|
Có mặt tại khu vực biên giới của tỉnh Quảng Trị - địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá điếu trên tuyến biên giới Việt – Lào, dễ dàng nhận thấy, với chiều dài trên 10 km, gồm 17 bến đò có hoạt động, sông Sê - pôn chính là điều kiện lý tưởng để vận chuyển, tập kết hàng nhập lậu. Người dân sinh sống tại ven sông cho biết, tại đây có tới 5 bến đò có hoạt động vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu.
Sau khi hàng được tập kết ở đây, các chủ hàng chia nhỏ và thuê cửu vạn gùi cõng qua các đường mòn trong rừng hai bên cánh gà khu vực Trạm Kiểm soát Cổng B khu Kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo rồi đưa vào nội địa tiêu thụ.
Với tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia, hoạt động buôn lậu thuốc lá điếu còn tấp nập hơn nhiều. Khi lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra trên tuyến đường bộ, đối tượng buôn lậu thuốc lá lại chuyển hướng vận chuyển thuốc lá theo tuyến đường sông bằng xuồng máy chạy với tốc độ cao. Trên tuyến đường sông, thuốc lá nhập lậu được vận chuyển từ khu vực biên giới xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), khu vực giáp ranh xã Mỹ Quý Đông (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) qua huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) theo tuyến kênh Thầy Cai rồi được vận chuyển về khu vực huyện Hóc Môn và các quận, huyện của TP.HCM. Ngoài ra, thuốc lá nhập lậu còn được vận chuyển trên tuyến sông Bình Di - giáp với khu vực biên giới của tỉnh An Giang và tỉnh Long An... rồi đưa vào trong nội địa để tiêu thụ.
Trên tuyến biên giới Việt – Trung, các đối tượng buôn lậu lợi dụng địa bàn vùng biển của tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng sử dụng xuồng cao tốc vận chuyển thuốc lá điếu ngoại đã tái xuất sang Trung Quốc rồi đưa ngược về khu vực Trà Cổ, xã Bình Ngọc, TP.Móng Cái, sau đó chia nhỏ, sử dụng các loại phương tiện để vận chuyển sâu vào nội địa. Ngoài ra, các đối tượng còn lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT đối với thuốc lá điếu của Việt Nam xuất khẩu, sau đó tìm cách nhập lậu lại Việt Nam để tiêu thụ.
Không chỉ lợi dụng địa hình để luồn lách bằng nhiều cách khác nhau, trong quá trình vận chuyển vào nội địa, một mặt, đầu nậu thuê người theo dõi chặt chẽ mọi hoạt động của lực lượng kiểm tra. Bất cứ sự di chuyển nào của lực lượng kiểm tra đều được người theo dõi báo về cho đầu nậu để đối phó. Mặt khác, các đối tượng này dùng xe gắn máy chạy với tốc độ cao, sử dụng thiết bị liên lạc hiện đại để cảnh giới hoặc đi theo hộ tống và sẵn sàng cản trở, chống đối lực lượng kiểm tra để giật lại hàng…
Có thể nói, các đầu nậu không chỉ là nỗi nhức nhối của các lực lượng chống lậu, mà hơn thế, những “ma tốc độ” chuyên vận chuyển hàng thuê còn là nỗi khiếp sợ của người dân khi chứng kiến các phương tiện này lạng lách trên phố.
Quyết liệt xử lý
Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) chia sẻ: Mặc dù trong hoàn cảnh khó khăn về phương tiện, trang thiết bị, chính sách còn nhiều bất cập, song từ đầu năm 2014 đến nay, lực lượng QLTT đã xử lý 4.712 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 14 tỷ đồng, tịch thu hơn 1 triệu bao thuốc lá các loại; số lượng thuốc lá thu giữ bằng 96% so với cả năm 2013. Đặc biệt là trong 3 tháng triển khai đợt kiểm tra cao điểm, số vụ xử lý bằng 75% và số thu đạt trên 50% so với 8 tháng năm 2014.
Tuy nhiên, kết quả này còn khiêm tốn so với thực tế thuốc lá lậu tràn vào nội địa. Theo ông Tín, còn rất nhiều khó khăn trong công tác chống buôn lậu thuốc lá: đường biên giới dài, trong khi lực lượng mỏng, chế tài còn nhẹ, công tác tuyên truyền còn hạn chế… Bên cạnh đó, công tác nắm tình hình buôn lậu, công tác dự báo tình hình nhiều lúc, nhiều nơi còn bị động, chưa đánh trúng, đánh đúng đối tượng cầm đầu trong các đường dây lớn… chưa có giải pháp xử lý một cách bài bản, mang tính căn cơ, chiến lược.
Quyết tâm xử lý thuốc lá lậu trên nội địa, ông Tín cho biết, lực lượng QLTT tiếp tục thực hiện chuyên đề kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn trọng điểm. Đồng thời tăng cường công tác trao đổi thông tin về tình hình vi phạm pháp luật, quy luật, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, về các tổ chức, đường dây, ổ nhóm, các tuyến, địa bàn trọng điểm liên quan đến buôn lậu thuốc lá với các lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội biên phòng.
“Cùng với quyết tâm của lực lượng QLTT, việc chính quyền địa phương phát huy vai trò trong việc chỉ đạo, tổ chức sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng trên địa bàn trong công tác chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu... cũng sẽ góp phần để công tác chống buôn lậu thuốc lá đạt hiệu quả cao hơn” – ông Tín khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, công tác kiểm soát, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu của lực lượng chức năng trong thời gian qua đã thu được nhiều kết quả, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu mong muốn và còn một số tồn tại cần phải khắc phục. “Để công tác này đạt kết quả cao hơn, các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, cấp Ủy và chính quyền địa phương về phòng, chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu, coi đây là vấn đề mấu chốt để triển khai thực hiện nhiệm vụ” – Thứ trưởng Hải chỉ đạo.
Các lực lượng chức năng cần đặc biệt nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình thị trường để xây dựng các phương án đấu tranh hiệu quả. Đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh và nâng cao năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ công chức thực thi; xử lý nghiêm cán bộ công chức vi phạm, tiếp tay cho buôn lậu, gian lận thương mại; khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực thi công vụ; chỉ đạo làm tốt công tác thông tin tuyên truyền.