Xuất thân con nhà nghèo
Đó là câu chuyện của anh Nguyễn Bách Trường (SN1987) tại xã Cát Quế, Hoài Đức, Hà Nội. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo có 3 anh chị em, sau khi tốt nghiệp THPT, Trường lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự. Khoảng thời gian này cũng chính là lúc trong đầu anh nung nấu ý tưởng sản xuất tăm, xây dựng một thương hiệu tăm sạch.
Nghĩ là làm, năm 2009 anh xuất ngũ và bắt đầu mở một xưởng sản xuất tăm nhỏ. Sau khi kết hôn, được mẹ cho vài tạ tăm làm vốn, vợ chồng anh bán được 5 triệu đồng, chính thức bắt tay vào khởi nghiệp. Nhờ hiểu biết về internet, anh Trường mày mò trên mạng những kiến thức về thị trường và cạnh tranh trong kinh doanh để áp dụng vào thực tế.
Do nguồn vốn hạn hẹp và thiếu kinh nghiệm nên trong hai năm đầu tiên, Trường sản xuất và kinh doanh tăm bằng cách bán trực tiếp tại các cửa hàng trong huyện Hoài Đức và một số vùng lân cận như Thạch Thất, Chương Mỹ, Xuân Mai, Hà Đông... Đây cũng là quãng thời gian vất vả nhất khi tăm sản xuất ra không bán được, liên tục ế ẩm do cửa hàng chưa có thương hiệu cũng như chưa tạo được uy tín với khách hàng. Anh Trường kể lại: “Những ngày đầu đem tăm đi bán, tôi phải đi 50 – 60km để chào hàng nhưng đều bị từ chối, vì họ đâu biết tôi là ai, tăm có đảm bảo không?”.
Tuy gặp nhiều khó khăn nhưng anh Trường vẫn không nản chí. Với những kiến thức tự học, anh tận tình hướng dẫn công nhân của mình từ khâu gia công đến khâu đóng gói, vay mượn đầu tư thêm máy móc và cơ sở sản xuất để sản phẩm đảm bảo chất lượng hơn. “Tôi nhớ lần đầu tiên được một doanh nghiệp trên Hà Đông đặt một đơn hàng 200 gói tăm, vợ chồng tôi mừng đến phát khóc, vì đó là bước đánh dấu thành công đầu tiên của chúng tôi, là động lực để mình cố gắng hơn” - anh Trường chia sẻ.
Thu 300 triệu đồng/tháng từ bán tăm giang
Nhận thấy tiềm năng sản xuất tăm sạch, chất lượng cao từ cây giang, năm 2012, anh mở rộng thêm xưởng sản xuất và đầu tư vào máy móc để sản xuất tăm giang. “Hiện máy móc và trang thiết bị trong xưởng có giá trị hơn hai tỉ rồi. Tôi cũng đang dự định đầu tư xây dựng thêm nhà xưởng và thuê thêm nhân công vì tiềm năng tiêu thụ của tăm giang là rất lớn, sắp tới tôi sẽ phát triển thị trường vào TP.HCM và rất có thể sẽ xuất khẩu sang Lào và Thái Lan nữa” - anh hào hứng cho biết.
Sau một năm đưa tăm giang vào thị trường Việt, hiện tại cơ sở sản xuất tăm Trường Thịnh của anh tiêu thụ khoảng 3 tấn tăm, mang về doanh thu hơn 3 tỷ đồng/năm. Cơ sở tạo công ăn việc làm cho hơn 100 lao động (chủ yếu là phụ nữ và thiếu niên trong vùng) với mức lương trung bình 3 – 4 triệu đồng/người/tháng.
Để sản xuất được số lượng tăm như vậy, anh phải nhập giang từ Thái Nguyên, Bắc Kạn, Yên Bái… về, rồi giao cho từng hộ gia đình tuốt sợi bằng tay. Sau đó, các sợi giang sẽ được chuyển về xưởng để chọn lọc những nguyên liệu đạt chất lượng và tiến hành xén, sấy khô, đóng gói. Tăm giang Trường Thịnh được chia thành 7 loại, nổi bật nhất là tăm tiệc cưới và tăm vỉ, thường được bán với giá 1.000 đồng/gói, 6.000 đồng/hộp.
Tháng 5/2014, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã trao tặng Nguyễn Bách Trường Bằng khen Thanh niên làm kinh tế giỏi của Thủ Đô, đồng thời anh còn nhận được Bằng khen của UBND huyện Hoài Đức. “Không có điều gì là không thể làm được, chỉ cần bạn có lòng tin vào nó, công việc đó nhất định sẽ thành công” - anh Trường tâm niệm.