Đây là trường hợp của bạn đọc từ địa chỉ email: truongquyetthang….@gmail.com, hỏi: Tôi thi hành nghĩa vụ quân sự vào tháng 02/1987, công tác tại Cơ quan Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Bình Định, sau đó chuyển thành quân nhân chuyên nghiệp đến tháng 10/1993 thì phục viên về địa phương. Vậy, tôi muốn hỏi, tôi có thuộc diện được NSNN mua BHYT không?
- Về tình huống mà bạn đọc hỏi, Vụ Pháp chế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết, Khoản 3 Điều 12 Luật BHYT quy định về nhóm do Ngân sách Nhà nước đóng, bao gồm:
a) Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sỹ quân đội đang tại ngũ; sỹ quan, hạ sỹ quan nghiệp vụ và sỹ quan, hạ sỹ quan chuyên môn, kỹ thuật đang công tác trong lực lượng công an nhân dân, học viên công an nhân dân, hạ sỹ quan, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân; học viên cơ yếu được hưởng chế độ, chính sách theo chế độ, chính sách đối với học viên ở các trường quân đội, công an;
b) Cán bộ xã, phường, thị trấn đã nghỉ việc đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước;
c) Người đã thôi hưởng trợ cấp mất sức lao động đang hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước;
d) Người có công với cách mạng, cựu chiến binh;
đ) Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đương nhiệm;
e) Trẻ em dưới 06 tuổi;
g) Người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng;
h) Người thuộc hộ gia đình nghèo; người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo;
i) Thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sỹ; người có công nuôi dưỡng liệt sỹ;
k) Thân nhân của người có công với cách mạng, trừ các đối tượng quy định tại điểm i khoản này;
l) Thân nhân của các đối tượng quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
m) Người đã hiến bộ phận cơ thể người theo quy định của pháp luật;
n) Người nước ngoài đang học tập tại Việt Nam được cấp học bổng từ ngân sách của Nhà nước Việt Nam.
Khoản 4 Điều 12 Luật BHYT quy định về nhóm được NSNN hỗ trợ mức đóng, bao gồm: a) Người thuộc hộ gia đình cận nghèo; b) Học sinh, sinh viên.
Theo Khoản 3 Điều 40 Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng quy định về chính sách đối với quân nhân chuyên nghiệp về phục viên: a) Được trợ cấp tạo việc làm, trợ cấp phục viên một lần; được bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp một lần từ quỹ BHXH theo quy định của pháp luật; b) Đủ 15 năm phục vụ tại ngũ trở lên, khi ốm đau được khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở quân y theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; c) Được ưu tiên cộng điểm trong thi tuyển công chức, viên chức; d) Được hưởng chế độ, chính sách quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.
Trong khi đó, Điều 2 Thông tư số 107/2016/TT-BQP quy định về khám bệnh, chữa bệnh đối với quân nhân chuyên nghiệp có đủ 15 năm trở lên công tác trong Bộ quốc phòng đã về phục viên:
“1. Quân nhân chuyên nghiệp có đủ 15 năm trở lên công tác trong Bộ Quốc phòng đã về phục viên (sau đây gọi chung là quân nhân phục viên) không có chế độ bảo hiểm y tế, khi bị mắc bệnh, tai nạn được khám bệnh, chữa bệnh, miễn hoặc giảm viện phí tại các bệnh viện quân y.
Quân nhân về địa phương tham gia làm việc trong các đơn vị, tổ chức thuộc diện phải đóng bảo hiểm y tế bắt buộc, có nguyện vọng thì được khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện quân y theo chế độ BHYT”.
Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên, trường hợp của ông có thời gian phục vụ tại ngũ từ tháng 02/1987 đến tháng 10/1993 thì phục viên nên không thuộc đối tượng được Nhà nước đóng BHYT. Đồng thời, thời gian công tác trong Bộ Quốc phòng chưa đủ 15 năm nên cũng chưa đủ điều kiện để được miễn hoặc giảm khi khám, chữa bệnh tại các bệnh viện quân y theo quy định. Trong trường hợp ông tiếp tục làm công việc thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc thì ông được lựa chọn khám, chữa bệnh tại các bệnh viện quân y.