"Quan" xã "'ăn" đất của dân còn trù dập người tố cáo

(PLO) - Dù đã có kết luận của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an huyện Phú Xuyên và Thanh tra huyện về những sai phạm của lãnh đạo xã Hồng Thái trong việc cho thuê đất nông nghiệp, vi phạm trong thu, chi tài chính nhưng đến nay các cán bộ sai phạm không chỉ yên vị mà còn có dấu hiệu thách thức, trù dập người tố cáo. 
Diện tích đầm được UBND xã cho thuê khiến nhân dân phản đối
Diện tích đầm được UBND xã cho thuê khiến nhân dân phản đối
Người dân đang đặt câu hỏi phải chăng các “quan” xã “ăn” đất của dân đang được ai đó “chống lưng”, che đậy cho việc làm vi phạm pháp luật?
Lấy đất của dân đem cho thuê,  không… bồi thường
Lợi dụng Chương trình xây dựng nông thôn mới, UBND xã Hồng Thái có Tờ trình và được HĐND xã ra Nghị quyết số 14/2011 ngày 3/8/2011 phê duyệt dự án nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả và dịch vụ sinh thái.

Ngày 23/9/2011, UBND xã kí hợp đồng cho ông Ngô Chí Cường thuê 55,54 mẫu đất, thời hạn thuê 5 năm (sau đó xin UBND huyện Phú Xuyên lên 29 năm) theo hình thức mời thầu. Điều đáng nói là, trong tổng diện tích cho ông Cường thuê có 2 đầm lớn mà ngay từ năm 2004, xã Hồng Thái đã ký hợp đồng cho ông Đồng Văn Mừng và ông Đồng Văn Trường- người địa phương- thuê 10 năm.  

Còn hơn một năm nữa mới hết thời hạn thuê nhưng ngày 24/11/2011, UBND xã yêu cầu thanh lý hợp đồng với ông Mừng, ông Trường và những cá nhân này được chi trả 813 triệu đồng.  Việc thanh lý sớm hợp đồng để cho ông Cường thuê khiến người dân đặt nghi vấn về  việc chi trả tiền có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc tài chính: “UBND xã lấy tiền từ đâu để đền bù, hỗ trợ cho 2 hộ dân khi chưa hề có một dự án nào được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có quyết định thu hồi đất?”- một người dân thắc mắc.

Theo phản ánh của người dân, ngày 3/8/2011 HĐND xã mới ra quyết định phê duyệt dự án nuôi trồng thủy sản, trồng cây ăn quả và dịch vụ sinh thái. Nhưng trước đó hơn 5 tháng (ngày 24/3/2011), Chủ tịch UBND xã Hồng Thái đã quyết định thanh lý hợp đồng với ông Mừng và ông Trường khi chưa thông qua Đảng ủy xã và HĐND. Liệu đây có phải là cách “tiền trảm hậu tấu” của Chủ tịch UBND xã Hồng Thái? Mặt khác, khi thu hồi đầm, xã chưa giao cho ai quản lý, mãi 8 tháng sau mới ký quyết định giao cho ông Cường, để lãng phí đất đai, trách nhiệm đó thuộc về ai?
Ngoài ra, ông Đồng Xuân Chung - một người dân ở thôn Duyên Yết cho biết: “Từ năm 1992, chúng tôi đã được chia ruộng lâu dài và có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào năm 1993. Trong hợp đồng thuê đất của ông Cường với UBND xã Hồng Thái có đất của chúng tôi nhưng chính quyền không hề có ý kiến hay bồi thường cho nhân dân. Việc làm như vậy là coi thường quyền lợi của dân”.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dân được cấp từ năm 1993
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dân
được cấp từ năm 1993 
Kết luận sai phạm nhưng không xử lý 
Ngày 10/5/2012, UBND huyện Phú Xuyên đã có Kết luận số 471/KL-UBND nêu rõ: “UBND xã đền bù số tiền 813 triệu đồng do thanh lý hợp đồng trước thời hạn đối với hai cá nhân (số tiền này không phải do ngân sách xã chi ra), được thanh toán bằng biên bản giao nhận tiền ngày 24/3/2011, song UBND xã không viết phiếu chi là chưa đảm bảo quy định”.
Tiếp đó, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phú Xuyên cũng khẳng định: “Xã Hồng Thái có vi phạm trong nguyên tắc quản lý kinh tế là việc thu, chi số tiền trên không có chứng từ hóa đơn, không gửi vào tài khoản tạm gửi tại Kho bạc Nhà nước theo quy định. Nội dung trong đơn nêu UBND xã Hồng Thái chi trả tiền không viết phiếu chi là hoàn toàn đúng”. (Kết luận số 49 ngày 26/5/2013).
Ngoài ra, trong thời gian chờ huyện phê duyệt chủ trương cải tạo các khu hồ đầm thành khu sinh thái để đem lại nguồn lợi lớn hơn cho nhân dân thì UBND xã Hồng Thái đã vội ký hợp đồng với ông Ngô Chí Cường thực hiện Dự án “Nuôi trồng thủy sản, đặc sản, trồng cây ăn quả, cây cảnh, cây công trình kết hợp kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái”. Ngày 23/9/2011, xã bàn giao mốc giới, mặt bằng nhưng phải đến ngày 29/11/2012, UBND huyện Phú Xuyên mới có Quyết định chấp thuận và đồng ý cho thuê đất. Trước đó, ông Chủ tịch xã Hồng Thái cũng tự ý áp dụng giá thuê đất là 378 ngàn đồng/sào/năm, thời gian thực hiện dự án là 29 năm.
Rõ ràng UBND xã đã vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý đất đai, cho thuê đất và giao đất khi chưa được phép, cho thuê đất quá thời hạn quy định, mức giá cho thuê mỗi mét vuông đất chỉ hơn 1 ngàn đồng, phớt lờ các quy định của Phòng Tài chính, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chi cục Thuế về việc phối hợp xác định giá cho thuê đất. 
Với những sai phạm trên, Cơ quan CSĐT khẳng định UBND xã Hồng Thái đã vi phạm Khoản 1 Điều 67 và Điều 70 Luật Đất đai 2003. 
Chống  tiêu cực bị trù dập
Nhiều đảng viên, cán bộ lão thành đã lên tiếng về những sai phạm của cán bộ xã trong việc cho thuê đất nêu trên nhưng ngay sau đó nhận được giấy mời của Chi ủy Chi bộ thôn Duyên Yết mời lên nhắc nhở, yêu cầu không được phát ngôn “trái với đường lối của xã”, trong đó có ông  Phạm Hoàng Dậu. 
UBND xã Hồng Thái cho rằng, ông Dậu đã xa quê, nay trở về đòi hỏi một số quyền lợi cá nhân nhưng không được đáp ứng nên quay ra làm đơn “với luận điệu của người đi ngược lại với đường lối của Đảng và Nhà nước, gây mất ổn định an ninh địa phương…”. Đáng nói, nội dung trên được phát nhiều lần trên hệ thống loa truyền thanh của xã vào ngày 5/10/2012.
“Thấy sai phạm, tôi đấu tranh vì lẽ phải, vì sự phát triển của quê hương, lãnh đạo xã không khắc phục lại quay ra bôi nhọ, “chụp mũ“ tôi”- ông Dậu bức xúc. Phía UBND xã Hồng Thái cũng thừa nhận: ông Nguyễn Văn Sanh- Trưởng Công an xã - do bận công việc đã không kiểm soát được anh em, ra thông báo câu chữ chưa hoàn chỉnh, sẽ… rút kinh nghiệm!/.

Đọc thêm