tới đây vì còn để các Đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu, xem xét

Thu Hằng

Đọc thêm